1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chuyên gia nói thẳng loạt vấn đề tồn tại của cây xanh Hà Nội

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Theo chuyên gia, các cơ quan quản lý vẫn coi nhẹ việc tuyển dụng và sắp xếp nhân lực có chuyên môn sâu về cây xanh đô thị ở các vị trí chủ chốt trực tiếp quản lý, chỉ đạo liên quan.

Phóng viên Dân trí có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp), về thực trạng, vấn đề của cây xanh đô thị ở Hà Nội nói riêng và các đô thị khác nói chung.

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của cây xanh trong đời sống?

Cây xanh là một trong những yếu tố cảnh quan có sự sống, có sự sinh trưởng phát triển, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến môi trường sinh thái. Đồng thời cũng là yếu tố cảnh quan có cảnh sắc đặc trưng theo mùa, có cảnh sắc đa dạng nhất trong môi trường đô thị mà các yếu tố cảnh quan khác trong môi trường đô thị khó có thể có được.

Nhiều cây còn có tuổi thọ dài đến hàng trăm năm, là biểu trưng liên quan đến văn hóa, biểu trưng của tình hữu nghị, những chứng tích lịch sử và được ghi sâu trong ký ức của mỗi người…

Chuyên gia nói thẳng loạt vấn đề tồn tại của cây xanh Hà Nội - 1

PGS.TS. Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, Trường Đại học Lâm nghiệp (Ảnh: Mạnh Quân).

Làm tốt công tác trồng và phát triển cây xanh trong đô thị không những góp phần cải thiện, duy trì cân bằng sinh thái trong đô thị, mà còn là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả lâu dài trong phòng chống các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tạo dựng hình ảnh, danh tiếng cũng như sự văn minh cho đô thị.

Sự tồn tại, phát triển và mối liên hệ giữa cây cối với nhau, với các loài sinh vật khác, sự đa dạng về thành phần loài và khả năng thích ứng với điều kiện hoàn cảnh sống cũng có thể được xem là một triết lý của cuộc sống và xã hội mà mỗi chúng ta cần học hỏi từ thiên nhiên.

- Mặt tích cực và hạn chế của cây xanh ra sao, thưa ông?

Bên cạnh những tác dụng tích cực, cây xanh trong đô thị nếu không được chọn, trồng và quản lý tốt đôi khi cũng gây ra một số những phiền toái như hiện tượng cành cây hoặc cả cây bị gãy đổ, rễ cây làm hư hại công trình, lá rụng làm ách tắc cống rãnh, hoa có mùi hương khó chịu, các vấn đề sức khỏe do dị ứng phấn hoa…

Các vấn đề tiêu cực do cây xanh trong đô thị gây ra thường dễ thấy hơn và cũng được dư luận xã hội nói đến nhiều hơn, trong khi đó nhiều giá trị tích cực lại chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ.

Chẳng hạn, khi nói đến trồng cây xanh trong đô thị, đại bộ phận chỉ quan tâm đến khả năng cho bóng mát, hoa lá có đẹp và bắt mắt hay không, cây có dẻo dai và hệ rễ có mọc sâu để cây vững chắc hay không.

Tuy nhiên, các giá trị về duy trì hệ sinh thái, tạo môi trường sống cho các loài sinh vật khác và tăng tính đa dạng sinh học, cải thiện vi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, tăng giá trị bất động sản, giảm căng thẳng tâm lý, cải thiện thị lực, huyết áp, sức khỏe… thì nhiều người chưa nhận thức đầy đủ.

- Theo ông có những lỗi kỹ thuật nào thường ảnh hưởng đến cây xanh đô thị hiện nay?

Cho đến nay, không ít những lỗi kỹ thuật nổi cộm liên quan đến cây xanh đô thị được dư luận xã hội quan tâm như hiện tượng cây xanh bật gốc, gãy cành làm thiệt hại về người và tài sản do cây quá cao; cây không được theo dõi cắt tỉa thường xuyên và cắt tỉa không đúng kỹ thuật; chọn loại cây trồng chưa thực sự chú trọng đến đặc điểm sinh học của cây và môi trường sinh thái đô thị, có hiện tượng chọn theo cảm tính.

Ngoài ra, trồng cây không đúng kỹ thuật (để nguyên cả lớp vải, lưới bọc bầu đất khi trồng); cây giống đưa vào trồng không phù hợp với môi trường sinh thái đô thị phải chặt bỏ; chống đỡ cây không đúng kỹ thuật (đóng đinh vào thân cây, gông làm thắt nghẽn thân cây); cây giống khi trồng có kích thước lớn, rễ chính bị bắt bỏ; chưa có kinh nghiệm và giải pháp quản lý cây trồng lâu năm (cây cổ thụ)…

Chuyên gia nói thẳng loạt vấn đề tồn tại của cây xanh Hà Nội - 2

Một cây xanh đổ lộ nguyên lớp bọc bầu sau cơn bão Yagi (Ảnh: MXH).

Như sau cơn bão Yagi (bão số 3) vừa qua, Hà Nội có hàng nghìn cây xanh bị gãy đổ, nhiều cây bật gốc lộ ra nguyên cả lớp vải, lưới bọc đất khi trồng. Đó là lỗi kỹ thuật mà các đơn vị và công nhân trồng cây mắc phải.

- Theo ông, mấu chốt của những tồn tại trên là từ đâu?

Sở dĩ những lỗi kỹ thuật như trên tồn tại trong một thời gian rất dài ở hầu hết các đô thị ở nước ta chính là đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân trong lĩnh vực cây xanh đô thị đại bộ phận chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, kỹ năng liên quan đến cây xanh đô thị.

Tôi nhấn mạnh rằng, môi trường, không gian sống của cây trong đô thị rất khác với các vùng nông thôn, rừng núi nên kỹ thuật chọn loài, kỹ thuật trồng, duy trì, chăm sóc cây đô thị có những yêu cầu đặc thù riêng, không phải cứ ai học về trồng cây trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng rừng trong lâm nghiệp cũng ra làm ngay được.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý vẫn coi nhẹ việc tuyển dụng và sắp xếp nhân lực có chuyên môn sâu về cây xanh đô thị ở các vị trí chủ chốt trực tiếp quản lý, chỉ đạo liên quan đến cây xanh đô thị.

Thực tế, đa phần cán bộ làm công tác quản lý, duyệt quy hoạch, thiết kế trồng cây xanh ở các sở xây dựng hiện nay là kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư, kỹ sư hạ tầng, chỉ đạo chuyên môn trong các công ty phụ trách trồng và duy trì cây xanh chỉ cần có bằng kỹ sư nông nghiệp, lâm nghiệp chung chung, thậm chí có cả những người được đào tạo ở những ngành khác.

Ngoài ra, công nhân lao động chủ yếu là lao động phổ thông, đa phần không nắm vững các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây.

Tương tự như vậy, khi xét hồ sơ mời thầu về quy hoạch, thiết kế, trồng, duy trì cây xanh cũng chưa kiểm soát tốt về chất lượng nhân lực có chuyên môn có thể đảm nhiệm tốt công việc.

- Những vấn đề này ở các nước trên thế giới và Việt Nam ra sao, thưa ông?

Theo kinh nghiệm ở một số nước như Canada, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… tất cả những người làm ở các vị trí chủ chốt ở các đơn vị quản lý và chỉ đạo kỹ thuật liên quan đến cây xanh đô thị từ chọn loài cây, quy hoạch, thiết kế trồng cây, phải ít nhất có bằng kỹ sư lâm nghiệp đô thị hoặc là kiến trúc sư, kỹ sư cảnh quan; thậm chí còn yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng minh năng lực về cây xanh đô thị.

Riêng đối với công việc giám sát, chỉ đạo kỹ thuật trồng cây, duy trì chăm sóc, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh hại cây chỉ do kỹ sư lâm nghiệp đô thị đảm nhiệm; những người thuộc những nhóm chuyên môn khác chỉ tham gia phối hợp; công nhân tham gia các công việc liên quan đến cây xanh đô thị, cũng định kỳ được bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn và thi tay nghề.

- Ông có góp ý gì cho các nhà quản lý cây xanh đô thị ở nước ta?

Theo tôi biết, ở Việt Nam cả hai ngành Lâm nghiệp đô thị và Kiến trúc cảnh quan đều đã được đào tạo ở các trường đại học từ nhiều năm trước đây. Ngành Lâm nghiệp đô thị đã bắt đầu triển khai đào tạo từ cách đây khoảng 25 năm, ngành Kiến trúc cảnh quan đào tạo cách đây khoảng 12 năm.

Nhiều người tốt nghiệp ra trường đã tiếp tục học tập có bằng cấp cao hơn, có kinh nghiệm tốt về thực tiễn và nghiên cứu, làm chuyên gia cho các tổ chức nước ngoài về cây xanh đô thị, thiết kế cảnh quan.

Tuy nhiên, thực tế lực lượng kỹ sư và kiến trúc sư của các ngành này tham gia đảm nhiệm các công việc liên quan đến cây xanh đô thị tại các cơ quan nhà nước còn rất ít.

Hiện tượng này do đâu? Là cơ quan quản lý, doanh nghiệp chưa biết đến có những ngành nghề chuyên môn này hay coi việc quản lý và phát triển cây xanh đô thị chỉ đơn giản như trồng vài cái cây trong vườn nhà, người học ngành nghề nào cũng có thể đảm nhiệm được...

Có thể thấy rằng, để chủ động trong công tác quản lý và giảm nhẹ những tác động tiêu cực, việc có một đội ngũ nhân lực kỹ thuật có kiến thức chuyên môn sâu, kỹ năng tốt, yêu nghề sẽ không những giảm thiểu được rủi ro do cây xanh gây ra mà còn góp phần tích cực đảm bảo cây trồng khỏe mạnh, phát huy tác dụng tốt, đáp ứng được nhu cầu chung của xã hội.

TP Hà Nội cũng như các đô thị khác nên lưu tâm đến vấn đề này để từng bước có những điều chỉnh, bổ sung hợp lý.

- Xin cảm ơn ông!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm