1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện người 30 năm chăm ngựa “chốn cung đình”

30 năm qua, anh lặng lẽ chăm chút ngựa như chăm chút con mình, cái nghiệp trông coi ngựa gắn người với ngựa cũng từ đó. Anh nói, cái nghề này, nếu không yêu nghề thì phải bỏ thôi, chứ công việc hoàn toàn khác hẳn, đòi hỏi phải tinh mắt, biết lắng nghe, siêng năng, cần cù…

Chăn ngựa chốn cung đình

 

Người đàn ông đó tên là Lê Đắc Quảng, 47 tuổi, ở đường Hoàng Quốc Việt, phường An Đông, TP Huế. Hiện anh đang chăm ngựa cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, nơi chốn cung đình ngày xưa các vị vua triều Nguyễn đã trị vì. Nếu như ngày xưa dùng xe ngựa để chở vua, quan và các hoàng tử đi thì ngày nay, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang tái hiện lại cảnh xe ngựa chở khách du lịch mỗi khi đến tham quan Huế, và mô hình này đã thành công vượt bậc hiện nay.

 

Do hoàn cảnh gia đình thời đó còn khó khăn, Lê Đắc Quảng nghỉ học sớm, anh nói cái nghề chăn ngựa đến với anh cũng là một cái duyên, chưa bao giờ anh nghĩ mình sẽ làm công việc này, nhưng khi đến gần một con ngựa hàng xóm, anh mới thấy thích thú, anh nhận ra một điều cái gì cũng có cái đặc sắc, ấn tượng và nếu đam mê sẽ đem đến thành công.

 

Anh Lê Đắc Quảng điều khiển xe ngựa dẫn khách du xuân.

Anh Lê Đắc Quảng điều khiển xe ngựa dẫn khách du xuân.

 

Dù bận rộn với công việc đầu năm mới, khách tham quan đông đúc, xe ngựa hoạt động hết công suất, nhưng Lê Đắc Quảng vẫn dành thời gian quý để tiếp chúng tôi, anh nói: “Cuộc đời tôi cũng giống như những con ngựa này, nay đây mai đó. Lớn lên thì đi chăm ngựa cho người ta tận Đắc Lắc, lúc đó những con ngựa này dùng để kéo sầu riêng, cà phê, mủ cao su… sau này khi xã hội phát triển thì người ta dùng xe cơ giới thay ngựa, nhưng ở Huế vẫn duy trì hoạt động xe ngựa để đưa đón khách tham qua, rứa là tôi trở về Huế, ban đầu khách sạn Hương Giang họ biết tôi có biệt tài điều khiển ngựa nên thuê tôi về, nhưng làm ở đó một thời gian thì tôi bỏ. Sau đó tôi chuyển qua làm ở Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế gần 10 năm nay”.

 

Nhưng chăn ngựa có đẳng cấp, để điều khiển ngựa không phải là dễ, và cách thuần hóa ngựa càng khó hơn. Đòi hỏi người chăn ngựa phải có sự kiêng trì, am hiểu giống ngựa… Cũng nhờ cái nghề này mà một mình anh nuôi vợ và 3 đứa con ăn học thành tài.

 

“Từ ngày gắn cái thân vào con ngựa, chăm con ngựa hơn chăm con của mình. Mình phải rèn luyện ngựa cho cẩn thận bằng cách thuần phục nó, đặc biệt khi khách tham quan đến Huế, yên tâm khi ngồi lên xe ngựa. Sau khi thuần ngựa xong, người điều khiển ngựa phải biết "tróc" ngựa (cái cách tróc ngựa này con ngựa sẽ biết giữa chủ và ngựa), sau đó điều khiển ngựa bằng dây cương và ra hiệu lệnh bằng tiếng tróc (tách, tách, tách…), dùng chân đạp vào chân phanh để điều khiển. Bởi ngựa vốn rất thông minh nên biết lắng nghe tiếng người điều khiển rồi đi theo hiệu lệnh của mình”, anh giải thích thêm.

 

Nghề chăm ngựa vốn là vất vả, bù lại mỗi ngày thu lợi từ ngựa là rất lớn. Anh phân tích: “Mỗi chuyến chở khách đi 1/2 giờ đồng hồ là 150 nghìn đồng, một ngày ít nhất phải 10 chuyến, vị chi một ngày cũng thu lợi rất lớn”. Thấy đi xe ngựa lạ nên nhiều khách tham quan có cả khách quốc tế sẵn sàng rút hầu bao đi du xuân bằng xe ngựa.

 

Chị Mariam Trinh, một du khách du xuân đầu năm cùng gia đình trong Đại Nội cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi đến tham quan ở Huế có loại hình du lịch bằng xe ngựa, mô hình này ở nước ngoài cũng có, nhưng những xe ngựa ở đây họ làm rất bắt mắt, những chú ngựa tại chốn cung đình rất mạnh mẽ, người đi có xe ngựa đi riêng chở cả gia đình 4-5 người… Năm nay lại năm Ngọ cho nên tôi đã chọn chú ngựa để du xuân với mong muốn “Mã đáo thành công””.

 

Chăm ngựa như chăm con

 

Tờ mờ sáng anh Quảng đã có mặt tại chuồng ngựa để cắt những bó cỏ tươi nhất để phục vụ bữa ăn sáng cho ngựa. Ở chuồng ngựa nuôi đến 4 con, anh nhặt nhạnh những viên đá, những cọng rác còn lởm chởm, sau đó quét dọn sạch sẽ chuồng trại, máng ăn, nước uống, cho ngựa ăn… Khẩu phần ăn của ngựa là cũng phải đặc biệt giàu chất dinh dưỡng, ngoài cỏ và bắp rang, thì phải cho đường, muối, mía mật và lúa phải ngâm trước 12 giờ đồng hồ… rồi sau đó dắt ngựa ra đón khách.

 

Vào những ngày mát trời, đàn ngựa của anh được tung tăng trong chốn cung đình, trên những bãi cỏ rộng rãi trong khuôn viên Đại Nội. Chiều đến, cả đàn được tắm mát, chải lông sạch sẽ trước khi ăn. Một ngày làm việc của người chăn dắt ngựa trôi qua một cách êm đềm.

 

Con ngựa mà anh Quảng hàng ngày chăm sóc để chở khách.
Con ngựa mà anh Quảng hàng ngày chăm sóc để chở khách.

 

Anh Phạm Văn Thông, một người coi ngựa cùng anh Quảng cho biết: “Thức ăn cho ngựa đặc biệt phải sạch, cỏ phải được trồng riêng trong khuôn viên Đại Nội, hệ thống nước uống cung cấp cho ngựa phải được kiểm soát chặt chẽ, đạt tiêu chuẩn ISO, chuồng trại nuôi ngựa luôn được vệ sinh thường xuyên, không vệ sinh để có mùi là sếp la liền. Đàn ngựa của Trung tâm được bác sỹ thú y theo dõi, kiểm tra và đo thân nhiệt từng ngày để đảm bảo sức khỏe chuyên chở khách tham quan. Đặc biệt cứ 3 tháng chích thuốc bổ định kì một lần. Nếu con nào có dấu hiệu bất thường như buồn bã, ủ rũ, sốt, bỏ ăn sẽ được chúng tôi cách ly để chẩn đoán điều trị, và có phương pháp chăm sóc đặc biệt giúp chúng mau chóng hồi phục chứ không để tình trạng “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ””.

 

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đàn ngựa ở trại được chăm sóc đặc biệt, tuân thủ nghiêm ngặt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO. Để được vào trại, ngựa được tuyển chọn kỹ lưỡng, đảm bảo tiêu chuẩn 4-6 tuổi, trọng lượng 230kg trở lên và phải qua một cuộc tổng kiểm tra sàng lọc sức khỏe nghiêm ngặt như không dị tật bẩm sinh, không mắc bệnh ngoài da, không có kí sinh trùng đường ruột, và phải đạt chỉ tiêu về hằng số huyết học, sinh hóa và sinh lý. Hiện trung tâm đang nuôi giữ 4 con ngựa mộng, những con ngựa này đều đạt chỉ tiêu trọng lượng, sức khỏe và có nhiệm vụ để chuyên chở khách, thỏa mãn nhu cầu khi khách đến tham quan đất Huế.

 

Anh Quảng dí dỏm: “Cái nghề này vất vả nhưng vui lắm, tuy nhiên đòi hỏi người trông ngựa phải yêu nghề. Phải coi con ngựa giống con mình mới làm được. Phải đam mê như thấm vào trong máu mình. Cho nên dù ngựa có đi làm hay không cũng phải cho ngựa ăn, tắm rửa cho ngựa sạch sẽ không thì ngựa sẽ kiệt sức, dơ bẩn. Nếu nuôi ngựa để chơi thì răng cũng được, nhưng mà đã nuôi để kinh doanh hay chở khách thì phải sạch sẽ, cho nó ăn cả ngày”.

 

Anh tâm sự: "Nhờ chăm sóc đặc biệt nên những chú ngựa ở đây rất khỏe, cũng nhờ chúng mà gia đình tôi cũng đỡ vất vả, thu nhập mặc dù ăn theo lương nhà nước không cao lắm, nhưng có những khách Tây khi đi ngựa họ đều "bo" cho chúng tiền, chính vì thế tôi cũng có thêm chút ít".

 

Theo Đông Phương
Năng lượng mới