1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Chuyện "dỡ nhà làm đường" tại làng K130

Vào những năm 1968, khi tuyến đường giao thông huyết mạch quốc lộ 1A bị chia cắt bởi sự ném bom ác liệt của Mỹ, hàng trăm hộ dân đã tự nguyện dỡ nhà lấy gỗ lát đường cho xe vận tải qua... Đó là câu chuyện về làng K130 hào hùng thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.

Làng K130 hay còn đươc gọi là làng Hạ Lội trước đây (vì làng nằm giữa ba bề ruộng nước, đường vào làng lầy lội). Cùng với Ngã ba Đồng Lộc, làng Hạ Lội nằm sát cầu Già, đồng thời cũng là điểm giao thông huyết mạch giữ hai con đường thủy – bộ. Xác định được tầm quan trọng của vị trí này nên Mỹ đã tập trung lực lượng hòng chặn đứng huyết mạch giao thông của quân và dân ta trên đường chi viện cho miền Nam. Để thực hiện dã tâm đó, trong chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã trút xuống xã Tiến Lộc, có làng Hạ Lội là trọng điểm gần 19 ngàn quả bom, 1.522 quả rốc két, làm 57 người chết, 151 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà, nhiều công trình phúc lợi dân sinh bị phá hủy hoàn toàn.  Nếu tính bình quân, mỗi người dân Tiến Lộc phải chịu đựng sức công phá của 8,9 quả bom đạn.

Làng K130 dỡ nhà làm đường (ảnh tư liệu tại UBND xã Tiến Lộc).
Làng K130 dỡ nhà làm đường (ảnh tư liệu tại UBND xã Tiến Lộc).

Cũng chính trong thời điểm ác liệt này, có một đoàn xe 130 chiếc chở hàng đặc biệt vào chi viện khẩn cấp cho chiến trường miền Nam cần được đi ngay. Để khai thông tuyến đường huyết mạch quan trọng này,  thực hiện chủ trương của cấp trên: mở đường Xế tránh Quốc lộ 1A đoạn từ Cổ Ngựa đến cầu Già, xuyên qua tim làng Hạ Lội - nơi được cấp trên xác định là vị trí đắc địa để thông tuyến đường xế này, làm phà vượt sông, thông tuyến an toàn.

Ông Phạm Tiến Ân – một nhân chứng lịch sử thời đó kể lại: “Khoảng 10h ngày 13/8/1968 thì phát lệnh tối hôm đó phải mở đường. Nhận được lệnh, cả làng Hạ Lội sẵn sàng trong tư thế “xe chưa qua, nhà không tiếc”. Người tiên phong giơ cánh tay đầu tiên “dỡ nhà làm đường” là ông Lê Bá Kiểm, ông đã tự nguyện hiến toàn bộ nhà mình chỉ để lại mái lều nhỏ để tránh mưa, nắng. Rồi những ngôi nhà như, ông Thông, ông Biếm, ông Nhuần và ông Dục cũng được dỡ và dời dọn trước. Nhà dời dọn đến đâu thì lực lượng công binh, bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong làm đường đến đó. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ 130 ngôi nhà đã được tháo dỡ. Đoạn đường dài 1,2km từ quán Bánh Gai (tiếp giáp đường 1A) đến bờ sông Già cơ bản hoàn thành, chỉ còn phần mở phà.

Ông Ân rưng rưng nhớ lại câu chuyện về cụ bà Đinh Thị Trí: “Thời điểm ni, cụ cũng ngoài 80 rồi. Chồng mất sớm nên cụ sống một mình, nhà chỉ là mái lều che tạm, không một mảnh ván hay vật dụng gì cứng trong nhà ngoài cỗ hậu sự phòng khi đau yếu. Nhưng khi mới nghe tin, cụ xin hiến “gia tài” duy nhất của cụ cùng bà con làm đường cho xe chạy”.

Cứ thế, những cây tre, tấm gỗ được bà con chặt, tháo dỡ dựng lên hàng trăm tấm phên xuống làm mố cầu. Cả xã cùng đổ dồn về Hạ Lội để cùng làm một con đường chở hàng vào Nam. Đến 3h sáng ngày hôm sau thì mọi công việc đã hoàn thành, chiếc xe đầu tiên trong đoàn xe 130 chiếc chở xăng, đạn dược và lương thực đã chuyển bánh trên đường xế xuống phà và qua sông an toàn. Nhìn từng lốp xe lăn bánh thuận lợi, bà con nhân dân vui mừng, phấn khởi khôn xiết.

Anh Võ Tá Quang - Trưởng ban văn hóa xã Tiến Lộc cho biết: “Theo tài liệu ghi lại, hồi đó, tất cả 88 hộ của xóm đã hiến 130 ngôi nhà trong đó có 35 hộ hiến dâng 2 nhà. Ngoài ra còn có 4 nhà thờ họ, một ngôi miếu, hai kho hợp tác xã đã được dỡ xuống, để lát đường”.

Từ đêm đó trở đi, dưới sự chở che của nhân dân, từng đoàn xe đi qua đường xế này vận chuyển hàng hóa một cách an toàn, không còn tắc đường, sa lầy như trước nữa. Để bảo vệ bí mật và che mắt địch, hàng ngày cứ sáng ra một bộ phận quân và dân Hạ Lội ngụy trang lại đường Xế, tối đến lại cất dấu ngụy trang. Cứ như thế đường Xế được giữ bí mật đến ngày ngừng bắn.

Đến hôm nay, sau 45 năm, con đường Xế xuyên qua tim làng Hạ Lội đã không còn nhưng tinh thần của thế trận lòng dân ngày ấy vẫn còn lưu truyền. Trên nền đất cũ kỹ của 130 ngôi nhà đã dỡ ra để lấy mặt bằng và vật liệu “lót đường” chống lầy cho xe qua, giờ đã tươi những màu ngói mới. Làng K130 đã được thay bằng một hình ảnh mới, một diện mạo mới. Bây giờ đường vào Làng K130 là con đường bêtông rộng đẹp khang trang. Hiện nay, Làng K130 đã có trên 4.300 m đường bê tông, để có những con đường trãi rộng, xanh sạch đẹp nhân dân trong làng đã hiến đất của mình để xây dựng, điển hình như gia đình ông Phan Danh Hội thương binh ¼ đã hiến 600 m2 đất của gia đình để xây dựng đường bê tông.

Làng K130 hiện nay.
Làng K130 hiện nay.

Để ghi nhớ sự kiện ngày 13/8/1968, làng Hạ Lội đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định đặt tên là làng K130 và chiến dịch vận chuyển nhà cửa là chiến dịch K130. Ngày 29-5-2006, làng K130 được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia và được Nhà nước đầu tư kinh phí tu bổ một số hạng mục. Mới đây nhất, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng để lập dự án quy hoạch, khôi phục, khoanh vùng bảo vệ di tích làng K130.

Phượng Vũ