1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện ông già bảo thủ nhất làng hoa sống chật vật trên núi tiền

Giữa thủ đô có hơn 300 mét vuông đất vẫn sống trong căn nhà chật chội thấp tè tè - đó là ông. Hơn 70 tuổi sống ở trung tâm thủ đô vẫn nhận mình là nông dân - đó là ông. Ở làng Ngọc Hà còn duy nhất một người trồng hoa - đó chính là ông.

Độc!

 

Tôi nghĩ mãi không hiểu vì sao ông Trần Nguyên Bộ, người duy nhất duy trì nghề trồng hoa ở làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội), người có hơn 300 mét vuông đất lại không chịu bán đi một góc để đổi lấy căn nhà đàng hoàng mà ở. Và rồi khi ngồi đối diện với ông tại chính căn nhà nhỏ, thấp của ông ở tổ 20, phường Ngọc Hà, tôi hỏi ông điều đó, ông Bộ chỉ nhoẻn miệng cười phúc hậu và trả lời ngắn gọn: “Giữ nghề cho quê, cho gia đình”. Nói thì chỉ ngắn gọn vậy thôi. Nhưng để làm đúng như tinh thần câu nói đó, đối với ông Bộ không phải là chuyện đơn giản.

 

Ông Bộ tự hào mình là dân Ngọc Hà gốc và luôn tự nhận mình là một nông dân đích thực, nói về hoa, nói về làng ông, ông đọc câu thơ: “Sớm mai ra/ Gánh hàng hoa/ Xuống chợ/ Hoa Ngọc Hà/ Trên đường rực nở/ Hương bay xa/ Thơm ngát/ Đường ta...” để giới thiệu. Nhưng rồi ông Bộ thở dài: “Hình ảnh đó chỉ tồn tại hơn 20 năm về trước. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, làng hoa Ngọc Hà đã chết”.

 

Người trồng hoa cuối cùng ở làng hoa Ngọc Hà.

Người trồng hoa cuối cùng ở làng hoa Ngọc Hà.

 

Ông Bộ tiếc cho ngôi làng mình chỉ còn ngát hương trong quá khứ, những câu chuyện về làng hoa đẹp giờ luôn được mào đầu bằng hai chữ “ngày xưa”.

 

Đô thị hóa ập đến, o ép đất trồng hoa đến mức bức tử, ông Bộ cũng hiểu và cảm thông cho người làng. Đến Ngọc Hà bây giờ nhà cao tầng san sát kề nhau. Điều đó làm càng làm cho mảnh vườn nhà ông Bộ trở nên nổi bật và độc đáo.

 

Nếu như 20 năm trở về trước, khu vườn dành để trồng những luống hoa nhà ông Bộ chẳng có gì đặc biệt. Thậm chí, thuở đó vườn ông thuộc tốp nhỏ trong làng. Ông Bộ kể: “Tôi xây căn nhà này năm 80 thế kỷ trước, thời đó thuộc dạng hoành tráng trong làng. Xung quanh, hàng xóm đang là nhà cấp 4 lụp xụp”. Thế rồi, nhà cao tầng cứ mọc lên. Căn nhà “hoành tráng” của ông Bộ cứ nhỏ đi, cũ đi và lạc hậu đi so với xung quanh. Khu vườn rợp bóng cây mát mẻ của ông như ngủ quên một giấc dài, khi chẳng có thay đổi gì trong khi cả làng đã lột xác.

 

Vợ chồng ông Bộ có 4 người con trai. Cả 4 người con đều xây dựng gia đình và sống quây quần bên nhau, tuy sinh hoạt có chật chội nhưng không ai muốn bố mình bán mảnh vườn 3 đời gắn bó với nghề trồng hoa.

 

Rất độc đáo khi, họ vẫn giữ nếp sống của làng Ngọc Hà, vợ chồng con cái vẫn thức khuya dậy sớm như mấy chục năm trước - khi cả gia đình còn trồng hoa trong HTX những năm 80 thế kỷ trước. Chồng vun luống, vợ ươm giống, tưới nước… những lứa hoa cứ thế thay nhau không cho mảnh đất ấy ngơi nghỉ một ngày nào khiến cả khu vườn nhà ông như mênh mông, quê mùa giữa phố xá chật chội, nóng nực ồn ào và bon chen.

 

Người nông phu cuối cùng

 

Với mảnh vườn 300 mét vuông, người ta tiếc rẻ, nhà ông Bộ đang sống trên một núi tiền mà không biết sướng. “Người ta bảo tôi bán bớt đất đi, sẽ có tiền xây nhà gửi tiết kiệm hoặc đầu tư làm ăn kiểu khác sẽ cho thu nhập gấp chục lần, thậm chí trăm lần nghề trồng hoa. Tôi cũng biết thế, nhưng quyết không bán đất, quyết không bỏ nghề”, ông tâm sự.

 

Năm nay đã 72 tuổi, nhưng ông Bộ vẫn có nếp sinh hoạt đều đặn như một người nông dân đích thực, cả ngày chẳng đi đâu ra khỏi nhà mà lúc nào trên tay cũng có cái cuốc chăm chút cho từng luống hoa trong vườn.

 

Ông Bộ đang “đơn thương độc mã” níu giữ chút hồn vía cho làng Ngọc Hà. Thế nhưng nhiều lúc công đầy việc ý nghĩa của ông bị chính người làng “ý kiến”. “Dân người ta kêu về việc chúng tôi bón phân, bơm thuốc sâu…”, ông Bộ nói.

 

Vườn hoa cuối cùng của làng hoa.
Vườn hoa cuối cùng của làng hoa.

 

Góc vườn nhà ông Bộ chất những bao tải rất to, nilon, bạt dứa được phủ kín cẩn thận. Ấy là những bao tải đất phù sa phơi khô, đập nhỏ rồi sàng một lượt trước khi đóng vào bao tải để dùng dần. Mỗi lần ươm một lứa cúc mới, ông lại rải một lớp phù sa mịn lên, vừa là cung cấp dinh dưỡng cho cây, vừa tạo một lớp đất mới cho cây bén rễ. Mỗi vụ hoa, ông phải bỏ tiền triệu thuê xe ô tô ra bãi sông mua đất về bổ sung.

 

Bấy lâu nay, vườn hoa duy nhất ở Ngọc Hà này chỉ chuyên ươm cúc. Ông bảo trước khi mình tham trồng nhiều hoa, có cả hoa quý, tuy nhiên không kinh tế bằng chuyên biệt một loại. Nói là kinh tế hơn, khi đề cập đến thu nhập, ông lại cười: “đủ sống”. Quả thật, cuộc sống của gia đình trồng hoa ấy khá chật vật, khi ngoài bán hoa ra vợ chồng ông chỉ có thêm khoản trợ cấp mất sức chưa đầy 1 triệu đồng/ tháng của vợ ông.

 

Cây cúc giống của nhà ông Bộ chỉ năng suất được năm tháng cuối năm, khi thời tiết đã bớt khắc nghiệt. Độ này, ông chỉ trồng theo đặt hàng. Ông Bộ cho biết, mỗi bó một trăm cây con, ông bà bán cho khách với giá 12.000đ, “ giá có cao hơn năm ngoái, nhưng làm sao đuổi kịp bão giá. Trồng hoa ở đâu không biết. Trồng hoa ở Ngọc Hà, chỉ có tình yêu mới làm được”.

 

Cũng đã có đôi lần ông nghĩ đến việc thôi trồng hoa. Nhưng rồi, cái nghề nó như vận vào mình, ông vẫn cứ tiếp tục cho đến tận bây giờ khi tuổi đã bước qua ngưỡng xưa nay hiếm. Tuy nhiên, khi hỏi đến việc con cháu ông có ai nối nghiệp ông không, ông chỉ biết lắc đầu: “Có đủ đảm bảo cuộc sống đâu mà chúng nó theo nghề”. Như vậy, ông Bộ đã là người cuối cùng trồng hoa ở làng hoa rồi. Và, tương lai một thực tế, làng hoa đẹp của Hà Thành chỉ còn trong sách vở không còn xa nữa.

 

Theo Hà Phương
 
Gia đình & Xã hội