Chuyện những người chăm rắn, rùa như chăm em bé

Hoàng Thuận

(Dân trí) - Cách trung tâm TPHCM hơn 70km, Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (huyện Chủ Chi) là nơi chăm sóc hàng ngàn cá thể thuộc hàng chục loài động vật hoang dã, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.

Chăm như chăm em bé

Đều đặn 7h30 mỗi ngày, anh Nguyễn Công Bằng, Phó trạm trưởng Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi có mặt tại cơ quan để bắt đầu công việc chăm sóc các loài động vật đang được cứu hộ tại đây.

Chuyện những người chăm rắn, rùa như chăm em bé - 1
Anh Tuấn kiểm tra sức khỏe của chú rùa được chăm sóc tại Trạm

Đi kiểm tra một vòng 32 chuồng nuôi khỉ, trăn, chim, rùa... anh Bằng cùng đồng nghiệp chuẩn bị bữa ăn cho những "đứa con" của mình. Anh Bằng cho biết, đa số các loài động vật mà Trạm tiếp nhận gặp phải những vấn đề về sức khỏe, cơ thể bị thương tích nên các nhân viên của Trạm sẽ kiểm tra tổng quát để lên kế hoạch chăm sóc cho phù hợp.

"Các loài động vật đưa về Trạm thường bỏ ăn trong 3-4 ngày đầu nên chúng tôi tìm cách nhận dạng thức ăn của từng loài. Đối với loài ăn trái cây như khỉ thì mùa nào có loại trái gì thì mình cho ăn trái đó, riêng với cú mèo, chim ưng, ngỗng thì mình cho ăn thịt gà, thịt bò", anh Bằng nói.

Hồi tháng 10/2020, một người dân phát hiện tê tê con nặng 350gam trong lúc đi làm rẫy liền mang đến giao nộp. Chú tê tê mới được sinh vài ngày nên anh Bằng cùng đồng nghiệp lên lịch, thay phiên nhau chăm sóc, cầm bình sữa cho uống, bế ẵm như em bé để cố gắng duy trì sự sống cho loài động vật quý hiếm, đang rơi vào tình trạng nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng này.

Chuyện những người chăm rắn, rùa như chăm em bé - 2
Rắn hổ mang chúa thuộc nhóm 1B, nằm trong sách đỏ Việt Nam đang được nhân viên của Trạm chăm sóc kỹ lưỡng trước khi thả về môi trường tự nhiên

"Tê tê mới sinh cực kỳ khó chăm sóc. Sau khi cho uống sữa lúc 10 giờ tối, anh em tiếp tục cho uống dặm lúc 3 giờ sáng. Chăm sóc kỹ lưỡng như em bé sơ sinh trong vài tháng nhưng rất tiếc là chúng tôi không giữ được "cháu", anh Bằng chia sẻ.

Khác với tê tê, thức ăn của mèo rừng là thịt sống nhưng sau khi tiếp nhận con vật từ người dân, các nhân viên của Trạm cho mèo ăn bằng nhiều loại thịt sống như thịt gà, thịt bò, chim cút thì chú mèo không hề đụng đến. Sau đó, anh Bằng thay thịt sống bằng thịt nướng thì chú mèo này ăn ngấu nghiến.

"Chúng tôi phải tập cho chú mèo này ăn từ thịt nướng sang thịt sống cho đúng với bản năng tự nhiên để sau này thả về rừng chú mèo mới có thể thích nghi được. Chăm sóc khoảng 6 tháng, chú mèo này đã được chúng tôi thả về rừng Cát Tiên", anh Bằng kể.

Ngoài ra, anh Bằng cùng đồng nghiệp phẫu thuật thành công cho một chú mèo rừng khác bị hoại tử một chân do sập bẫy.

Ngôi nhà thứ 2

Dưới cái nắng gắt của những ngày cuối năm, anh Trần Văn Tuấn, Kiểm lâm viên trung cấp dùng vòi nước tưới mát cho gần 20 chú rùa lớn, nhỏ đang núp dưới lớp lá cây khô. Những chú rùa này được giao nộp từ người dân và đang được chăm sóc để ổn định sức khỏe trước khi thả về rừng.

Chuyện những người chăm rắn, rùa như chăm em bé - 3
Con trăn nặng 25kg chui vào thùng rác nhà dân được anh Tuấn đưa về Trạm để chăm sóc

Khi được hỏi cơ duyên gắn bó với nghề cứu hộ động vật, anh Tuấn thật thà: "Bản thân mình rất yêu động vật từ nhỏ. Được chăm sóc, bảo tồn được các loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng là niềm vinh dự. Đây là ngôi nhà thứ 2 của tôi".

Trưa chủ nhật ngày cuối tháng 12/2020, nhận tin báo của người dân trên đường Nguyễn Thị Lắng (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) về việc có con trăn "khủng" chui vào thùng rác, anh Tuấn cùng đồng nghiệp tức tốc tới hiện trường.

Dùng dụng cụ bắt rắn, anh Tuấn khống chế con trăn nặng 25kg cho vào thùng một cách gọn gàng để đưa về Trạm. Hiện sức khỏe của con trăn này cơ bản ổn định và đang được các nhân viên chăm sóc kỹ càng.

Chia sẻ với phóng viên, anh Bằng cho biết, đơn vị tiếp nhận các loài động vật từ người dân tự nguyện giao nộp, tang vật vi phạm hành chính hoặc tang vật vụ án. Trước khi thả về tự nhiên, các nhân viên tại đây phải nghiên cứu các loài sống ở đâu rồi lên phương án thả cho phù hợp với môi trường.

Chuyện những người chăm rắn, rùa như chăm em bé - 4
Một con khỉ cái trong đàn khỉ đuôi dài quậy phá khu dân cư ở quận 12

Năm 2020, Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi tiếp nhận để cứu hộ 55 loài, 317 cá thể quý hiếm và thông thường. Đồng thời, thả về rừng Cát Tiên 129 cá thể và rừng Cúc Phương 12 cá thể.

Trong số 28 loài, 107 cá thể đang được chăm sóc tại trạm có 6 con khỉ (3 con đực, 3 con cái) trong đàn khỉ đuôi dài quậy phá tại khu dân cư thuộc khu phố 6, phường Thạnh Xuân, Quận 12.

Chuyện những người chăm rắn, rùa như chăm em bé - 5

Con cá sấu được người dân phát hiện ở kênh Tẻ (Quận 4) đang được chăm sóc tại Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi

Ngoài ra, con cá sấu nặng 4kg xuất hiện trên kênh Tẻ (Quận 4) hồi tháng 7/2020 cũng đang được các nhân viên nuôi dưỡng tại đây. Hơn 6 tháng chăm sóc, chú cá sấu này nặng hơn 10kg.

"Mỗi lần cứu hộ được con vật nào mà chăm được khỏe mạnh, xong thả về rừng là mọi người đều có cảm giác sung sướng, hạnh phúc. Sau khi thả hết rồi, anh em ngồi đây uống trà thì cảm giác thấy vắng vắng như thiếu một cái gì đó", anh Bằng bộc bạch.

Trạm cứu hộ động vật hoang dã đầu tiên ở miền Nam

Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi được thành lập từ tháng 9/2006 với sự hợp tác giữa Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (WAR) và Chi Cục Kiểm lâm TPHCM. Từ ngày 1/12/2015, WAR đã chuyển giao các hoạt động của Trạm cho Chi cục kiểm lâm TPHCM.

Đây là trạm cứu hộ đầu tiên ở miền Nam có khả năng chăm sóc cho nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm như gấu, vượn, voọc, cu li, tê tê, rắn hổ mang, mèo rừng...

Từ ngày thành lập đến nay, Trạm đã cứu hộ, chăm sóc hơn 5.500 cá thể thuộc hàng chục loài động vật hoang dã, quý hiếm. Trong đó, hơn 5.000 cá thể đã được thả về môi trường tự nhiên.