1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện kể của những phụ nữ Việt Nam vừa trở về từ Nam cực

(Dân trí) - “Có rất nhiều tảng băng trôi nên khung cảnh rất đẹp khiến chúng tôi choáng ngợp, song buồn thay đó lại là một tín hiệu xấu đối với môi trường” - chị Hoàng Thị Minh Hồng, người phụ nữ Việt Nam hai lần đặt chân tới Nam cực, chia sẻ.

Chuyện kể của những phụ nữ Việt Nam vừa trở về từ Nam cực - 1

Đoàn Việt Nam tại Nam cực.
 
Bốn phụ nữ nhỏ nhắn trong đoàn gồm 6 thành viên Việt Nam vừa tham gia chuyến thám hiểm Nam cực - nằm trong Hiệp ước Quốc tế về Nam Cực (IATE) 2009 - tháng 11 vừa qua hào hứng chia sẻ với báo giới những cảm xúc khi vừa trở về nước.

 

Chị Nguyễn Phương Anh, giám đốc một công ty chứng khoán tại TPHCM, thành viên đoàn thám hiểm, hớn hở khoe: “Dù phải tự bỏ tiền ra để “tài trợ” cho mình nhưng quả thật chuyến đi rất tuyệt!”. Bởi đơn giản, hành trình này được chính nhà thám hiểm và bảo vệ môi trường Robert Swan dẫn đường, để đánh dấu 50 năm ký kết Hiệp ước Nam Cực - một hiệp ước quốc tế cam kết gìn giữ châu lục này khỏi các hoạt động khai thác và quân sự.

 

Niềm đam mê khám phá và tâm huyết với vấn đề biến đổi khí hậu đã khiến những phụ nữ “liễu yếu đào tơ” dám đương đầu với sự khắc nghiệt của châu lục buốt giá. Các chị đã leo núi tuyết, lao mình xuống làn nước biển lạnh -1 độ, đào hang trú trên băng… Chuyến đi không chỉ mang lại những kỷ nhiệm, trải nghiệm không bao giờ quên mà còn giúp các thành viên hiểu được những vấn đề môi trường mà thế giới đang phải đối mặt.

 

Là người Việt Nam duy nhất lần thứ 2 có mặt tại Nam cực, chị Hoàng Thị Minh Hồng chia sẻ những cảm xúc khi được trở lại châu lục băng giá này sau 12 năm. “Chuyến đi trước tôi chỉ là cô bé 24 tuổi nên những kí ức về Nam Cực cũng mất khá nhiều mà thời đó rất ít ảnh, chỉ chụp bằng phim. Còn giờ chúng tôi chụp được tới 5.000 kiểu ảnh đẹp. Lần này có rất nhiều tảng băng trôi nên khung cảnh rất đẹp, chúng tôi choáng ngợp với khung cảnh nơi này. Tuy nhiên ông Robert Swan đã làm tôi thức tỉnh khi cho biết đó là một tín hiệu xấu bởi nhiệt độ tăng nên băng tan rất nhiều”.

 

Chị Hồng cho biết, vào thời điểm năm 1997, trong chuyến đi đầu tiên của chị, rất ít khách du lịch đến thăm Nam cực. Nhưng trong chuyến đi vừa rồi đoàn đã gặp rất nhiều tàu du lịch. Chính điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới châu lục đặc biệt này.
Chuyện kể của những phụ nữ Việt Nam vừa trở về từ Nam cực - 2
Khung cảnh tuyệt đẹp này lại là tín hiệu xấu đối với môi trường.

 

Chứng kiến những gì đang diễn ra tại châu lục lớn thứ 5 thế giới, chị Hồng cùng 5 thành viên trong đoàn Việt Nam đã nung nấu một kế hoạch vận động bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

 

Nữ phóng viên trẻ Nguyễn Lan Anh tâm sự: “Khi về Việt Nam, chúng tôi nghĩ mình nên trực tiếp tham gia vào họat động bảo vệ môi trường”. “Chúng tôi sẽ thực hiện chứ không phải khẩu hiệu suông”, cả 4 phụ nữ khẳng định chắc nịch.

 

Cả nhóm công bố những chương trình hành động vì môi trường trong năm 2010, trong đó bao gồm lập website thông tin về môi trường hoặc nói chuyện với giới trẻ và doanh nghiệp về Nam cực và môi trường; kêu gọi không sử dụng túi nilon; chiến dịch tiết kiệm năng lượng… Đặc biệt, trong thời gian tới, đoàn sẽ đại diện cho tổ chức 2041 tại Việt Nam trong các hoạt động về môi trường của tổ chức này.

 

“Việt Nam là một phần không thể tách rời của thế giới. Theo dự đoán, nước ta là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng chúng ta có trách nhiệm bảo về môi trường và tham gia vào hành động toàn cầu này”, chị Hoàng Thị Minh Hồng, trưởng đoàn thám hiểm cho biết.
 
Chuyện kể của những phụ nữ Việt Nam vừa trở về từ Nam cực - 3
Băng trôi - dấu hiệu chứng tỏ nhiệt độ trái đất đang nóng lên.

 

Làm sao thúc đẩy hơn các chương trình giáo dục môi trường cho học sinh Việt Nam luôn khiến chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành Trường quốc tế Úc Sài Gòn (AIS) trăn trở. Và sau chuyến đi Nam cực vừa rồi, chị đã có cơ hội trao đổi với các bạn bè quốc tế và tự tin xây dựng những bài học giáo dục môi trường cho học sinh.

 

Những người phụ nữ ấy bận việc nước, việc nhà, song các chị vẫn dồn tâm huyết hành động vì môi trường, bởi hơn ai hết sau chuyến đi, các chị đã “thấm” câu nói của Robert Swan, rằng “Mối đe dọa lớn nhất đối với hành tinh này là niềm tin rằng ai đó sẽ bảo vệ nó”.

 

2041 là tổ chức môi trường do ông Robert Swan, nhà thám hiểm và bảo vệ môi trường sáng lập. Nhiệm vụ của tổ chức là làm thay đổi nhận thức của thế hệ lãnh đạo của tương lai để họ có đủ thông tin đưa ra các quyết định mang tính bền vững.
 
Chuyện kể của những phụ nữ Việt Nam vừa trở về từ Nam cực - 4

 

2041 tuyên truyền về vấn đề biến đổi khí hậu và khuyến khích mọi người thực hiện một lối sống bền vững, sử dụng năng lượng tái tạo để Nam cực không bao giờ bị khai tác và tàn phá. Tên tổ chức được đặt mục đích nhấn mạnh thời hạn năm 2041, khi mà Nghị định thư về Bảo vệ Môi trường của Hiệp ước Nam cực có khả năng bị sửa đổi theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.

 

Lê Phương