1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Chuyên gia hiến kế giải quyết "điểm nóng" Tân Sơn Nhất

(Dân trí) - Để giải quyết tình trạng kẹt xe trầm trọng tại đường vào sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian gần đây, Thạc sĩ Hứa Bá Minh, cán bộ Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam – Bộ Xây Dựng, đề xuất lập 3 điểm trung chuyển xung quanh sân bay. Theo ông, đây là giải pháp tiết kiệm và có hiệu quả nhanh chóng.

Cần giải quyết câu hỏi "sân bay Tân Sơn Nhất kẹt xe vì đâu?"

Theo ông Minh, hiện nay có quá nhiều giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề kẹt xe trầm trọng tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất như 2 dự án xây cầu vượt và 3 dự án mở rộng đường với tổng số vốn 1.800 tỷ đồng, đề xuất làm cáp treo vào sân bay,…

Tuy nhiên, ông cho rằng: “Tất cả đều hợp lý nhưng muốn hiệu quả phải thực hiện đồng bộ, muốn đồng bộ được phải mất vài năm. Các giải pháp đó theo tôi cũng chỉ là giải pháp tạm thời, thi công cũng mất cả năm trời ảnh hưởng đến việc đi lại, chi phí thì quá cao mà tình trạng kẹt xe vẫn đang tiếp diễn ngày càng nghiêm trọng!”.


Không chỉ khung giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra nghiêm trọng cả buổi trưa và ngày cuối tuần khiến người dân ám ảnh. (Ảnh: Đình Thảo)

Không chỉ khung giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra nghiêm trọng cả buổi trưa và ngày cuối tuần khiến người dân ám ảnh. (Ảnh: Đình Thảo)

Theo ông, trước khi nói đến giải pháp khắc phục tình trạng trên thì cần phải xác định được thực trạng vì đâu xảy ra tình trạng kẹt xe tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Minh liệt kê hàng loạt nguyên nhân như: Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân ngày càng tăng; số lượng xe bốn bánh của các cơ quan, cá nhân cũng như của các hãng taxi ngày càng nhiều; lộ giới hiện hữu của các đường trong khu vực không đáp ứng được lưu lượng xe cộ dày đặc; chỉ có duy nhất một cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất là mặt tiền đường Trường Sơn,...

Do đó, giải pháp để giải quyết được căn cơ vấn đề này là cần trả lời cho được các câu hỏi như: Làm sao để số lượng người ra vào sân bay được nhiều nhất và với số lượng xe ít nhất có thể; làm sao để tách được người ra vào sân bay với người chỉ đi ngang qua sân bay; làm sao để hạn chế được lượng xe chạy vào các trục đường gần sân bay; làm sao để người ra vào sân bay được đi tuyến đường nhanh nhất và ngắn nhất có thể, không đi đường vòng,...

Ông Minh cho rằng: “Giải pháp xây dựng các trạm trung chuyển ở vòng ngoài sân bay” có lẽ sẽ trả lời cho các câu hỏi ở trên và sẽ giải quyết được cơ bản tình trạng kẹt xe trầm trọng trên đường vào sân bay Tân Sơn Nhất”.

Xây dựng các trạm trung chuyển vòng ngoài sân bay

Ông Hứa Bá Minh, Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam – Bộ Xây Dựng.
Ông Hứa Bá Minh, Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam – Bộ Xây Dựng.

Khái quát giải pháp của ông Minh là xây dựng 3 trạm trung chuyển ở xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Hành khách sẽ đến các trạm này check-in rồi lên xe buýt lớn để di chuyển về sân bay. Điều quan trọng nữa là những xe buýt này phải có làn ưu tiên để hoạt động (đặc biệt là vào những lúc cao điểm) hoặc phải có CSGT điều tiết tại các điểm giao cắt để hỗ trợ.

Đầu tiên, ông xác định vị trí 3 trạm trung chuyển là công viên Hoàng Văn Thụ, công viên Gia Định và 1 trạm tại khu vực sân golf kế bên sân bay hiện nay. Theo ông, trạm tại vị trí sân golf khá quan trọng vì nếu đặt trạm trung chuyển tại đây và mở thêm 1 cửa ra vào thì sẽ phục vụ lượng hành khách phía Tây và phía Bắc thành phố (quận 12, Tân Phú, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Củ Chi) và các tỉnh tiếp giáp. Từ đây sẽ đi bên trong đường vành đai sân bay, chạy sát tường rào đường Trường Chinh để đến nhà ga quốc nội hoặc quốc tế, tuyến này dài nhất khoảng 4km nhưng sẽ phá thế độc đạo đi vào sân bay hiện nay.

Ông cho rằng: “Được vậy, các xe sẽ không phải chạy vòng qua đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Nguyễn Kiệm để ra vào sân bay nên cũng sẽ giảm được tình trạng kẹt xe khu vực xung quanh”.

Về phương tiện trung chuyển, ông Minh đề nghị sử dụng các xe buýt riêng chở được nhiều người nhất có thể (giống xe buýt trung chuyển từ nhà ga sân bay ra đến máy bay, tạm gọi là xe buýt TSN). Đi kèm đó là quy định không cho phép tất cả các loại phương tiện vào trong sân bay (trừ khách VIP hoặc các xe ưu tiên).

Ông Minh phân tích: Hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất trung bình đón khoảng 100.000 khách trong nước và quốc tế đi đến mỗi ngày, nếu trung bình 1 chuyến xe buýt TSN chở được khoảng 80 người thì cần khoảng 1.300 chuyến ra vào các trạm/ngày. Nếu có 3 trạm trung chuyển thì hàng ngày mỗi trạm xe buýt TSN sẽ ra vào trạm trung bình 400-500 chuyến tùy trạm, chia trung bình 18 tiếng hoạt động từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm, khi đó trung bình cứ 3 phút phải có một xe buýt TSN đến hoặc đi tại 1 trạm (cao điểm 2 phút/ chuyến, thấp điểm 20 phút/ chuyến).

Thời gian khách lên xe, chạy từ trạm trung chuyển đến sân bay, trả khách xuống nhà ga hoặc ngược lại dự kiến mất khoảng 10 phút, với trạm tại sân golf dự kiến mất khoảng 20 phút. Lượng xe buýt vào và ra sân bay sẽ phụ thuộc vào số lượng chuyến bay đến và đi trong ngày vào từng thời điểm, có sự phối hợp giữa sân bay và trạm trung chuyển để xe buýt TSN khi vào trong sân bay có thể chờ để chở khách ra ngoài trạm trung chuyển hoặc ngược lại, khi đó thời gian sẽ được rút ngắn hơn nữa. Theo tính toán mỗi trạm cần phải có tối thiểu 15 xe buýt TSN. Nếu lượng khách tăng thì đầu xe sẽ tăng lên.

Ngoài giải pháp lập trạm trung chuyển và đưa khách vào sân bay bằng xe buýt, ông Minh còn đề nghị kết hợp các giải pháp phụ khác như: tuyên truyền hướng dẫn hành khách trước và sau khi đi máy bay, kể cả người dân về việc sử dụng xe buýt TSN, check in qua mạng hoặc tại trạm trung chuyển thì dư địa của sân bay sẽ tăng, luôn đảm bảo cho tuyến đường của xe buýt TSN được thông thoáng, xe buýt TSN phải được ưu tiên, có còi hụ vừa phải khi cần thiết, đèn chiếu nhấp nháy để các xe chạy trên đường phải né ngay vào làn trong, có CSGT hỗ trợ vào giờ cao điểm,…

Chi phí rẻ, thi công nhanh

Theo tính toán của ông Minh, chi phí dự kiến cho đề án này cho việc xây dựng công trình, sân bãi, nhà chờ tại 3 trạm trung chuyển (chưa kể giá trị đất của công viên, sân Golf), 50 xe buýt TSN, máy móc kỹ thuật trang thiết bị cho các trạm chỉ trên dưới 300 tỷ đồng (tạm tính).

Điều quan trọng hơn là thời gian dự kiến từ thời điểm khởi công cho đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đề án này nếu ưu tiên thực hiện nhanh chỉ trong vòng 3 tháng. Với thời gian thực hiện ngắn, theo ông Minh thì giải pháp này có thể phát huy hiệu quả nhanh hơn hẳn các giải pháp khác và có thể kéo dài thời gian cho đến lúc sân bay Long Thành xây dựng xong giai đoạn 1.

Ông nói: “Với tình hình hiện nay, nếu chúng ta không làm ngay, không có giải pháp phát huy hiệu quả nhanh chóng thì chỉ trong vòng 3-6 tháng nữa, người dân chạy xe vào khu vực này chỉ có thể ngồi nhìn nhau chứ không ai có thể đi được nữa!”.

Thạc sĩ Hứa Bá Minh
Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam – Bộ Xây Dựng
Tùng Nguyên lược ghi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm