Khánh Hòa:
Chuyên gia Việt - Nga khảo sát vùng biển Quảng Trị đến Bình Thuận
(Dân trí) - Chiều 22/12, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), các nhà khoa học Việt - Nga đã công bố kết quả chuyến khảo sát hỗn hợp lần thứ 5 giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (VAST) và Viện Hàn lâm Khoa học Nga (FEBRAS) trên tàu Viện sĩ Oparin ở vùng biển Việt Nam.
Theo đó, về phía Việt Nam, đoàn khảo sát gồm 15 nhà khoa học của các Viện chuyên ngành thuộc VAST như: Viện Hải dương học, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hóa sinh biển, Viện Hóa các hợp chất thiên nhiên, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, Viện Công nghệ vũ trụ. Trong khi đó về phía Nga, 20 nhà khoa học giàu kinh nghiệm đến từ Viện Hóa sinh Hữu cơ Thái Bình Dương và Viện sinh học biển thuộc FEBRAS.
Các nhà khoa học Việt - Nga cho biết, đã thu thập nhiều tư liệu về đa dạng sinh học và cấu trúc quần xã sinh vật; mẫu vật phục vụ nghiên cứu hóa sinh và môi trường. Phạm vi khảo sát từ vùng biển Quảng Trị đến Bình Thuận, với các điểm khảo sát phân bố từ lân cận các đảo đến độ sâu 400m.
Sau chuyến khảo sát, các nhà khoa học Việt - Nga sẽ cùng nhau phân tích mẫu vật, nghiên cứu chuyên đề và công bố các tài liệu khoa học về các lĩnh vực dự kiến như: Đa dạng sinh học biển, chú trọng đối với vùng biển sâu; sinh thái học rạn san hô và khả năng tái tạo tự nhiên của san hô tạo rạn; sự tích lũy kim loại nặng trong động vật thân mềm; đa dạng và hoạt chất sinh học trong vi sinh vật; đặc tính quang học và chất lượng môi trường nước vùng biển Miền Trung…
Trao đổi với PV Dân trí, TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết, đây là chuyến khảo sát trên vùng biển Việt Nam lần thứ 5 phối hợp giữa VAST và FEBRAS.
“Từ chuyển khảo sát này sẽ bổ sung tư liệu một cách tương đối có hệ thống về đa dạng sinh học, sinh thái rạn san hô và sàn lọc các chất hoạt tính sinh học… có thể ứng dụng vào thực tiễn trong y dược học”, ông Tuấn nói.
Theo Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, từ chuyến khảo sát biển lần này và quá trình hợp tác trong hàng chục năm vừa qua, là kết quả hàng chục tiến sĩ của Việt Nam được đào tạo, hàng chục công trình xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế về Biển Đông.
Được biết, chuyến khảo sát kéo dài một tháng, từ 20/11-20/12. Trong quá trình khảo sát trên biển, các nhà khoa học Việt - Nga đã 2 lần trú tránh vì gặp bão trên vùng biển ngoài khơi đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) - Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và ngoài khơi vùng biển Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
Viết Hảo