Chuyên gia dự báo 3 “kịch bản” Trung Quốc sẽ làm tại bãi Tư Chính
(Dân trí) - Trong thời gian tới, Trung Quốc có thể sẽ thực hiện 1 trong 3 “kịch bản” tại bãi Tư Chính của Việt Nam: Thứ nhất, Trung Quốc sẽ rút tàu; Thứ hai, Trung Quốc rút tàu nhưng sau đó quay lại; Thứ ba, Trung Quốc liều lĩnh hạ đặt “siêu giàn khoan” HD tại bãi Tư Chính.
GS.TS, Luật sư Nguyễn Bá Diến - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo - đã đưa ra dự báo nói trên khi trao đổi với PV Dân trí về việc Trung Quốc đang xâm phạm trái phép bãi Tư Chính và chủ quyền trên biển của Việt Nam.
Ba “kịch bản” tại bãi Tư Chính
- Phóng viên: Thưa ông, mặc dù Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp giao thiệp nhưng Trung Quốc vẫn chưa rút tàu khỏi bãi Tư Chính, tiếp tục có hành động diễn tập quân sự trái phép tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong các ngày 6/8-7/8. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
- GS.TS Nguyễn Bá Diến: Trung Quốc chính thức thực hiện mưu đồ bành trướng trên Biển Đông từ năm 1949. Những hành động xâm phạm trái phép của Trung Quốc đã và đang diễn ra thực chất nằm trong một chuỗi các hành động nhằm hiện thực “giấc mộng” Trung Hoa.
Biển Đông được xem là yết hầu, là mỏ dầu lớn nhất mà Trung Quốc muốn chiếm trọn. Để thực hiện tham vọng trở thành cường quốc số 1 thế giới thì chiếm Biển Đông là con đường duy nhất và chiến lược nhất của Trung Quốc.
- Mới đây, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp trực tiếp người đồng cấp Trung Quốc - Vương Nghị tại Bangkok (Thái Lan) để khẳng định lập trường, nguyên tắc của Việt Nam về sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông. Với sự kiên quyết của Việt Nam, ông dự báo Trung Quốc sẽ có những động thái gì trong thời gian tới?
- Việc Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp ông Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và khẳng định lập trường của Việt Nam về các vấn đề trên biển là sự phản đối trực diện, kiên quyết đối với hành động Trung Quốc đưa giàn khoan và nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 thực hiện tác nghiệp trái phép tại bãi Tư Chính của chúng ta.
Theo tôi, cuộc gặp của Phó Thủ tướng đã thể hiện sự đại nhân, đại nghĩa và hòa hiếu của chúng ta. Chúng ta tôn trọng sự hòa hiếu, tôn trọng quan hệ hữu nghị chính đáng giữa hai nước. Cuộc gặp và trao đổi của Phó Thủ tướng cũng thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, là sự phản ứng đúng quy trình, đúng thủ tục, kiên trì và rất văn minh thông qua con đường ngoại giao ở cấp cao nhất.
Chúng ta đã nói thẳng với Trung Quốc, đó là bước tận cùng về ngoại giao giữa hai bên để có căn cứ áp dụng các tiến trình và giải pháp khác, áp dụng biện pháp pháp lý hoặc có thể mời cơ quan tài phán quốc tế, tổ chức quốc tế tham gia giải quyết vấn đề này theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.
Biển Đông là không gian sinh tồn của Việt Nam, nhưng ven Biển Đông còn nhiều quốc gia khác với vị trí chiến lược toàn cầu, các nước trên thế giới đều có lợi ích ở khu vực này. Tuy nhiên, tôi cho rằng âm mưu chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không đổi. Ngăn chặn Trung Quốc tùy thuộc vào hành động chúng ta và cộng đồng quốc tế, tất cả các nước có trách nhiệm phải lên tiếng.
Cá nhân tôi dự báo thời gian tới sẽ có 1 trong 3 kịch bản diễn ra tại khu vực bãi Tư Chính đang bị Trung Quốc xâm phạm trái phép: Thứ nhất, đến thời điểm nhất định Trung Quốc sẽ rút khỏi bãi Tư Chính. Thứ hai, Trung Quốc rút tàu nhưng sau đó quay lại. Thứ ba, Trung Quốc liều lĩnh hạ đặt “siêu giàn khoan” HD tại bãi Tư Chính.
Với tình hình này, ở thực địa các lực lượng chấp pháp của Việt Nam cũng phải có các kịch bản để phòng ngừa, có các giải pháp căn cơ và trù liệu cả trường hợp xấu nhất là Trung Quốc liều lĩnh hạ đặt “siêu giàn khoan” tại bãi Tư Chính.
GS.TS Nguyễn Bá Diến trao đổi về hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc tại bãi Tư Chính với PV Dân trí
- Dựa trên yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc dùng sức mạnh của nước lớn để gây hấn, đe dọa hòa bình khu vực, đặc biệt là xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ông có thể phân tích rõ hơn về hành động nguy hiểm của Trung Quốc?
- Bãi Tư Chính là “rốn dầu” thuộc chủ quyền của Việt Nam, đang được Việt Nam khai thác hợp pháp theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế công nhận. Tuy nhiên, Trung Quốc đang thực hiện hành động xâm phạm trắng trợn và đặc biệt nguy hiểm.
Tôi lo ngại việc Trung Quốc duy trì đội tàu xâm phạm bãi Tư Chính có thể sẽ lấy được rất nhiều thông số tại vùng biển của chúng ta, gây nhiễu động tại “rốn dầu” của chúng ta và đe dọa tới GDP từ dầu khí của chúng ta…
Biển Đông là kho tài nguyên thiên nhiên vô tận, ngoài dầu khí còn có khoáng sản, thủy-hải sản, là tuyến đường giao thương hàng hải huyết mạch của thế giới, địa chiến lược toàn cầu. Vì vậy, mặc dù Tòa án quốc tế đã bác bỏ “đường lưỡi bò” và khẳng định hành động của Trung Quốc là phi pháp, nhưng Trung Quốc vẫn đang cố gắng đặt tất cả vào sự đã rồi, biến khu vực không tranh chấp thành khu vực tranh chấp và hành động vô luật. Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là chiếm bằng được Biển Đông để trở thành bá chủ thế giới.
Trung Quốc là 1 trong 5 cường quốc của thế giới giữ vai trò Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an - cơ quan quyền lực nhất tại Liên hợp quốc, có trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc lại ngang nhiên xâm phạm trái phép chủ quyền của các quốc gia ven Biển Đông, đe dọa tới hòa bình khu vực và từ chối đưa các vấn đề tranh chấp ra cộng đồng quốc tế.
“Nỏ thần” của Việt Nam và áp lực “đe” Trung Quốc
- Là chuyên gia Luật quốc tế, ông có quan điểm như thế nào nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc về hành vi xâm phạm chủ quyền?
- Với tư cách là một luật sư có 40 năm nghiên cứu về Luật Biển, đặc biệt là nghiên cứu về Biển Đông, tôi khẳng định Việt Nam sẽ giành chiến thắng 100% nếu khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.
“Nỏ thần” của Việt Nam thời hiện đại là pháp lý, là công lý quốc tế, nhưng với Trung Quốc đó lại là “tử huyệt”. Tôi cho rằng, điều Trung Quốc sợ nhất ở Việt Nam lúc này là vấn đề pháp lý, bởi vậy Trung Quốc đang cố tìm cách để Việt Nam không sử dụng chiếc “nỏ thần” này.
Theo tôi, hiện đang là thời điểm chín muồi để khởi kiện Trung Quốc. Khởi kiện là giải pháp rất văn minh, phù hợp với Công ước Luật Biển, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và quy định quốc tế.
- Cộng đồng quốc tế đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng trên Biển Đông và hành động Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền tại bãi Tư Chính của nước ta, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh dừng các hành động “o ép”, vi phạm luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, Bắc Kinh đang chịu áp lực gì?
- Tôi cho rằng Trung Quốc đang đứng trước sức ép khổng lồ từ hệ thống luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển, đặc biệt là phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế… đều khẳng định hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông; sức ép từ công luận quốc tế, dư luận quốc tế đều phản đối hành vi vi phạm của Trung Quốc.
Vì hành động của Trung Quốc là phi lý và vô luật, vì hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam là chính nghĩa, vậy nên Trung Quốc đang phải chịu một sức ép vô hình là sức mạnh của lòng dân nước Việt Nam. Trung Quốc phải biết rằng, lòng yêu nước và yêu chuộng hòa bình của người Việt dựa trên nền tảng đại nghĩa và lẽ phải sẽ “nhấn chìm” hành động phi pháp, phi luật của Trung Quốc.
Tôi cũng tin rằng, đến một lúc nào đó, những người dân Trung Quốc chân chính, những người yêu chuộng hòa bình và công lý ở Trung Quốc sẽ nhận diện thấy luận điệu dối trá của nhà cầm quyền về Biển Đông. Trung Quốc cũng phải đối mặt với áp lực dư luận trong nước.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bài: Châu Như Quỳnh
Ảnh, Video: Hữu Nghị