1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyên gia phân tích bão Yagi nhanh chóng suy yếu sau khi "càn quét" Hà Nội

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia phân tích, bão Yagi sau khi quét qua Hà Nội tiếp tục chịu sự ma sát của địa hình nên năng lượng tiêu tán nhanh, nhanh chóng suy yếu.

Chiều 7/9, bão Yagi đổ bộ các tỉnh ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Sau khoảng 5-6 tiếng "càn quét" các địa phương này bão Yagi di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, đi sâu vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ.

Đến 20h cùng ngày, bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội với sức gió cấp 10 (mạnh nhất 102km/h). 

Sau khi đổ bộ Hà Nội, bão Yagi di chuyển theo hướng Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên rồi nhanh chóng suy yếu. Đến 10h ngày 8/9, bão số 3 đã suy yếu thành vùng áp thấp với sức gió cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Trước diễn biến của bão Yagi suy yếu nhanh sau khi "càn quét" Hà Nội, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão Yagi sau khi đổ bộ đất liền đã duy trì thời gian ảnh hưởng khá lâu ở Quảng Ninh - Hải Phòng - Hải Dương.

Tiếp đến, khi đi qua Hà Nội bão Yagi tiếp tục chịu ma sát của địa hình nên năng lượng của bão tiêu tán nhanh dẫn đến việc nhanh chóng suy yếu.

Chuyên gia phân tích bão Yagi nhanh chóng suy yếu sau khi càn quét Hà Nội - 1

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Năng lượng chính cho các cơn bão là hơi nước, chính vì thế bão chỉ tồn tại, phát triển trên các vùng đại dương.

Quá trình xoắn của các hệ thống hoàn lưu sẽ tạo điều kiện hút hơi nước từ bề mặt nước biển lên. Trong khi hút hơi nước lên trên cao gặp lạnh sẽ ngưng kết, tỏa nhiệt làm tăng thêm quá trình đối lưu để bão mạnh lên", ông Khiêm phân tích và khẳng định khi bão đất liền sẽ bị tiêu tán năng lượng, suy yếu.

Việc bão suy yếu nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào địa hình.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lưu ý, sau khi bão tan hệ quả của hoàn lưu bão sẽ gây ra mưa lớn. 

Chuyên gia phân tích bão Yagi nhanh chóng suy yếu sau khi càn quét Hà Nội - 2

Các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Công Binh 544, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội hỗ trợ cưa dọn cây trên phố Hàng Bún, trả lại cảnh quan môi trường và đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân Thủ đô (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Dự báo trong 24 giờ tới, khu vực đồng bằng và trung du miền núi phía Bắc có mưa lớn, lượng mưa 200-300mm. 

"Mưa lớn như vậy có thể gây ra lũ quét và sạt lở đất, đây là thiên tai hết sức nguy hiểm trong những năm vừa qua, đặc biệt là vùng núi và trung du nên người dân, chính quyền địa phương cần hết sức lưu ý để phòng tránh", ông Khiêm nói.

Ông Hoàng Văn Đại, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo trong 24-48 giờ tới khu vực phía Bắc tiếp tục có mưa lớn, trong đó lượng mưa ở Tây Bắc từ 100 đến 200mm.

Vì thế, khu vực miền núi phía Bắc có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất. 

Chuyên gia phân tích bão Yagi nhanh chóng suy yếu sau khi càn quét Hà Nội - 3

Đồ Sơn (Hải Phòng) tan hoang sau bão Yagi (Ảnh: Hải Nam).

Ông Đại khuyến cáo người dân cần theo dõi các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn để có các phương án phòng tránh nguy hiểm.

Đặc biệt người dân sinh sống trong khu vực mưa lớn cần chú ý các hiện tượng nứt tường, nhà nơi mình sinh sống. Nếu phát hiện các hiện tượng trên, người dân cần tìm nơi tránh trú an toàn.

Bên cạnh đó, người dân vùng núi phía Bắc cần hạn chế tới các khu vực sông, suối và nếu bắt buộc phải đến những khu vực này khi thấy tiếng động lạ cần nhanh chóng tìm nơi an toàn bởi có thể lũ quét sắp ập tới, nguy hiểm tính mạng. 

Người dân ở trong khu vực dự báo xảy ra lũ quét, sạt lở đất cần hạn chế di chuyển. Nếu bắt buộc phải di chuyển người dân cần lưu ý quan sát các sườn dốc, ngầm tràn.

Ngày 2/9, bão Yagi hình thành trên vùng biển phía đông Philippines và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm.

Sau khi di chuyển vào Biển Đông gặp những điều kiện thuận lợi như vùng biển nóng, đã lâu không có bão nên chỉ sau 2 ngày bão Yagi đã tăng 8 cấp.

Ngày 5/9, bão Yagi đạt cấp siêu bão (cấp 16, giật trên cấp 17) và duy trì hơn 1 ngày.

Sau khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), siêu bão Yagi chỉ giảm 2 cấp, còn cấp 14 khi tiến vào vịnh Bắc Bộ.

Thời điểm đổ bộ vào vùng ven biển Hải Phòng - Quảng Ninh vào 13h ngày 7/9, bão Yagi mạnh cấp 13-14, giật cấp 16.

Trong khoảng 5-6 tiếng "càn quét" Quảng Ninh - Hải Phòng, bão Yagi vẫn đạt cấp độ 12 - cấp 13 nên đã tàn phá, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho khu vực này.

Đến khoảng 20h ngày 8/9, bão Yagi đổ bộ Hà Nội và nhanh chóng suy yếu.

Bão Yagi đã ghi nhận kỷ lục là cơn bão giữ cấp siêu bão (cấp 16) lâu nhất trên Biển Đông trong khoảng 30 năm trở lại đây.

Do hoàn lưu rộng, hàng loạt các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, TP Hà Nội có mưa to, gió lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Theo thống kê sơ bộ, bão Yagi đã khiến 14 người chết và 176 người khác bị thương.

121.500ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại sau bão, tập trung tại Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam. 5.000ha cây ăn quả tại Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên bị hư hại.

Hàng vạn cây xanh ở miền Bắc bị gãy đổ, riêng Hà Nội khoảng 17.000 cây.

Dòng sự kiện: Cơn bão Yagi