(Dân trí) - "Ông nhà tôi vừa mất ngày 1/6. Đây là số tiền phúng viếng sau khi lo hậu sự cho ông ấy. Đó cũng là mong muốn đóng góp cho việc nhân ái lúc cuối đời của ông nhà tôi", bà Thảo rưng rưng.
Những người đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng Covid-19 tại TPHCM có hoàn cảnh và câu chuyện khác nhau. Dù chỉ vài trăm nghìn hay hàng chục triệu đồng ủng hộ, họ đều chung mong muốn người dân có thể tiếp cận vắc xin sớm nhất, để đẩy lùi đại dịch Covid-19 đang hoành hành.
"Ông nhà tôi vừa mất ngày 1/6 vừa rồi. Đây là số tiền phúng điếu sau khi lo hậu sự cho ông ấy. Đó cũng là mong muốn đóng góp cho việc nhân ái lúc cuối đời của ông nhà tôi", bà Nguyễn Thị Thảo (77 tuổi, ngụ tại phường 6, quận 5, TPHCM), chia sẻ câu chuyện khi cùng con gái đến trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5, ủng hộ 81 triệu đồng vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19.
"Số tiền trên không phải lớn so với những tấm lòng hảo tâm khác. Tôi và gia đình vui vì dù ít, dù nhiều cũng được góp sức cùng xã hội. Mỗi ngày, thông tin về ca mắc ngày càng tăng, chỉ hy vọng đất nước mình sớm có vắc xin để đẩy lùi dịch bệnh, đồng bào mình đỡ vất vả", chị Lý (con gái bà Thảo) bày tỏ.
Sáng 7/6, ông Lê Tấn Tài, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5, tiếp nhận số tiền hơn 81 triệu đồng từ bà Nguyễn Thị Thảo (77 tuổi, cư ngụ tại phường 6, quận 5, TPHCM). Điều đặc biệt, số tiền này được trích ra từ khoản phúng điếu người chồng vừa mất của bà….
Ngày bà Thảo ủng hộ tiền cho Quỹ vắc xin phòng Covid-19 cũng vừa tròn một tuần chồng bà qua đời. Sáng hôm ấy, bà Thảo nhờ chị Lý (con gái lớn) đưa đến nơi nộp tiền ủng hộ.
"Do dịch Covid-19, gia đình quyết định không nhận tiền phúng điếu nhưng người thân, người quen vẫn gửi chia buồn. Hồi còn sống, bố tôi cũng khuyến khích các con cháu trong nhà làm những việc hảo tâm nên cả gia đình thống nhất với quyết định đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng Covid-19", chị Lý tâm sự.
Chị Lý cho biết bà Thảo mắc bệnh xương khớp, bệnh tim, không thể đi vững. Từ ngày chồng mất, những ảnh hưởng tâm lý càng khiến người già thêm ốm yếu. Sau khi chung tay cùng cộng đồng, tâm lý của bà Thảo dường như tốt hơn phần nào.
"Tôi có đóng góp được bao nhiêu đâu, có mấy trăm nghìn thôi à. Trên đài báo thấy các cơ quan họ ủng hộ cả tiền tỷ kìa", bà Đào Thị Sữa (sinh sống tại phường 15, quận 8, TPHCM) tỏ ra ái ngại khi được chúng tôi phỏng vấn về câu chuyện một người dân bình dị đóng góp tiền cho Quỹ vắc xin.
Sống cùng con gái tại căn nhà cấp 4 sâu bên trong con hẻm trên đường Mễ Cốc, bà Sữa tâm sự rằng mình may mắn khi được trải qua cuộc sống bình yên, an nhàn trong khi rất nhiều cán bộ chiến sĩ công an, quân đội, y bác sĩ đang căng sức chống dịch. Trong cuộc nói chuyện ngắn với Dân trí, bà nhiều lần bày tỏ sự xúc động khi nhắc lại nỗi vất vả của các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch mà bà xem được trên báo, đài hay tivi.
Người phụ nữ đã 70 tuổi nhớ lại lần đầu tiên bà đi đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng Covid-19. Một ngày trước đó, bà thấy Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi người dân chung tay cùng Nhà nước nên quyết tâm tham gia.
"Hôm đó tôi gọi chú xe ôm gần nhà đưa lên phường để ủng hộ. Chú bảo vệ tại phường lại chỉ tôi lên quận, rồi quận hướng dẫn tiếp tới Ủy ban MTTQ. Mà tôi nhớ đã dặn kỹ chú xe ôm đừng kể ai, kẻo người ta nghĩ mình kể công, nhưng không hiểu sao mọi người vẫn biết", bà Sữa bộc bạch.
Hôm ấy, khi nộp tiền ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19, bà nhớ ra mình chỉ có đúng một tờ tiền 500 ngàn đồng con gái cho để sử dụng khi cần. Người phụ nữ đã hỏi lại các cô chú có đưa lại 100 ngàn đồng để trả chú xe ôm được không. Những cán bộ làm công tác tại đó vừa vui, vừa cảm động trước sự chân thành của bà.
"Lúc về nhà, con gái tôi trêu: Người ta ủng hộ cả tiền tỷ mà mẹ ủng hộ có mấy trăm thôi à. Tôi mới nói lại, mình có bao nhiêu ủng hộ bấy nhiêu, có nhiều thì còn góp nữa. Nói vậy thôi, chứ nó cũng ủng hộ việc tôi làm, mấy hôm sau, nó lại cho tôi tiền để ủng hộ tiếp", bà Sữa cười.
Trong lần thứ 2 ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19, bà Sữa đóng góp cho quỹ 500 ngàn đồng. Bà chia sẻ lần này, bà cảm thấy vui hơn vì đã chuẩn bị đủ tiền đi xe ôm về, không giống lần trước.
Khi được chúng tôi chia sẻ về hình ảnh của lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch tại TPHCM, bà Sữa nghẹn ngào: "Đấy, còn nhiều người vất vả hơn mình, phải xa nhà làm ngày làm đêm. Mong con virus này sớm đi qua, các cô chú ngành y, người dân đều vất vả vì nó quá".
Nói về mong muốn của mình, bà Sữa hy vọng tất cả người dân đều được tiêm phòng vắc xin Covid-19 trong thời gian ngắn nhất. Đến hiện tại, bà vẫn trăn trở vì lần đóng góp đầu tiên, Quỹ vắc xin phòng Covid-19 thiếu đi 100 ngàn đồng vì bà không chuẩn bị kỹ từ trước.
"Tôi chỉ ở nhà, quanh quẩn con hẻm nên cũng không cần gì đến tiền nhiều. Tôi chẳng hứa trước sẽ đóng góp thêm, nhưng chắc chắn, có tiền tôi vẫn chung tay cùng mọi người", bà Sữa bày tỏ.
Từ đầu mùa dịch tới nay, TPHCM đã ghi nhận nhiều hình ảnh đẹp về sự nghĩa tình, lòng hảo tâm và chung tay quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19. Những gian hàng 0 đồng, những bếp ăn miễn phí, hàng nghìn tình nguyện viên xuất hiện giữa những điểm nóng của dịch bệnh.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, từ tháng 5 tới nay, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đã đăng ký ủng hộ hơn 2.000 tỷ đồng cho quỹ mua vắc xin phòng dịch Covid-19. Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố cũng tiếp nhận trên 12.000 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm.
Trong lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi toàn thể nhân dân đồng lòng cùng chống dịch. Theo ông, mỗi đóng góp đều có ý nghĩa cho sự an toàn hơn với bản thân, gia đình chúng ta, cho cộng đồng và cả xã hội.
"Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng đại dịch Covid-19", Thủ tướng xúc động nói.
Người đứng đầu Chính phủ xúc động khi nhắc tới hình ảnh những em bé dành tiền ăn sáng, những cụ già dành tiền lương hưu, những phụ nữ tiết kiệm chi tiêu và những công chức, viên chức dành một ngày lương để ủng hộ quỹ.
"Vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài và mang tính quyết định, chiến lược để thoát khỏi dịch Covid-19. Sự đồng lòng của người dân là chìa khóa để mở cánh cửa lớn, giúp chúng ta trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an toàn", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.