1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện ở bản ăn thịt gấu nhiều như thịt lợn

Thật khó tin, ở Hòa Bình có một bản mà mỗi lúc hứng chí, người dân lại hè nhau vác súng vào rừng săn gấu, loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn thế giới. Săn được gấu, cả bản lại mài dao sáng loáng, mổ bụng, cạo lông như mổ lợn...

Theo chân 40 “thợ săn gấu” vào rừng thẳm

 

Mấy ngày lang thang ở các bản làng của huyện Mai Châu (Hòa Bình) tôi đã vô tình gặp đoàn thợ săn của bản Nhuối (xã Tòng Đậu) đang ngồi tập hợp ở bìa rừng với súng ống nòng ngắn nòng dài lủng liểng.

 

Hỏi vui: “Các bác chuẩn bị đi đánh giặc à?”. Một gã ngồi trên tảng đá, súng dựa vai cười ha hả: “Chú cứ vui tính. Bọn anh chuẩn bị vào rừng săn gấu đấy”. Thật khó có thể tin, chuyện săn gấu là phạm pháp, là có thể đi tù, song đám thợ săn này chẳng thèm giấu diếm, cứ “bô bô khai” thẳng với người lạ.

 

Tôi tìm cách nằn nì để được đi cùng đoàn thợ săn vào rừng chứng kiến cảnh sát hại loài thú quý hiếm. Xin mãi không được, cuối cùng để được đi theo đám thợ săn, tôi phải biếu họ 200 ngàn đồng.

 

Trong lúc chờ đợi, thợ săn Lò Văn Linh nạp đạn cho tôi… bắn thử. Mỗi lần bóp cò, tiếng nổ vang lên inh tai, khói thuốc mù mịt, nhưng đạn bay đến chỗ nào thì chịu, không ai tìm thấy vết tích.

 

Tập bắn viên một mãi không trúng… gốc cây, thợ săn Lò Văn Giang (anh em cọc chèo với Lò Văn Linh), đổ một vốc đạn ghém vào nòng, rồi nhồi thuốc nổ. Tôi bóp cò tiếp. Lại một tiếng “đoàng”, rồi khói bay mù mịt. Gốc cây xoan rừng loang lổ vì vết đạn. Cả trăm viên bi bằng hạt gạo, hạt đỗ phun ra cùng lúc như mưa vậy thì con kiến cũng khó thoát nếu vô tình ở trước nòng súng. Thế mới biết số phận đàn thú trước nòng súng kíp thật thảm hại!

 

Chờ đợi chừng nửa giờ thì đoàn thợ săn tập hợp đông đủ. Tổng cộng có 40 người, toàn là thanh niên và người lớn tuổi của bản Nhuối. Thợ săn Lò Văn Tôn đứng lên tảng đá tuyên bố lý do đi săn với các tay súng: “Theo thông tin tôi nhận được, khá chính xác, có hai con gấu ngựa, một con to, cỡ tạ rưỡi và một con nhỏ, có khả năng là hai mẹ con nhà gấu, về phá nương ngô cạnh rừng Phà Làm. Hôm qua về phá nương thì hôm nay nó chưa thể đi quá xa được. Nếu chúng ta đi nhanh, chỉ tối nay, cùng lắm là trưa mai sẽ hạ được nó”.

 
Chuyện ở bản ăn thịt gấu nhiều như thịt lợn - 1
Cả bản hồ hởi rủ nhau đi săn gấu. 
 

Đúng lúc ấy thì mặt trời ló dạng khỏi đỉnh núi Pha Phưng, xua tan đám sương núi còn vảng vất dưới những tán rừng. Đoàn thợ săn bắt đầu rồng rắn lên đường nhằm hướng ngọn núi Phà Làm mà đi.

 

Cuốc bộ chừng tiếng đồng hồ thì vượt qua sườn núi tiến vào khu rừng già Phà Làm. Đây là khu rừng già bạt ngàn, giáp với đại ngàn Đồng Bảng, Bo Bu, đặc biệt, cách đó không xa là Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò của Hòa Bình và Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha thuộc huyện Mộc Châu (Sơn La).

 

Đi mãi, đi mãi cũng chỉ thấy rừng già thăm thẳm, hút tầm mắt. Cuốc bộ đến gần trưa thì tới một thung lũng thơ mộng. Dưới thung lũng là những khoảnh nương xen lẫn với rừng. Theo đám thợ săn, những nương ngô, nương sắn này đều là của đồng bào Thái ở bản Nhuối. Vì không có người hàng ngày trông nương, nên đám chuột rừng, lợn rừng, khỉ, gấu thường xuyên về phá nương của đồng bào. Gấu phá hoại khủng khiếp nhất. Một ngày, một con gấu có thể phá nát một sào ngô, sắn.

 

Chính vì gấu phá nương mạnh nhất, nên không cần biết chúng là loài ghi trong sách đỏ, cấm săn bắn, hễ gấu về phá nương,  người dân bản Nhuối lập tức vác súng truy tìm giết chúng.

 

Chứng kiến nương ngô rộng mênh mông của đồng bào, cây thì đổ ngang, cây đổ ngửa, bị trốc rễ, gẫy ngọn, nhìn vào những vết chân trên mặt đất, đám thợ săn dễ dàng xác định là vết chân gấu ngựa.

 

Đám thợ săn bản Nhuối mỗi khi kể về loài gấu, đều không khác gì chuyên gia về động vật. Họ hiểu biết tường tận về tập tính của loài gấu, rồi dựa vào các tập tính đó mà săn bắn gấu hiệu quả hơn.

 

Ăn thịt gấu nhiều như thịt lợn

 

Được sự chỉ dẫn của chị Lộc, người chuyên mua lại thú rừng của đoàn thợ săn, tôi tìm vào nhà ông Lò Văn Tưởng. Ông Tưởng là thợ săn kỳ cựu của bản Nhuối, đã gác súng “nghỉ hưu” hơn chục năm nay.

 

Ông Tưởng có ngôi nhà sàn khá đặc biệt, dựng giữa ao. Hỏi chuyện săn thú, ông Tưởng tự nhận mình là thợ săn thiện xạ bậc nhất bản Nhuối.  Ông còn cho biết hai người con ông là Lò Văn Tổn và Lò Văn Tùng săn thú rừng cũng giỏi nhất bản.

 

Ông Tưởng kể khi ông còn trai trẻ, rừng già bạt ngàn, hổ về bản bắt lợn, bắt bò suốt. Đích thân ông đã dắt con bê vào rừng nhử hổ, lập giàn trên thân cây, rồi hạ gục chúa sơn lâm. Khi tôi đề cập đến chuyện săn gấu, ông Tưởng có vẻ không hào hứng kể lắm.

 

Theo ông Tưởng, cứ đến mùa ngô, sắn xanh tốt, gấu lại về phá nương. Hôm nào trời mưa rào thật lớn, rồi hửng nắng, thường hay gặp gấu ở nương ngô, nương sắn lúc 3 đến 4 giờ chiều. Chúng cứ bẻ gập cây, đạp đổ hết cả ruộng để gặm mầm. 

 

Cách đây chục năm, đến mùa ngô, sắn, lại có cả chục con gấu kéo về. Cứ vài hôm thợ săn bản Nhuối lại “đòm” chết gấu. Họ săn được nhiều gấu đến nỗi dân bản coi thịt gấu chẳng khác gì thịt lợn, ăn rất thường xuyên. Hai loại gấu thường về những cánh rừng của xã Tòng Đậu là gấu ngựa và gấu lợn.

 
Chuyện ở bản ăn thịt gấu nhiều như thịt lợn - 2
Đường vào bản Nhuối.
 

Đám thợ săn hầu như không dám mạo hiểm đối mặt với gấu mà chỉ dám rình bắn bất ngờ, trừ khi có nhiều người với nhiều súng tấn công nó liên tiếp, khiến nó không kịp phản đòn. Mỗi khi săn được gấu, không phân biệt ai bắn được, mọi người cùng xúm vào khiêng gấu ra khỏi rừng, vác về tận bản.

 

Người ta mài dao sáng loáng, mổ bụng gấu, rồi cạo lông như mổ lợn. Bản Nhuối có 50 hộ gia đình thì con gấu được chia làm 50 phần đều chằn chặn. Nếu săn được gấu to, mỗi nhà được một bữa hả hê, còn săn được gấu nhỏ, thì cũng chia thật đều, cho dù mỗi nhà chỉ được chưa đầy bát con thịt.

 

Tuy nhiên, theo cựu thợ săn Lò Văn Tưởng, gấu về Tòng Đậu mỗi ngày một ít. Mỗi năm, chúng chỉ về phá nương vài lần. Giống gấu giờ cũng tinh quái. Chúng về phá nương một hai ngày, rồi lại di cư sang vùng khác, nên thợ săn chưa kịp vào rừng, chúng đã biến mất dạng rồi.

 

Giờ đây cứ đến mùa gấu về, đồng bào lại mang quần áo, chăn màn rách vào nương đốt. Khi đốt những thứ này, mùi hơi người bay phảng phất suốt mấy ngày khiến gấu sợ không dám đến gần.

 

Trao đổi với đồng chí Lò Văn Thảo, công an viên bản Nhuối về chuyện săn gấu, anh Thảo công nhận là bản Nhuối có “truyền thống” săn bắn từ lâu lắm rồi. Thậm chí, anh Thảo còn lôi trên gác bếp xuống một khẩu súng kíp rất đẹp, lên màu đen bóng khoe với tôi.

Trước kia, anh Thảo cũng là một thợ săn kỳ cựu, nhưng năm 2004, công an huyện Mai Châu đã phối hợp cùng công an xã Tòng Đậu làm giấy cam đoan với từng hộ dân trong xã, không mua bán súng, không săn bắn thú rừng nữa, thì anh cũng chấp hành. Tuy nhiên, anh cũng như các hộ dân trong xã, trong bản, vẫn giữ lại khẩu súng để… làm kỷ niệm.

 

Tôi cho ông Nguyễn Mạnh Dần, Trưởng ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò xem những tấm hình chụp cả “tiểu đội thợ săn” với súng ống tua tủa chuẩn bị vào rừng, ông Dần không khỏi ngạc nhiên và bức xúc.

 

Theo ông Dần, Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò rộng tới 7.000 ha, có rất nhiều khỉ, sơn dương, nai, hoẵng… song hiện chỉ còn vài con gấu mà thôi. Tuy nhiên, chúng không ở cố định trong khu bảo tồn mà thường di chuyển liên tục. Mùa sinh sản chúng di cư sang khu bảo tồn Xuân Nha (Sơn La) và Vườn Quốc gia Pù Mát (Thanh Hóa). Đến tháng 6 và tháng 7, chúng về phá các nương sắn, ngô ở khu vực Mai Châu.

 

Mới đây, khi phát hiện có hai con gấu về phá nương của bản Pà Khôm, các cán bộ của khu bảo tồn đã phải trực tiếp đi xua đuổi chúng vào rừng, để giữ mạng sống cho chúng trước cả rừng súng kíp.  

 

Theo Phạm Ngọc Dương

VTCNews