(Dân trí) - Nhóm Sao Va, trừ anh Lang Chung Hiền có thu nhập ổn định thì 8 thành viên còn lại không có việc làm. Chi tiêu của họ gói gọn trong khoản hỗ trợ 2,2-2,7 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2023, bản Na Sành (xã Tiền Phong, Quế Phong, Nghệ An) có 149 hộ dân thì có tới 100 hộ nghèo, 47 hộ cận nghèo và 2 hộ trung bình. Đây cũng là bản có số người nhiễm HIV cao của xã Tiền Phong. Thống kê cho thấy, bản này có 51 bệnh nhân HIV đang điều trị bằng ARV.
"Năm 2012, người nhiễm HIV phải trực tiếp đi xuống thành phố Vinh lấy thuốc ARV điều trị. Đi xa quá, cả đi lẫn về phải mất một ngày trời, tốn tiền nữa nên cũng có người bỏ điều trị. Từ năm 2014, thuốc ARV lấy tại Trung tâm Y tế huyện, miễn phí, rút ngắn được thời gian, tiết kiệm được chi phí, có trường hợp được cấp thuốc đưa về nhà sử dụng mỗi đợt 10 ngày.
Bên cạnh đó, nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng bản làng, từng gia đình, từng người bệnh, người nhiễm HIV có ý thức hơn trong việc tuân thủ điều trị và bảo vệ người thân", ông Lương Minh Nguyệt - cán bộ y tế bản Na Sành thông tin.
Ông Hà Văn T. (51 tuổi) - bệnh nhân HIV mới được phát hiện tại "tâm bão ết" Na Sành. Năm 2021, thấy sức khỏe ngày càng kém, ông T. đi khám và bàng hoàng khi biết mình mắc căn bệnh thế kỷ.
"Thời điểm đó tôi hoang mang lắm, không biết mình nhiễm từ bao giờ, nhiễm từ đâu, có ảnh hưởng gì đến vợ và 2 con không?. Vợ tôi biết tin, hoảng sợ, nhưng may cả vợ và 2 con không làm sao", ông T. thở phào nhẹ nhõm.
Xâu chuỗi các sự kiện đã diễn ra trong nhiều năm, ông T. nhận định khả năng lây nhiễm virus HIV trong một lần cứu giúp người em họ bị tai nạn khi đi làm gỗ vào năm 2018. Thời điểm này, người em bị kết luận nhiễm HIV nhưng giấu bệnh.
Bệnh tật, đất sản xuất ít, khiến gia đình ông T. luẩn quẩn trong cảnh nghèo túng quanh năm. Sau khi điều trị bằng ARV, duy trì lối sống tích cực, sức khỏe ông T. chuyển biến tốt. Người đàn ông 51 tuổi vẫn ngày ngày đi rừng, làm rẫy, chăm sóc đàn trâu bò 8 con. "Năm ngoái nhà tôi thoát nghèo rồi đấy", ông T. khoe.
Ông T. là số ít bệnh nhân HIV thoát nghèo trong thời gian qua. Theo thống kê của cán bộ Chính sách - Xã hội xã Tiền Phong, năm 2023, toàn xã có 154 trường hợp người nhiễm HIV thuộc diện hộ nghèo, nhận trợ cấp hàng tháng với số tiền 540.000 đồng/người.
Ông Võ Khánh Toàn - Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, Quế Phong - cho biết: "Đối với các trường hợp nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nếu có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế từ các nguồn vốn chính sách xã hội, địa phương rất tạo điều kiện. Thực tế đã có hộ vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, ổn định cuộc sống.
Hiện, bệnh nhân HIV thuộc diện hộ nghèo đang được hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng. Đây là một chính sách hỗ trợ nhân đạo, giúp họ giảm bớt khó khăn. Còn để thoát nghèo, tôi nghĩ rất khó, bởi phần lớn bệnh nhân HIV, sức khỏe suy giảm, ảnh hưởng sức lao động, việc phát huy hiệu quả các nguồn vốn ưu đãi cũng hạn chế".
Để tìm kiếm một công việc có thu nhập hoặc mô hình phù hợp phát triển kinh tế rất khó khăn, do vậy để bệnh nhân HIV có thể thoát nghèo như trường hợp của ông Hà Văn T. là không dễ, chưa kể nguy cơ từ cận nghèo chuyển thành hộ nghèo gia tăng.
Anh Lô Văn G. (38 tuổi, trú khối Thanh Phong, thị trấn Kim Sơn, Quế Phong) được phát hiện nhiễm HIV từ năm 2019 khi đi cai nghiện ma túy. Hiện, anh G. điều trị ARV và trong quá trình uống Methadol cai nghiện. Ma túy, HIV tàn phá sức lực người đàn ông này, khiến anh vật vờ, đờ đẫn, chậm chạp hơn những người cùng lứa tuổi.
Anh G., quanh quẩn trong căn nhà xiêu vẹo, chắp vá đủ bề. Hầu như người đàn ông này không thể làm việc, kinh tế gia đình phụ thuộc vào tiền công vặt lông gà, lông vịt thuê của vợ. Bố mẹ nghèo nên con trai anh G. mới 16 tuổi đã phải bỏ học đi làm thuê. Những lúc tay chân có thể nhúc nhắc, anh mệt mỏi lê người lên tấm phản, đan nốt tấm lưới đánh cá. Một tấm lưới hoàn chỉnh bán với giá 500.000 đồng, nhưng G. mất cả tháng trời mới có thể hoàn thành.
Không công việc, không kế sinh nhai, sức khỏe kém, khiến anh G. và nhiều bệnh nhân nhiễm HIV ở huyện Quế Phong luẩn quẩn trong đói, nghèo, khó tìm thấy con đường để thoát ra...
Mặc dù còn nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện Quế Phong đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Số lượng bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang dần được kiểm soát, người bệnh được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế.
Ngoài giảm số liệu cơ học (bệnh nhân qua đời), sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của ngành y tế, chính quyền các địa phương và kết quả tích cực của đề án xã biên giới sạch ma túy, không thể không nhắc tới vai trò của đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng.
"Đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng, trong đó có nhóm Sao Va là cầu nối của cơ quan y tế trong cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS đến các nhóm nguy cơ cao mà hệ thống y tế nhà nước khó tiếp cận. Sự nhiệt tình, năng nổ, hoạt động hiệu quả của các thành viên nhóm đã góp phần quan trọng vào cuộc chiến với căn bệnh thế kỷ ở huyện biên giới này", ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, đánh giá.
Nhóm Sao Va thành lập từ năm 2021, được hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) thông qua dự án Bảo vệ tương lai. Nhóm có nhiệm vụ hỗ trợ những người nghiện ma túy, nhiễm HIV trên địa bàn huyện Quế Phong.
Nhóm có 9 thành viên chính thức thì chỉ duy nhất trưởng nhóm Lang Chung Hiền có công việc, thu nhập ổn định. 8 thành viên còn lại, trung bình mỗi tháng nhận hỗ trợ 2,2-2,7 triệu đồng từ dự án, tùy thuộc vào khối lượng công việc và lượng khách hàng mình chăm sóc.
"Số tiền này nhiều khi anh em chỉ đủ đổ xăng đi bản, nếu xe cộ hỏng dọc đường nữa thì âm tiền luôn. Mà đi nhiều, gặp nhiều, thấy nhiều bạn cùng cảnh khổ hơn mình, lại rút tiền túi ra hỗ trợ, hay mua quà bánh để làm quen. Tiếng là đi làm cả tháng nhưng có mang được đồng nào về cho vợ đâu, có khi còn phải xin thêm", anh Lộc Văn Hai - thành viên nhóm Sao Va, chia sẻ.
Nếu các thành viên như Lô Văn Nhất, Lữ Thị Loan... chưa vướng bận con cái thì anh Hai, anh Ngân Văn Un còn có gia đình phải chăm sóc. Anh Ngân Văn Un là người có thâm niên nhất trong vai trò là một đồng đẳng viên tích cực, trước khi trở thành thành viên nhóm Sao Va. Vợ anh Un không có việc làm, 2 con còn nhỏ, đang đi học. 4 miệng ăn trong nhà chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng nước, khéo co kéo lắm mới đủ.
Công việc đặc thù, anh Un gần như đi suốt ngày. Lúc nào rảnh, anh mới đỡ đần vợ được ít việc đồng áng. Nhìn vợ vất vả thu vén chi tiêu trong nhà, anh Un cũng tâm tư lắm nhưng công việc đã chọn, anh không thể bỏ.
"Trung bình mỗi tháng tôi nhận hỗ trợ 2,5 triệu đồng. Làm công việc này thì không có tiền đâu, may lắm thì đủ chi phí xăng xe đi lại. Anh em trong nhóm thương bạn cùng cảnh mà làm thôi. Nhiều khi thấy các con thiếu thốn hơn bạn bè, tôi cũng chạnh lòng lắm, nhưng thấy một người nhiễm HIV được điều trị, kéo dài cơ hội sống lại có thêm động lực để theo đuổi công việc. May mắn tôi được vợ thông cảm, công việc anh em làm được mọi người ghi nhận, như thế là vui rồi", anh Un tâm sự.
Tâm sự vậy thôi, nhưng nhắc tới 2 đứa con nhỏ, giọng anh Un chùng xuống. Đằng sau tâm huyết của một người đang mang căn bệnh thế kỷ đối với những người cùng cảnh ngộ là gánh nặng gia đình, là bữa cơm đủ đầy cho con...
Bà Nguyễn Thị Duyên - điều phối viên SCDI tại Nghệ An - cho biết, các thành viên nhóm Sao Va đã được dự án đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực. Thực tế hoạt động thời gian qua, các thành viên nhóm đã phát huy vai trò, hiệu quả trong tiếp cận, hỗ trợ bệnh nhân HIV.
"Thời điểm này, khi dự án đang triển khai, các thành viên của nhóm được hỗ trợ về kinh phí, mặc dù mức hỗ trợ chưa nhiều, khó có thể đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của các anh, chị, em. Chúng tôi mong muốn địa phương và ngành y tế quan tâm, có chính sách hỗ trợ để nhóm duy trì hoạt động lâu dài, nhất là khi dự án kết thúc", bà Duyên chia sẻ.
Thiết kế: Đức Bình