1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyên gia khí tượng nhận xét gì về đợt rét lần này ở miền Bắc?

(Dân trí) - Từ đầu tuần này, miền Bắc phải hứng chịu đợt không khí lạnh có cường độ rất mạnh, gây rét đậm, rét hại trên diện rộng. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ sáng ngày 9/1 phổ biến khoảng 8-11 độ C, cá biệt ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -0,3 độ C và đã xuất hiện băng giá.

Sáng nay (9/1), trên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) đã xuất hiện băng giá. (Ảnh: Hoàng Lăng Huy).
Sáng nay (9/1), trên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) đã xuất hiện băng giá. (Ảnh: Hoàng Lăng Huy).

Liên quan đến đợt rét lần này ở miền Bắc, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương.

- Từ đầu tuần này, người dân ở miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã cảm nhận rất rõ rệt về đợt không khí lạnh lần này, nhất là cảm giác rét tê tái khi phải di chuyển bằng bằng xe máy hoặc lao động ngoài trời. Nhiều người cho rằng, đây là đợt rét mạnh nhất từ đầu mùa Đông đến nay. Vậy ông đánh giá về đợt rét này như thế nào?

- Thông thường, ở các tỉnh miền Bắc nước ta, tháng 1 không khí lạnh (KKL) thường hoạt động mạnh nên đây cũng là thời kỳ có nền nhiệt thấp nhất trong năm và sự xuất hiện của đợt KKL này cũng phù hợp với thời kỳ này hàng năm. Đợt không khí lạnh lần này đã gây gió tại Bạch Long Vỹ mạnh đến 20m/s (cấp 8); giật cấp 10 và theo tiêu chí, đây là đợt không khí lạnh có cường độ mạnh.

Đến sáng ngày 9/1, nhiệt độ thấp nhất trên khu vực Bắc Bộ giảm xuống từ 8 đến 11 độ C (trong đó tại Hà Nội: 9.8 độ C), vùng núi cao như Sa Pa giảm xuống 3,7 độ C và Mẫu Sơn của Lạng Sơn đã ghi nhận được nhiệt độ lúc 7h sáng là -0.3 độ C. Ngoài ra, nhiều nơi trời có mưa, thời tiết ẩm ướt khiến cảm giác rét tăng lên. Đến trưa chiều ngày 9/1, mưa giảm hơn nhưng nhiệt độ tăng chậm nên toàn khu vực Bắc Bộ ở trong ngưỡng rét đậm, rét hại.

- Vậy đâu là nguyên nhân gây ra đợt rét đậm, rét hại này ở miền Bắc?

- Nguồn gốc của đợt KKL này bắt nguồn từ áp cao lạnh Siberi, (khối áp cao tồn tại trong khu vực từ 40 đến 60 độ vĩ Bắc), sau khi tràn qua Trung Quốc thì lan dần xuống Việt Nam. Đến Việt Nam là khu vực vĩ độ thấp hơn (khu vực nhiệt đới), nhiệt độ của khối không khí lạnh này đã tăng hơn so với khi đi qua khu vực lục địa Trung Quốc nhưng vẫn đủ để gây ra sự chuyển biến mạnh về thời tiết, gây ra mưa và gió mạnh, rét đậm rét hại cho các tỉnh Bắc Bộ.

- Ông cho biết, đợt rét này ở miền Bắc kéo dài đến khi nào?

- Dự báo đợt rét đậm, rét hại lần này tại các tỉnh Bắc Bộ cũng như Thủ đô Hà Nội sẽ còn kéo dài đến hết ngày 14/1 (tức ngày Chủ Nhật tuần này), trong đó khu vực núi cao cần đề phòng băng giá.

- Xin cảm ơn ông!

Bản tin lúc 15h30 ngày 9/1 cho biết: Chiều cùng ngày, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh Nam Trung Bộ, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Dự báo, đêm 9/1, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Nam Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, sau liên tục được tăng cường. Các tỉnh Trung Trung Bộ đêm và sáng có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Gió Đông Bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5.

Từ nay đến ngày 14/1 ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ xảy ra rét đậm, rét hại, vùng núi cao có băng giá; nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng phổ biến 8-11 độ C, các tỉnh vùng núi từ 5-8 độ C, vùng núi cao dưới 3 độ C.

Hà Nội từ nay đến ngày 14/1 trời rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 8-11 độ C.

Ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi Nam Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi Trung Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh. Khu vực Bắc biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh. Khu vực giữa và Nam biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Nguyễn Dương (thực hiện)