1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hải Phòng

Chuyện những nữ thanh niên xung phong đầu tiên đặt chân lên đảo tiền tiêu

(Dân trí) - Gần 25 năm đã trôi qua, các nữ thanh niên xung phong ngày ấy giờ có người đã trở về đất liền, có người đang nắm giữ vị trí trọng trách tại huyện đảo… nhưng tất cả đều vẫn nhớ như in ngày đầu đến với đảo. Họ chính là những người đặt những viên gạch đầu tiên xây nên những ngôi nhà, đón cư dân đến với đảo.

Chuyến tàu không bao giờ quên


Chị Bích, nữ thanh niên xung phong ra đảo 25 năm trước đã lập nghiệp tại đảo, hiện là Phó bí thư, Chủ tịch HĐND huyện

Chị Bích, nữ thanh niên xung phong ra đảo 25 năm trước đã lập nghiệp tại đảo, hiện là Phó bí thư, Chủ tịch HĐND huyện

Ngày ấy, vào một ngày đầu năm 1993, 32 thanh niên xung phong cả nam và nữ đã mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự háo hức khám phá vùng đất mới, xuống con tàu “há mồm” (tàu vận tải của Hải Quân) để đến với Bạch Long Vĩ - hòn đảo tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió của đất nước.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc nhỏ ngay tại trụ sở UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ, chị Nguyễn Thị Bích (SN1970, một trong 32 thanh niên xung phong đầu tiên ra đảo ngày ấy, hiện đang là Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện đảo) bồi hồi nhớ lại, ngày 26/2/1993, chị cùng 31 đội viên Thanh niên xung phong khác bước chân xuống con tàu của Hải quân vùng 1 để đến với Bạch Long Vĩ. Trời mưa phùn nặng hạt, cả người tiễn và người đi đều bịn rịn.

“Hôm đó sóng to lắm, ai cũng say. Nhưng may các anh chị trong Tổng đội thanh niên xung phong tổ chức văn nghệ nên anh chị em cũng quên cả say sóng, chị Bích kể.

Còn theo chia sẻ của chị Lê Thị Hân (SN1963), hiện là Chủ tịch Hội phụ nữ huyện, một cây văn nghệ, một Phó Bí thư chi đoàn và là người đi cùng chuyến tàu ra đảo với chị Bích ngày ấy, vẫn biết là xung phong ra nơi đầu sóng ngọn gió vì nhiệt huyết của chính bản thân mình, vẫn biết tuổi trẻ là cống hiến nhưng khi con tàu chuẩn bị nhổ neo rời Cảng K 320 (Hải quân vùng 1) chẳng ai bảo tất cả đều khóc như mưa, như gió.

“Có cô bạn cùng đi lúc đầu rất cứng rắn, tay ôm bó hoa được tặng cười rất tươi nhưng khi tàu vừa rời cảng thì chính cô ấy lại khóc to nhất. Một điều cũng làm chúng tôi nhớ mãi không quên là hành trang mang ra đảo ngày ấy chẳng có gì ngoài đồ dùng cá nhân cùng hơn chục con lợn giống và dây lang làm thức ăn cho chúng”, chị Hân nhớ lại.

Chị Lê Thị Hân, nữ thanh niên xung phong ngày ấy kể lại những ngày khó khăn khi mới ra đảo
Chị Lê Thị Hân, nữ thanh niên xung phong ngày ấy kể lại những ngày khó khăn khi mới ra đảo

Khó khăn, thiếu thốn trăm bề

23 tuổi, cô sinh viên vừa tốt nghiệp trường Trung cấp y tế Hải Phòng Nguyễn Thị Bích đã bỏ lại sau lưng thành phố nhộn nhịp, đông vui, nơi có hàng trăm cơ hội tìm được những công việc tốt để đến với Bạch Long Vĩ theo lời kêu gọi của Đoàn.

Chị Bích kể, khi đặt chân lên đảo mới thấy nơi đây quá xa, quá hoang sơ so với tưởng tượng của chị. Xung quanh đảo chỉ thấy toàn xương rồng và cát, cả đảo chỉ có bộ đội và các đội viên Thanh niên xung phong. Những ngày đầu, chị cùng các đội viên khác nhớ nhà cồn cào, da diết, nhớ đến phát khóc.

Sinh hoạt ở đây thì thiếu thốn trăm bề, rau xanh không trồng nổi vì toàn đất cát nên phải chờ rau từ đất liền mang ra, thực phẩm cũng vậy. Nước ngọt ở đây cũng khan hiếm, các chị phải chia nhau trèo xuống giếng sâu, múc từng gầu nước lên, đổ vào chậu, chờ cặn lắng xuống mới chắt lấy nước trong để dùng...


Đường sá trên đảo giờ đã được bê tông hóa hoàn toàn

Đường sá trên đảo giờ đã được bê tông hóa hoàn toàn

Cũng theo chị Bích, sinh hoạt đã gặp khó khăn như vậy nhưng bắt tay vào công việc mới càng thấy khó khăn hơn. Các chị chủ yếu là sinh viên hoặc chưa từng làm công việc nặng nhưng ra đảo phải gánh cát, gánh gạch…

“Cứ chân trần chạy trên cát nóng, trong khi phải gánh nặng trĩu vai… Nhiều lúc nản muốn bỏ đảo mà về nhưng rồi công việc với mục tiêu gấp rút hoàn thành nhà ở cho các cư dân của đảo cùng với trách nhiệm của một đoàn viên đã cuốn chúng tôi ra khỏi nỗi nhớ nhà, khỏi sự chán nản…Và phải hơn 8 tháng sau tôi mới về thăm nhà nhưng ở nhà chưa hết phép đã lại vội vã đi vì nhớ... đảo”, chị Bích chia sẻ.

Còn với chị Hân hay chị Xâm, Chị Yến… thì những khó khăn trên đảo chẳng thể nhớ hết được. Chị Hân kể, ngay đêm đầu tiên ra đảo năm ấy, chị và một số đội viên khác đã bị lạc đường sau khi lên giao lưu với bộ đội thuộc Trung đoàn E 952. Nhìn xung quang toàn cây dại, phi lao và cát giống y như nhau, phải đến hơn nửa giờ đồng hồ sau các chị mới tìm được lối mòn để về nơi ở.


Trụ sở các cơ quan trên đảo được xây dựng khang trang

Trụ sở các cơ quan trên đảo được xây dựng khang trang

Cũng theo chị Hân, khó khăn còn đến từ việc đi lại giữa đảo và đất liền. Hàng tháng mới có một chuyến tàu nhưng nếu gặp gió mùa thì dù đã thấy đảo từ xa rồi, tàu cũng đành chịu, phải tìm chỗ neo đậu chờ sóng êm lại. Thậm chí có chuyến các chị phải ở trên tàu tới 53 giờ liền, sau đó phía trong đảo phải dùng xuồng máy tăng-bo mới vào được bờ.

“Còn ăn uống thì khỏi phải nói, trường kỳ là cá duội khô, cà muối mặn chát. Rau xanh khi ấy chả khác gì đặc sản bây giờ bởi không trồng được rau trên đảo mà phải chờ mang từ đất liền ra. Nhưng chẳng may tàu gặp gió mùa phải tránh trú thì rau úa vàng chỉ còn trơ cọng” chị Hân nói.

"Nếu được lựa chọn lại..."

Chị Hân nêu giả thiết với chúng tôi trong cuộc gặp gỡ tại đảo lúc sáng 9/2. Chị bảo: “Mặc dù tôi cũng có những điều chưa may mắn trong cuộc sống nhưng hơn cả là tôi đã đến đây, đã sống hết mình vì nơi này và thấy hạnh phúc khi đảo đã thay da, đổi thịt, từng ngày”.

Quả là vậy, để quên đi khó khăn cực nhọc, các nữ thanh niên xung phong ngày ấy ban ngày làm việc hết mình nhưng đến tối về lại tự mang lại niềm vui cho chính mình bằng cách tổ chức văn nghệ, giao lưu cùng bộ đội…Chị Hân hồ hởi “khoe” với chúng tôi, ngày ấy các chị đầu tư cho hoạt động văn hóa văn nghệ rất công phu. Chẳng thế mà năm đầu khi ra đảo các chị chỉ giành được giải khuyến khích trong hội diễn nghệ thuật quần chúng của vùng nhưng năm sau các chị đã phấn đấu đoạt gải nhất. Thậm chí sau này, khi ở cương vị lãnh đạo, chị Hân vẫn tiếp tục đạo diễn cho các bạn trẻ của đoàn thanh niên đi thi văn nghệ và lần nào cũng đoạt giải.

Cũng như chị Hân, chị Bích đã coi đảo là quê hương thứ 2, quyết định gắn bó với nơi này khi lấy chồng, sinh con và dựng nhà ở đây. Chị Bích kể, năm 1995, qua vài lần giao lưu chị đã quen chồng chị, khi ấy là thiếu úy đóng quân tại E 952. Sau đó tình yêu giữa chàng thiếu úy với cô nữ thanh viên xung phong nảy nở. Thế nhưng phải 3 năm sau, năm 1998 anh chị mới quyết định về chung một nhà. Những ngày đầu hai vợ chồng được Trung đoàn cho mượn một căn phòng nhỏ để ở. Năm 2.000 anh chị được cấp đất và tích cóp xây được một căn nhà nho nhỏ làm tổ ấm cho riêng mình.

“Để xây được nhà cũng kỳ công lắm, vợ chồng tôi phải mua dần vật liệu trong đất liền gửi tàu mang về. Khi vật liệu đủ, anh em trong đơn vị xúm vào xây giúp. Thậm chí có chuyến, tàu bị trôi dạt trên biển, các anh trên tàu còn phải lấy những bó dóc tôi gửi mua mang ra làm hàng rào quanh nhà để đốt làm tín hiệu cấp cứu”, chị Bích kể.


Đời sống tâm linh của người dân trên đảo cũng được chú trọng

Đời sống tâm linh của người dân trên đảo cũng được chú trọng

Chia tay với các chị ngay sân UBND huyện, trong tiết trời giá rét với gió mùa đang ào ào thổi, chúng tôi mới thấy, phải thật yêu nơi này, các chị mới vượt qua mọi khó khăn khi đến và ở lại để chung tay, dốc sức cho công cuộc xây dựng đảo. Nói như Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Đỗ Đức Hòa, "các chị, những đội viên Thanh niên xung phong đầu tiên ngày ấy đã cùng với các thế hệ lãnh đạo đi trước biến nơi đây từ hoang vu thành một hòn đảo ngày càng phát triển. Đảo ngày nay tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã có điện, có âu cảng, trường học, bệnh viện, hệ thống đường được bê tông hóa hoàn toàn...Và đất lành chim đậu, ngày càng nhiều người dân đến và xin lập nghiệp tại đây”.

Hải Sâm