1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện người bán báo rong

(Dân trí) - Sáng nào cũng vậy, chưa tịp tỉnh ngủ, đã nghe những âm thanh phát ra từ chiếc loa rè của những người bán báo rong. Hàng loạt những thông tin nóng hổi lan nhanh vào các ngõ ngách Hà Nội. Một ngày hóa thân làm người bán báo rong, cũng thấy đời có lắm hỉ, nộ, ái, ố…

Cuối cùng thì tôi cũng được Tuấn, chủ lấy báo từ các toà soạn về giao lại cho anh em trong tổ, đồng ý nhận vào đội với điệu kiện “đặt cọc trước hai trăm nghìn”, tương ứng số báo mà tôi nhận đi bán. Tuấn nhắc nhở qua loa: “Đêm ngủ lại cùng anh em, chưa có loa đài thì nhờ chú Vui sửa lại bộ kích âm hỏng dùng tạm”.

 

Phải đến gần nửa đêm cả phòng mới được ngả lưng vì ai cũng bận rộn in sao lại băng “quảng cáo” báo để ngày mai rao. Tôi cũng được giao một chiếc băng đài cũ kỹ sau khi đã nộp 5.000đ.

 

Đêm đầu tiên ngủ lại cùng các đồng nghiệp trong căn phòng trọ ở Chương Dương, tôi như ngạt thở vì mùi người hòa lẫn mùi mắm tôm từ lò làm mắm bên cạnh. Chú Tâm thì thầm: “Thêm cháu nữa là hai mươi người, chính xác diện tích phòng chỉ có 23m2”.

 

Nam nữ sống chung, ngăn cách nhau chỉ bằng tấm liếp nứa. Nằm bên này còn nghe rõ tiếng thổn thức của chị Hà bên kia vọng sang. Chiều nay chị vừa được gia đình từ quê báo lên, con ốm. Một góc khác là tiếng rúc rích hồn nhiên của những thôn nữ bỏ ruộng sắm xe đạp theo các bậc cha chú lên Hà Nội “đi chợ” báo mỗi ngày.

 

Bốn giờ sáng. Cả phòng bừng tỉnh vì tiếng rít thuốc lào như xé họng từ chiếc điếu cày của chú Tâm. Mấy năm nay, âm thanh quen thuộc ấy đã thay đồng hồ báo thức cho cả phòng. Công việc đầu tiên là đến nhận báo từ Tuấn với số lượng thuỳ thích. Chất báo lên xe là mỗi người mỗi ngả.

 

Một cô bé tên Duyên mách tôi: “Từ bốn giờ chiều trở đi, nếu chưa bán hết thì anh mang báo về nhà. Không ai mua báo vào giờ đó đâu”. Chú Tâm ân cần dặn: “Những địa điểm thường bị “gom hàng” là phường Mai Dịch, đường Hà Đông (Hà Tây), Cầu Giấy. Khi thấy công an thì tắt loa, không bị thu hết là mất trắng đấy”. Biết rằng mình chỉ bán báo một hôm, không quan tâm lắm tới những lời dặn dò, nhưng thấy ấm lòng với sự quan tâm đầy tình người nơi đây.

 

Các đồng nghiệp khác còn tận tình chỉ cho tôi vài “mánh khóe” “câu khách” hoặc kiếm thêm vài đồng lãi.

 

Nghe chuyện của những người bán báo rong, thấy buồn, nhiều khi muốn khóc. Trong căn nhà nhỏ ven sông Hồng ấy có chú Tâm, Hải, Huyền, Khánh, Tuấn… đều cùng quê Hưng Yên. Một người đi rồi cả làng đi theo, vào nghề rồi gắn bó lúc nào không hay.

 

Hùng kể cậu từng thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền hai năm trước, thiếu hai điểm. Hùng theo người cùng làng sắm xe đạp, mượn chút vốn, bắt đầu nghề bán báo. Tháo cặp kính cận trên khuôn mặt thư sinh, Hùng ngậm ngùi: “Theo nghề này thì không có thời gian mà ngẩng đầu lên được. Em cũng muốn ôn thi lắm, nhưng bỏ nghề coi như chết đói anh ạ”.

 

Anh Lê Thái, mỗi ngày cầm xấp báo trên tay đi bán, anh phải “gùi” con vào lưng đi cùng. Con gái anh chưa đầy 3 tuổi, vợ mưu sinh bằng nghề bán hàng rong, anh nhận vừa đi bán báo, vừa trông con, vì “gửi trẻ thì không có tiền” - anh Thái trăn trở.

 

Riêng chú Tâm, nói về nghề mà chất chứa nhiều đắng cay: “Nghề này bạc lắm cháu ạ, năm ngoái bị bắt mất “bốn bộ”, coi như tết đó không có một nhát bánh chưng cho vợ con”. Năm nay chú Tâm đưa đứa con trai mới học lớp ba lên ở cùng chỉ để “cho cháu biết Hà Nội, vả lại cho đỡ nhớ nhà vì lên đây đã bảy năm rồi”.

 

Thu nhập cho một ngày bán báo được vài chục nghìn. Số tiền không nhiều nhặn gì, nhưng là con số mơ ước so với sào ruộng khoán nơi quê nhà, nhiều mưa nắng…

 

Trần Hưng