"Chuyển đổi số đang tạo sân chơi bình đẳng trên phạm vi toàn cầu"
(Dân trí) - Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhận định, chuyển đổi số đang tạo một sân chơi bình đẳng trên phạm vi toàn cầu, trong đó các nước đều phải đẩy nhanh tiến trình này để không bị tụt hậu...
Ngày 2/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm "Triển khai Ngoại giao số của Việt Nam: Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị". Tọa đàm diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và sự tham gia của đại diện các Bộ, ban, ngành, cơ quan làm công tác đối ngoại và thông tin tuyên truyền, một số doanh nghiệp Việt Nam đi đầu trong công tác chuyển đổi số, cùng hơn 80 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị của Bộ Ngoại giao.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhận định, chuyển đổi số đang tạo một sân chơi bình đẳng trên phạm vi toàn cầu, trong đó các nước đều phải đẩy nhanh tiến trình này để không bị tụt hậu.
Theo ông Hiệu, trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, ngoại giao số ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu và là công cụ đắc lực để các nước triển khai chính sách đối ngoại, nâng cao tiếng nói, vai trò và vị thế trên thế giới.
Thứ trưởng đề nghị buổi tọa đàm tập trung trao đổi về các vấn đề liên quan triển khai ngoại giao số, làm rõ những thuận lợi, khó khăn, và đề xuất biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy triển khai ngoại giao số của Việt Nam trong thời gian tới.
Tại buổi tọa đàm, các Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Ấn Độ, Úc, Singapore… đã chia sẻ chính sách, kinh nghiệm và thực tiễn triển khai công tác ngoại giao số ở địa bàn.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu các chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số; các thành tựu của Việt Nam trong xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bao gồm đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số.
Thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ, đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội Việt Nam (Viettel) nêu bật các nhân tố bảo đảm cho thành công trong chuyển đổi số, đặc biệt là nền tảng công nghệ số, cơ sở dữ liệu để phục vụ việc ra quyết định, và chuyển đổi sang tư duy số trong điều hành, quản lý.
Tại buổi tọa đàm, hầu hết các diễn giả đều nhấn mạnh, kể từ sau đại dịch Covid-19, ngoại giao số ngày càng khẳng định vai trò là một phương thức hữu hiệu, bổ trợ cho ngoại giao truyền thống, góp phần mang lại mức độ tương tác chưa từng có giữa các nước.
Theo đó, các quốc gia có trình độ phát triển khác nhau đều nhanh chóng nắm bắt để có thể triển khai chính sách đối ngoại một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy chuyển đổi số, hợp tác số trở thành một nội hàm ngày càng quan trọng trong quan hệ quốc tế. Công nghệ số hiện nay không còn đơn thuần là một yếu tố kỹ thuật, mà là một lĩnh vực hợp tác ngày càng quan trọng giữa các quốc gia, với nhiều quan hệ đối tác số được thiết lập.
Trên cơ sở đó, các diễn giả đã trao đổi về các vấn đề đặt ra đối với triển khai ngoại giao số Việt Nam, đồng thời đề xuất nhiều khuyến nghị để phát huy nền tảng số trong công tác đối ngoại, bao gồm đầu tư nguồn lực, cải thiện cơ sở hạ tầng, ra quyết định dựa trên dữ liệu, tăng cường cung cấp các dịch vụ công cho người dân trên nền tảng số, đào tạo đội ngũ các nhà ngoại giao tinh thông công nghệ, và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật để triển khai ngoại giao số.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh triển khai ngoại giao phục vụ phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ, hội nghị ngoại giao lần thứ 31 đã diễn ra vào hồi tháng 12/2021 đã xác định, ngoại giao số cũng là một nội hàm ưu tiên thúc đẩy.