Đà Nẵng
Chuyến "lên bờ" lịch sử của gần 40 hộ dân làng phong
(Dân trí) - Sáng nay 25/8, gần 40 hộ dân làng phong (thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, TP Đà Nẵng) đã chuyển vào đất liền sinh sống. Sau nửa thế kỷ tồn tại, kể từ hôm nay, làng phong chỉ còn trong ký ức.
Công tác thực hiện tái định cư cho người dân làng Vân gồm hai phương án: giao đất để người dân xây nhà và bố trí nhà liền kề. Hộ đăng ký nhà liền kề được bố trí 1 gian tại phường Hòa Hiệp Nam gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, phòng bếp, phòng vệ sinh. Ngoài ra còn có diện tích sân vườn phía trước, sân phơi, nhà trẻ, nhà sinh hoạt cộng đồng và phòng y tế.
Hộ đăng ký nhận đất tái định cư sẽ được bố trí 1 lô đất tái định cư hộ chính đường 5,5m tại dự án khu dân cư phía bắc Trường CĐ Giao thông vận tải, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Những người đang điều trị bệnh sẽ được bố trí vào khu chữa bệnh tập trung dành cho bệnh nhân phong.
Sáng nay, Đồn Biên phòng Hải Vân và Hải đội biên phòng đã huy động 50 cán bộ chiến sĩ, 2 tàu, 2 xuồng, quận Đoàn Liên Chiểu huy động 70 thanh niên tình nguyện ra giúp người dân di chuyển vào khu nhà liền kề.
Các hộ dân ở khu nhà liền kề còn được chính quyền địa phương, các cấp các ngành hỗ trợ 1 bộ bàn ghế, 20 kg gạo, 1 thùng mỳ tôm, 1 cái quạt điện, 1 bộ ấm chén, 1 bộ bếp gas, bình gas với tổng giá trị là 6 triệu đồng.
Khu nhà liền kề của người dân làng Vân hôm nay đông vui nhộn nhịp không chỉ bởi sự có mặt của lãnh đạo chính quyền địa phương, các cấp các ngành mà còn có sự góp mặt của anh em, họ hàng của những người này.
Nhiều người khi biết ngày hôm nay người dân làng Vân sẽ chuyển vào đất liền nên đã đến thăm hỏi và chúc mừng. Với người dân làng Vân, ngày hôm nay là một ngày có nhiều cảm xúc lẫn lộn.
Vợ chồng bà Mai Thị Thối (quê ở Huế) và ông Trịnh Khen (quê Phú Yên) gặp nhau ở Huế rồi cùng dắt nhau vào làng Vân sinh sống. Hai ông bà có với nhau một người con và đã lập gia đình. Ngót thế đã 40 năm trôi qua, tưởng rằng sẽ sống ở ngoài đấy hết đời. Thế nhưng hôm nay lại được vào đất liền.
Ông Khen chia sẻ cảm xúc: “Cũng giống như lần đầu tiên phải xa quê vậy. Lần đầu tiên vì bệnh tật bị mọi người xa lánh tôi phải bỏ quê mà ra đi. Đến làng Vân sinh sống và nó đã trở thành quê hương thứ hai của tôi, bây giờ phải rời xa cũng buồn chứ. Nhưng vào đây thì thuận tiện hơn nhiều, ốm đau có xe chở chứ không phải chờ tàu thuyền, lại sạch sẽ, đẹp đẽ nữa”.
Ông Nguyễn Sanh và bà Đinh Thị Chơn gặp nhau ở làng Vân rồi nên duyên vợ chồng. Hai ông bà đã sống ở làng Vân gần 50 năm và bây giờ đã có chắt. Ông Sanh bảo: “Vui hay buồn đều do ở mình hết. Tuy nhiên ở ngoài kia thì không khí trong lành, mát mẻ hơn còn vào đây thì thuận tiện về phương tiện, các dịch vụ chăm sóc. Không ngờ sống gần cuối đời lại được trở lại đất liền, được hưởng ánh đèn xa hoa của thành phố”.
Hôm nay, ước mơ được hòa nhập cộng đồng của người dân làng Vân đã trở thành hiện thực.
Nép mình bên vách núi Hải Vân, làng Vân (hay còn gọi là thôn Hòa Vân), xã Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng bị cô lập với thế giới xung quanh như một “ốc đảo”. Người ta gọi làng Vân bằng những cái tên nghe rất xót xa: làng phong, làng hủi, làng cùi. Nếu muốn vào làng Vân thì phải leo lên đèo Hải Vân, cắt núi rồi thả theo dốc dựng đứng mà xuống làng hoặc đi bằng thuyền máy, nhưng không phải lúc nào cũng có thuyền.
Làng Vân trước đây là vùng đất bị biệt lập. Năm 1968, người ta đưa những người bị bệnh phong ra đây chữa bệnh. Mãi đến năm 1998, Hòa Vân mới được công nhận là một đơn vị hành chính thuộc thành phố Đà Nẵng.
Khánh Hồng