1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện ông ủy viên Trung ương Đảng nhập hộ khẩu!

Phải mất gần năm năm, ông Tráng A Pao - ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - mới chuyển được hộ khẩu cho vợ, con từ Lào Cai về Hà Nội.

Không thể không đặt ra câu hỏi sau khi nghe ông kể về con đường trần ai của mình: một cán bộ lãnh đạo cấp bộ trưởng mà còn bị hành, đối với dân thường thì sao? Việc quản lý bằng hộ khẩu liệu có còn phù hợp? Ông Pao nhớ lại:

 

Khi chuyển về Hà Nội công tác, tôi có cắt hộ khẩu ở địa phương (Lào Cai) rồi giao anh em làm giúp việc nhập hộ khẩu về Hà Nội. Cán bộ làm công tác quản lý hộ khẩu ở Hà Nội đòi phải có giấy cấp nhà, giấy điều động công tác...

 

Nộp bản sao có công chứng họ không đồng ý, họ bảo giấy có dấu đen không được, phải có dấu đỏ. Thế là tôi phải đưa cả giấy điều động công tác do ông Phạm Thế Duyệt - lúc đó là thường trực Bộ Chính trị - ký, giấy cấp nhà của Ban tài chính quản trị cũng có dấu đỏ. Thế mà vẫn không được.

 

Ông đã nhập hộ khẩu về Hà Nội trước, sau đó nhập hộ khẩu cho vợ, con ông về cùng. Thế mà họ đòi cả giấy điều động công tác, giấy cấp nhà của ông?

 

Thì đó mới là chuyện lạ. Sau khi tôi phát biểu chuyện này ở phiên họp của Ủy ban thường vụ QH, báo chí đăng lên thì họ mới có văn bản trả lời tôi về việc tôi nhập hộ khẩu cho bà xã. Nhưng nội dung trong văn bản trả lời hoàn toàn không đúng sự thật. Tôi đang định viết một bài báo về việc này.

 

Vậy nội dung họ trả lời ông như thế nào?

 

Họ nói rằng tôi không muốn đưa vợ con xuống Hà Nội.  

 

Thế họ còn yêu cầu ông nộp gì nữa?

 

Họ lại yêu cầu nộp giấy... đăng ký kết hôn. Nhưng giấy này thì tôi không có. Bởi lúc chúng tôi kết hôn chúng ta mới giành được chính quyền, chưa có ai cấp giấy đăng ký kết hôn cả. Bây giờ già thế này rồi, đã có con cái lấy vợ, lấy chồng, có cháu rồi mà họ còn yêu cầu muốn nhập hộ khẩu cho vợ tôi là phải có giấy kết hôn giữa nhà tôi và tôi. Điều này là hoàn toàn vô lý...

 

Tôi phải nhờ đến ông Phạm Chuyên cũng là đại biểu QH, giám đốc Công an thành phố Hà Nội, nhưng cũng vẫn chưa giải quyết được.

 

Ông từng nói họ có biểu hiện vòi vĩnh, thưa ông?

 

Đúng. Vì họ cứ đòi hết giấy này lại giấy kia. Khi đủ rồi thì lại nói chưa được. Nói thật, nếu mình chi ít tiền chắc chắn sẽ xong ngay. Ngay cơ quan tôi, có cậu vừa từ miền núi về, đi lo hộ khẩu chỉ vài ngày là xong hết. Vợ con vẫn còn ở trên đó mà hộ khẩu ở Hà Nội thì đã đăng ký được rồi. Như thế, chắc chắn phải có cái mà nhà báo thường nêu ấy, đó là cái “đếm đếm”.

 

Xin hỏi thật: đã khi nào ông cũng tính đến chuyện đưa cho họ cái “đếm đếm” cho xong việc để dành thời gian đi làm việc khác không?

 

Mình đang là người làm luật mà lại đi làm chuyện ấy là sai.

 

Đến khi nào vợ ông mới được nhập hộ khẩu?

 

Khi tôi phát biểu chuyện này ở Ủy ban thường vụ QH, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã giao cho Văn phòng QH, sau đó anh em ở văn phòng giải quyết, đến cuối năm 2004 vợ tôi mới được nhập hộ khẩu về đây (ông Pao chuyển về Hà Nội từ năm 2000 - PV). Không biết anh em ở văn phòng có phải mất tiền nong gì không. 

 

Ông là ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH mà thấy việc bất bình như thế sao không lên tiếng ngay để các cơ quan có trách nhiệm giải quyết?

 

Tôi đã lên tiếng nhiều rồi vì tôi thấy mình bị như thế thì chắc chắn người dân khác cũng vậy. Tôi tuy là ủy viên trung ương, là chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH nhưng ra ngoài xã hội hay đi giải quyết các công việc khác tôi cũng như người dân bình thường.

 

Khi thảo luận về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) tại kỳ họp này, một số đại biểu QH đã lên tiếng rằng không nên duy trì cách thức quản lý theo hộ khẩu nữa mà nên quản lý theo nơi cư trú. Ý kiến ông ra sao?

 

Trước đây trong thời bao cấp thì rõ ràng phải quản lý theo hộ khẩu vì nó liên quan chế độ lương thực, thực phẩm... Đến giờ, tôi thấy nếu quản lý theo hộ khẩu cũng chỉ để cơ quan chức năng nắm được ai đi, ai ở.

 

Trong khi những thủ tục để nhập hộ khẩu như hiện nay rườm rà quá, phải đơn giản hóa đi. Nhất là các qui định như phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giấy kết hôn... (mới được nhập hộ khẩu) là hoàn toàn vô lý và không cần thiết.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Theo Vĩnh Phúc

Tuổi trẻ

Dòng sự kiện: Hộ khẩu