1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyên gia y tế nói gì về giải pháp “cái lu chống ngập”?

(Dân trí) - Về chia sẻ sử dụng lu chứa nước để chống ngập của đại biểu HĐND TPHCM Phan Thị Hồng Xuân, nhiều chuyên gia y tế lo ngại lu trữ nước sẽ là nơi sinh sản muỗi và nguy cơ tạo thành dịch sốt xuất huyết.

Trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM khóa IX diễn ra vào chiều 12/7, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân chia sẻ kinh nghiệm dân gian trong việc chống ngập bằng lu chứa nước. Sau khi báo chí đưa tin, cộng đồng mạng đã có những phản ứng gay gắt về phát biểu này.

Sáng 13/7, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân có giải thích rõ đó chỉ là cách dùng từ dân gian, biểu đạt cho giải pháp xây dựng hồ trữ nước mưa trong mỗi gia đình mà tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) từng giới thiệu tại Việt Nam. Mô hình này cũng được áp dụng thành công tại Tokyo.

Chuyên gia y tế nói gì về giải pháp “cái lu chống ngập”? - 1
Đề xuất của đại biểu Hồng Xuân bị phản ứng gay gắt

Thực tế, đây là 1 giải pháp nhỏ nằm trong nhóm giải pháp xây dựng hồ điều tiết nhằm giảm thiểu tình trạng ngập cục bộ tại 1 số khu vực mà tổ chức JICA đề xuất lâu nay. Trong đó có xây dựng các hồ điều tiết lớn quy mô hàng chục ngàn m3 (hồ ngầm ở các công viên, sân vận động..; hồ hở ở các khu dân cư mới); hồ điều tiết ngầm quy mô vừa (vài trăm m3) ở các tuyến đường và hồ ngầm chứa nước mưa trong từng hộ gia đình.

Hiện giải pháp này đã được TPHCM ứng dụng 1 phần. Nhiều khu dân cư mới có xây dựng hồ lớn để chứa nước vừa làm cảnh quan. Ở khu vực quận Thủ Đức cũng đã xây dựng hồ điều tiết ngầm quy mô vừa tại Nhà thiếu nhi quận với quy mô 100m3. Tuy nhiên, hồ ngầm chứa nước mưa trong từng hộ gia đình thì chưa được TPHCM triển khai do không khả thi với điều kiện thành phố.

Chuyên gia y tế nói gì về giải pháp “cái lu chống ngập”? - 2
Tháng 8/2017, hồ điều tiết ngầm quy mô vừa đầu tiên được thi công lắp đặt trên đường Võ Văn Ngân (đoạn trước Nhà Thiếu nhi Thủ Đức)

Về mặt y tế, nhiều chuyên gia lo ngại việc xây dựng 1 hồ chứa nước trong nhà từng hộ dân sẽ dẫn đến nhiều dịch bệnh khó lường, rất khó khả thi.

PGS.TS.BS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự Phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Giải pháp dùng lu để chứa nước được người dân sử dụng khi không có nước máy, nay đã có nước máy các lu khạp chứa nước cần phải lật úp để hạn chế nguy cơ dịch bệnh. Ở góc độ bệnh học, tôi cho rằng nếu chứa nước trong lu hay xây bể chứa nước mưa thì rất nguy hiểm”.

“Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sinh sản, phát triển trong môi trường nước sạch. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc chứa nước trong các lu (khạp) đã tạo môi trường cho muỗi sốt xuất huyết sinh sôi, gây bệnh là bài học rất đắt bởi không phải lúc nào người dân cũng đậy kín được miệng lu. Đây là giải pháp chẳng những không khả thi mà nguy cơ dịch bệnh xảy ra rất cao”, ông chia sẻ thêm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Mạnh Cường, Vụ phó Vụ Truyền thông Thi đua Khen thưởng (Bộ Y tế) cũng phản đối quyết liệt trên trang Facebook cá nhân: “Cách đây vài năm, một địa phương miền Nam bị hạn hán nặng. Bà con đem đủ các dụng cụ để chứa nước. Năm đó cũng là năm dịch sốt xuất huyết hoành hành ở tỉnh đó khiến người dân bị thiệt hại nặng nề! Con muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết rất thích môi trường nước sạch để đẻ trứng. Trứng nở thành loăng quăng (bọ gậy) sống trong những lu nước đó chờ ngày “đủ lông đủ cánh” biến thành muỗi để tiếp tục sự nghiệp phát tán bệnh sốt xuất huyết”.

Ông chia sẻ: “Năm nay, đúng vào lúc dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ thì PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, đại biểu HĐND TPHCM đề xuất trang bị cho mỗi nhà một cái lu để hứng nước mưa chống ngập “cho phù hợp với văn hoá bản địa”. Đề xuất thế chứng tỏ chẳng hiểu biết gì về cơ chế truyền bệnh sốt xuất huyết mà tivi đài báo năm nào cũng nói ra rả”.

Vân Sơn