1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyên gia lý giải việc giếng nước ở Gia Lai phun cột nước cao hơn 10m

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Hơn 7 ngày nay, giếng nước của gia đình ông Đàm Xuân Hòa ở Gia Lai vẫn phun ra khí và nước. Chuyên gia địa chất cho rằng do tầng áp suất lớn kết hợp động đất dẫn đến tình trạng nước phun như vậy.

Ngày 5/8, UBND xã Ia Kly, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, giếng nước của một hộ dân suốt 7 ngày nay vẫn phun cao bất thường. Gia đình mong muốn cơ quan chức năng sớm đưa ra nhận định về nguyên nhân, hướng giải  quyết.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đàm Xuân Hòa (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) cho biết: "Suốt 7 ngày nay, giếng nước của gia đình vẫn phun ra khí và nước bất thường, chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều chuyên gia, tổ chức đã đến lấy mẫu để kiểm tra nhưng chưa đưa ra nhận định về nguyên nhân và hướng khắc phục".

Chuyên gia lý giải việc giếng nước ở Gia Lai phun cột nước cao hơn 10m - 1

Giếng nhà ông Đàm Xuân Hòa phun cao hơn chục mét (Ảnh: Chí Anh).

Theo ông Hòa, dòng khí và nước phun từ lòng đất lên bất thường nên người dân trong vùng đã đổ xô đến lấy về uống. Trong lúc chờ cơ quan chức năng đưa ra kết quả, ông đã rào giếng lại và tuyên truyền bà con tránh lại gần, không lấy nước về uống.

"Trước đó, đoàn của Bộ Tài Nguyên và Môi trường có sử dụng máy để kiểm tra và đưa ra đánh giá là nước an toàn. Đối với khí phun ra, các chuyên viên đã lấy mẫu về kiểm tra kỹ rồi mới kết luận. Tôi mong cơ quan chức năng sớm đưa ra kết luận và hướng dẫn gia đình xử lý, ngăn chặn dòng khí, nước phun ra", ông Hòa cho hay.

Chuyên gia lý giải việc giếng nước ở Gia Lai phun cột nước cao hơn 10m - 2

Đoàn kiểm tra lấy mẫu nước tại giếng khoan tự phun đưa đi xét nghiệm (Ảnh: Hồ Nam).

PGS. TS Nguyễn Việt Kỳ, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật địa chất và Dầu khí, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết: "Theo quan điểm cá nhân của tôi, người dân khoan giếng ở độ sâu hơn 180m, gặp tầng áp suất lớn. Cùng thời điểm này, Kon Tum xuất hiện các trận động đất mạnh 5.0 độ nên kích thích sự phun lên mạnh mẽ như vậy. Để chính xác hơn, cơ quan chức năng cần lấy mẫu nghiên cứu tìm ra nguyên nhân".

Theo ông Kỳ, tầng áp suất này rất lớn và cân bằng nên việc phun ra khí sẽ còn tiếp diễn rất dài.

Vào những năm 1980, tỉnh Đăk Nông cũng ghi nhận một giếng khoan tự phun cao hơn 18m. Người dân phải dùng hàng tấn xi măng đổ xuống nhằm ngăn chặn dòng khí phun.