Chuyện chưa kể về ông bố nổi tiếng của Dương Tự Trọng
Sau bản án tử hình dành cho Dương Chí Dũng trong vụ Vinalines, Dương Tự Trọng cũng lĩnh mức án 18 năm vì giúp anh trai bỏ trốn. Đây gần như là dấu chấm hết cho gia đình họ Dương danh gia vọng tộc bậc nhất ở đất cảng Hải Phòng.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong, trước đây là Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân, nay là Tổng biên tập Báo Năng lượng Mới từng viết về người cha mẫu mực của Dương Tự Trọng – người đặt nền móng cho gia đình danh giá này.
“Khi nhắc đến tên Dương Tự Trọng, tôi nhớ đến một người, đó là Đại tá Dương Khắc Thụ, nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng vào những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỉ trước.
Ông có gương mặt đôn hậu, bản tính hiền lành, và nhiều khi tôi cứ tự hỏi rằng sao ông không làm nghề dạy học. Mặc dù không phải là người hoạt ngôn, và trong những cuộc đàm đạo, ông thường kiệm lời và lắng nghe người khác. Nhưng khi lên diễn đàn, hoặc chỉ đạo công tác ông lại khác hẳn: Sắc sảo, hóm hỉnh, hay ví von.
Tôi nhớ năm 1984, ông được Thành ủy Hải Phòng giao đi đôn đốc dân nộp thuế nông nghiệp và thóc nghĩa vụ ở huyện Vĩnh Bảo. Lúc ấy, tôi là phóng viên báo Công an nhân dân nên Phòng Công tác Chính trị Công an Hải Phòng xếp cho đi theo ông.
Tôi rất khâm phục khi thấy ông có thể ngồi xếp bằng tròn ở giữa sân nói chuyện với bà con nông dân. Ông đến những gia đình mà theo như cán bộ xã nói là họ chây ì không chịu nộp thóc nghĩa vụ để thuyết phục.
Rồi từ những cuộc gặp gỡ ấy, ông đã rút ra kết luận rằng người dân không chịu nộp thuế, không chịu thực hiện các nghĩa vụ về thóc, thực phẩm là do cán bộ quan liêu, không làm tốt công tác vận động quần chúng, mà đặc biệt là không giải thích cho bà con hiểu rõ rằng tại sao năm nay phải thu cao hơn năm trước.
Người nông dân vốn lao động vất vả, nhặt nhạnh từng hạt lúa, củ khoai để sống. Muốn để người ta nộp sản lượng thì phải nói cho rõ ràng. Và quan trọng là cán bộ chính quyền phải gương mẫu, nộp trước. Ông cũng rất phản ứng khi có xã đã xua dân quân, công an đi lục lọi các gia đình chưa nộp nghĩa vụ để tìm nơi dấu thóc.
Tôi nhớ ông đã chỉ mặt anh Đại úy Trưởng Công an huyện và nói như ra lệnh: “Tôi cấm anh đưa cảnh sát đi làm những việc như vậy. Ai thắc mắc, bảo hỏi tôi!”
Cũng vào những năm ấy, Hải Phòng nổi lên là một thành phố giàu có bậc nhất ở phía Bắc bởi hàng hóa do cánh thủy thủ tàu viễn dương mang về. Hồi đó, mua được một chiếc xe đạp Nhật hàng second-hand, một chiếc quạt máy Nhật là cả một ước mơ đối với rất nhiều gia đình. Trong bối cảnh nhộm nhoạm như vậy nên cũng có không ít cán bộ công an lợi dụng để làm giàu.
Mỗi lần phải xét kỷ luật những cán bộ, chiến sĩ công an vi phạm là ông Thụ đớn đau lắm. Ông bắt cấp dưới phải lật đi lật lại hồ sơ, tìm hiểu kĩ hoàn cảnh gia đình người vi phạm. Tôi nhớ có lần ông bảo với tôi rằng: “Mình làm cán bộ, tiêu chuẩn tháng được cả gần 2kg thịt. Còn anh em có gì đâu. Đói thì đầu gối phải bò… Phạt anh em thì dễ, nhưng để cứu anh em mới là khó”.
Chúng tôi xuống Hải Phòng công tác, mỗi bữa ăn phải nộp 250gr tem gạo. Và tới bữa, cũng xếp hàng lấy cơm như mọi người. Ông Dương Khắc Thụ lệnh cho nhà bếp cho chúng tôi được “ưu tiên”, nghĩa là được ăn cơm mà không phải… nộp tem gạo! Thời ấy, đó là một “đặc ân”.
Đúng thật, ngày ấy làm công an khổ lắm. Thế cho nên mới có chuyện có anh cảnh sát của Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hải Phòng, bị vợ bỏ với lý do là công an nghèo quá. Vợ đi lấy một gã làm công ty du lịch, bỏ lại con gái cho anh nuôi. Vậy là anh cảnh sát ngày đi bắt trộm cướp, tối về đi rửa bát thuê cho một quán cơm, đổi lại là anh và con được ăn một bữa no…
Chuyện anh cảnh sát đi rửa bát thuê, đã được nhà văn Nguyễn Khải lấy làm chi tiết chính trong một truyện ngắn nổi tiếng của ông và truyện đó được giải Nhất cuộc thi truyện ngắn mang tên Cây bút Vàng - ấy là truyện Đàn bà.
Bây giờ nói chuyện ấy, chẳng ai tin. Nhưng vào thời đó, cảnh ngộ như vậy đâu có hiếm. Là phóng viên báo Công an nhân dân, tôi từng đi viết điều tra về lính cảnh vệ phải đi bán kem ngoài Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảnh sát bảo vệ đi chạy xe ôm… Và nói đâu xa, chính tôi, cũng từng phải đi xây nhà thuê trong TP Hồ Chí Minh hoặc đi chụp ảnh thuê trên Đà Lạt để kiếm tiền tiếp tục đi công tác…
Có thể nói thời ông Dương Khắc Thụ làm giám đốc, Công an Hải Phòng luôn được đánh giá là đơn vị mạnh của công an toàn quốc. Một trong những mặt mạnh nhất của Công an Hải Phòng ngày ấy là đấu tranh chống tội phạm hình sự.
Thời đó, Hải Phòng là “đất dữ” nhất cả nước về tội phạm hình sự. Hầu hết những tên tội phạm hình sự khét tiếng đều là dân giang hồ ở chợ Sắt. Hầu như không mấy ngày thành phố không có tiếng súng của các băng nhóm thanh toán nhau, và tiếng súng của công an trấn áp bọn cướp. Rồi các vụ cướp xe hàng trên đường 5, cướp tàu hàng trên cảng…Thành phố Cảng luôn “ nóng rãy”.
Và trong suốt những năm từ 1982 đến 1986, ông Dương Khắc Thụ đã chỉ đạo các lực lượng công an của thành phố chiến đấu quyết liệt. Hình ảnh một vị Giám đốc Sở Nội vụ (ngày ấy, Bộ Công an bây giờ gọi là Bộ Nội vụ) người thấp, đậm, đêm hôm có mặt ở những phường, những địa bàn nóng là rất quen thuộc. Đội H88 – Săn bắt cướp của Cảnh sát Hình sự Hải Phòng ngày ấy nổi tiếng không kém gì SBC của Công an TP Hồ Chí Minh
Và trong gia đình có một người đã theo được nghiệp của ông - đó là Dương Tự Trọng.
Cuộc đời dâu bể khôn lường, không ai có thể nghĩ rằng một gia đình danh giá, với ông bố là cán bộ công an nổi tiếng, nay có 2 người con trai lại đều mắc vòng lao lý.
Nỗi đau này rất may là ông Dương Khắc Thụ không gánh chịu, bởi lẽ ông đã rất yếu, tai không nghe được gì và hầu như chỉ ở một chỗ. Gia đình giấu biệt tin tức, ông không hay về những người con, nhưng có một người đã phải gánh nỗi đau cho ông. Đó là người mẹ.
Thế mới biết để con cái không làm phiền lụy đến cha mẹ và để cho cha mẹ thanh thản nhắm mắt xuôi tay, thật là khó làm sao!”.
Theo N.N.P
Năng lượng mới