1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện ở một cây cầu tạm do mấy chị phụ nữ thu phí

(Dân trí) - Lũ tàn phá tràn bê tông, người dân thiếu đường đi lại. Một số người dân đã tự bỏ tiền túi làm cầu gỗ tạm giúp cả xã có đường đi lại nhưng ẩn họa vẫn luôn rình rập.

Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi có mặt tại chiếc cầu tràn nối xã Châu Đình với thị trấn Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) để được“mục sở thị” việc lưu thông giữa một vùng rộng lớn, khá đông dân ở phía Đông-Nam của huyện với thị trấn Quỳ Hợp sau nhiều ngày bị chia cắt do lũ lụt gây ra!

Cách đó 5 ngày, đoạn cầu tràn bị nước lũ cuốn trôi, khiến giao thông tê liệt, người dân khốn khó trong việc di chuyển. Một số người dân xã Châu Đình chứng kiến cảnh đó, đã tự bỏ tiền túi ra dựng lên một cây cầu tạm có 3 làn bằng tre nứa và ván gỗ, giúp nhân dân thuận tiện trong lưu thông.

Chị N. một trong những người đứng ra làm cầu, chia sẻ: "Vì bức xúc chuyện đi lại sau khi bị cô lập quá lâu ngày mà không thấy cấp chính quyền có ý định làm cầu hay sửa chữa cầu tràn bị hỏng cho dân, chúng tôi đã tự họp nhau lại để làm chiếc cầu này".
 
Chị M. nói thêm về việc thu phí qua cầu: "Trong ba làn cầu này thì làn ở giữa là do dân chúng tôi làm, được UBND xã Châu Đình hỗ trợ 1 triệu đồng và yêu cầu cho các em học sinh, các thầy, cô giáo đi lại không thu tiền. Đã có thông báo rồi. Còn hai làn hai bên là do chúng tôi bỏ tiền ra hoàn toàn, chúng tôi phải thu tiền qua lại để trả tiền mua vật liệu chứ. Phí qua cầu thì xe máy mỗi chuyến đi - về là 10.000 đồng; xe đạp mỗi chuyến đi - về là 4.000 đồng. Người đi bộ thì chủ yếu là người quen trong bản, trong vùng, tùy lòng hảo tâm thôi… Cầu mới làm được 5 ngày, tiền phí chưa đủ trả vật liệu chứ chưa nói tới công sức làm cầu và lời lãi này khác đâu các anh ạ!".
 
Có cầu tạm, người dân dù phải đóng phí qua cầu vẫn thấy vui. Song hiểm nguy thì vẫn không ai dám chắc là không có. Nếu chỉ một cơn mưa lớn như vừa rồi nữa thôi, chắc chắn ba làn “cầu tạm” này sẽ lại thành... vô dụng. Lúc ấy, chưa nói đến chuyện người bỏ tiền làm cầu chưa kịp thu lại vốn, mà cả 3 xã Châu Đình, Văn Lợi và Hạ Sơn nối với thị trấn Quỳ Hợp sẽ đi lại ra sao?
 
Chị K (ở bản Cáng Điểm) thì vẫn cương quyết: nếu có lũ to nữa, “cầu tạm” này bị hỏng sẽ có “cầu tạm” khác thay thế. Chính quyền không làm thì dân cũng phải làm. Không ai đi xe máy, xe đạp lội qua khe được nếu không có cầu!
 
Sau đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi lại được ở “cầu tạm” nối giữa xã Châu Đình với thị trấn Quỳ Hợp, một ngày cuối tháng 9:
 
Chuyện ở một cây cầu tạm do mấy chị phụ nữ thu phí - 1
Có cầu tạm mừng rồi, nhưng hiểm nguy vẫn rình rập
 
Chuyện ở một cây cầu tạm do mấy chị phụ nữ thu phí - 2
Băn khoăn chuyện bất an từ dưới chân ''cầu tạm''
Chuyện ở một cây cầu tạm do mấy chị phụ nữ thu phí - 3
Các chị vừa ngồi canh cầu thu phí, vừa tranh thủ thêu váy
 
Chuyện ở một cây cầu tạm do mấy chị phụ nữ thu phí - 4
Học sinh đi học, giáo viên đi dạy cứ vô tư qua lại ở làn cầu gữa, không mất phí
 
Chuyện ở một cây cầu tạm do mấy chị phụ nữ thu phí - 5
Phí xe máy đi - về là 10.000 đồng
 
Chuyện ở một cây cầu tạm do mấy chị phụ nữ thu phí - 6
Phí đi - về với xe đạp là 4.000 đồng
 
Chuyện ở một cây cầu tạm do mấy chị phụ nữ thu phí - 7
Ba làn ''cầu tạm'' đã được người dân xã Châu Đình làm để thông thương sau nhiều ngày bị ách tắc
Chuyện ở một cây cầu tạm do mấy chị phụ nữ thu phí - 8
Cách ''cầu tạm' chỉ khoảng 1000 mét phía bên trên, có một chiếc cầu xi măng rất hiện đại đã được bắc qua khe Nặm Huống, nhưng biết đến bao giờ qua lại được trên chiếc cầu ấy.
 
Lương Thoại