1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyện chưa kể về những anh hùng phá thuỷ lôi

Chuyện xảy ra đã 40 năm, nhưng đến nay nhiều người còn bị dằn vặt. Tất cả đều mong muốn được hậu thế đánh giá đúng giữa công và tội, ghi nhận những gì mà họ đã làm và mong làm sáng tỏ câu chuyện đã làm họ day dứt suốt mấy chục năm qua.

Chuyện chưa kể về những anh hùng phá thuỷ lôi

Phân đội phá lôi Lê Mã Lương năm xưa

Và hôm nay, trong những người đó có người đã về với tiên tổ, người mang trọng bệnh, những người còn lại thì tứ tán muôn phương.

Chuyện chưa kể về những anh hùng phá thuỷ lôi - 2
Gặp lại sau 40 năm.

Những thanh niên dũng cảm

Câu chuyện giữa những người chuyên rà phá thủy lôi năm xưa của Ty Bảo đảm hàng hải (BĐHH) lúc đầu diễn ra khá dè dặt. Ông Nguyễn Uyển - nguyên đội trưởng đội phá thủy lôi Lê Mã Lương của Ty BĐHH, hiện sống ở Hải Phòng - kể lại: “Năm 1972, tôi là Bí thư Đoàn Thanh niên của Ty BĐHH. Lúc đó, Mỹ điên cuồng phong tỏa cảng Hải Phòng bằng việc thả thủy lôi dày đặc. Trên bờ, bọn chúng ném bom các cầu cống, hủy diệt các nhà máy, công trình với âm mưu cô lập Hải Phòng, cô lập miền Bắc. Không nhận được hàng viện trợ, không có lương thực, vũ khí, nguyên liệu cho sản xuất, cho chiến trường, cả nước vô cùng khó khăn”. 

Trước yêu cầu cấp bách phải nhanh chóng thông luồng vào cảng, tháng 4/1972, Đảng ủy Ty BĐHH họp do Cục trưởng Cục Vận tải đường biển Lê Văn Kỳ chủ trì, bàn cách chống phong tỏa của đế quốc Mỹ. Yêu cầu lúc đó là phải có một đơn vị đặc biệt đủ mạnh như một quả đấm thép, để thực hiện nhiệm vụ trên. Và phân đội phá lôi mang tên Lê Mã Lương chính thức được ra đời ngày 19/5/1972 với 22 thành viên, tuyển chọn từ gần 300 đoàn viên thanh niên tình nguyện. Sau này, đội có 5 tàu với 34 thành viên. 

Ông Nguyễn Xuân Tám - năm nay 73 tuổi, hiện sống tại Hà Nội, nguyên là kỹ sư, phân đội phó phụ trách kỹ thuật của đội Lê Mã Lương - nhớ lại: Đội chỉ có 4 đảng viên, một nửa là đoàn viên, còn lại là thanh niên “chậm tiến”. Thế nhưng, phân đội trưởng Uyển và phân đội phó Tám đã nhận ra “chất” của những người này là rất dũng cảm, sẵn sàng quyết tử trên trận tuyến phá lôi.     

Những người của BĐHH đã tìm ra được con đường riêng trên biển mang tên Việt Trung, nối Hải Phòng với cảng Phòng Thành (Trung Quốc) theo ký hiệu là các vạch vôi. Tàu đi bằng trí nhớ, không đèn báo hiệu, không phao luồng – một sáng tạo độc đáo của người BĐHH.

Không những thế, phân đội Lê Mã Lương còn tạo ra hình thức phá thủy lôi rất hiệu quả bằng thuyền gỗ. Thuyền gỗ khắc phục được những nhược điểm của tàu sắt là gọn nhẹ nên có thể giả làm tàu đánh cá để phá thủy lôi vào ban ngày, tránh sự nhòm ngó của máy bay Mỹ.

Thuyền nhẹ nên có thể ra vào những hang, ngách nhỏ, mớn nước nông. Thuyền được trang bị cuộn từ hạ thấp để phóng từ, cách xa từ 50 – 70m, vừa hiệu quả, vừa an toàn. Từ chiếc thuyền gỗ này, phân đội Lê Mã Lương đã giải phóng được nhiều luồng lạch, ngư trường, để ngư dân đánh cá. Phân đội cũng giải phóng cả luồng vào của đoàn bộ cảng hải quân vào tháng 10/1972... 

Nỗi day dứt 


Mặc dù thời gian hoạt động không dài, nhưng với nhiều chiến công đội lập được vang dội, lẫy lừng, phân đội Lê Mã Lương đã được tặng thưởng huân chương chiến công cho tập thể phân đội. Sau khi Hiệp định Pari ngừng bắn, nhiệm vụ thông luồng cho cảng Hải Phòng hoàn thành, phân đội cũng đã cung cấp nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng về tính năng của từng loại thủy lôi (MK42, MK52) để các nhà khoa học nghiên cứu, chế tạo ra phương tiện phá thủy lôi mới. Tháng 1/1973, phân đội được Ty BĐHH (Bộ GTVT) đề nghị lên Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND, chỉ chờ Chủ tịch Nước ký thì xảy ra sự kiện Ninh Cơ. 

Lúc đó, đội đang làm nhiệm vụ rà phá thủy lôi từ sông Gianh (Quảng Bình) trở ra Bắc. Đến gần tết âm lịch năm đó, 5 tàu của phân đội được lệnh hành quân ra Hải Phòng. Trên đường ra, đoàn đã vớt được một số bao gạo trôi trên biển. Số gạo này hầu hết đã bị mục do ngâm nước biển lâu ngày.

Khi đoàn về đến cống Ninh Cơ (Nam Định) đã 30 tết. Tại đây, đoàn phá được 4 quả thủy lôi, được lãnh đạo xã Nghĩa Hưng tặng quà tết là 2 cây thuốc lá Điện Biên, 6 gói trà Hồng Đào. Do xác định về Hải Phòng cũng không kịp trước giao thừa, nên lãnh đạo đội quyết định dừng tại cống Ninh Cơ để một số anh em gần đó về thăm nhà, đồng thời cho anh em trên tàu nghỉ tết.

Đội trưởng Uyển ngậm ngùi: “Lúc đó, lương thực trên tàu chẳng còn gì, anh em lại đông, nên lãnh đạo đội đã quyết định đổi một số bao gạo vớt được cho bà con chăn nuôi, để đổi lấy thực phẩm cho anh em ăn tết. Không ngờ việc này đã làm hại cả phân đội sau này”. 

Mùng 2 tết, đoàn về đến Hải Phòng. Đích thân Cục trưởng Cục Vận tải đường biển Lê Văn Kỳ cùng trưởng, phó Ty BĐHH ra tận cầu tàu đón. Tất cả được đưa lên ôtô về nhà khách thành phố dự tiệc đón tiếp rất long trọng. Mỗi người còn được tặng một bao thuốc lá cao cấp Trung Hoa Bài làm quà tết và được phép về thăm nhà. 

Lúc đó, những đội viên của phân đội Lê Mã Lương được đón tiếp như những anh hùng. Nhưng chỉ ngày hôm sau (mùng 3 tết), Cục Vận tải đường biển nhận được tin ở cống Ninh Cơ vẫn còn thủy lôi nổ, yêu cầu lực lượng vào rà phá lại. Do phân đội Lê Mã Lương mới về, nên Ty BĐHH cử đội Quyết Thắng vào tiếp quản. Khi đội đến nơi, mấy người dân ở khu vực thấy con tàu hôm trước nên xuống hỏi mua gạo. Thế là mọi chuyện vỡ lở. Phân đội bị nghi vi phạm kỷ luật chiến trường.

Ty BĐHH phải cử người vào xác minh vụ việc. Kết luận sau đó là phân đội chỉ đổi gạo hẩm lấy thực phẩm cho anh em ăn tết, chứ không phải bán. Nhưng lúc đó phân đội vẫn bị kết luận vi phạm kỷ luật. 

Những người đang ở cương vị anh hùng bỗng bị chuyển xuống tội đồ chỉ trong nháy mắt. Danh hiệu AHLLVTND đang nằm trên bàn Chủ tịch Nước chờ ký để phong tặng cho phân đội cũng bị dừng lại cho đến tận bây giờ. Lãnh đạo đội phải làm kiểm điểm nhiều lần.

Có cả những ý kiến đòi khai trừ Đảng đối với đội trưởng Nguyễn Uyển. Cuối cùng, đội trưởng Uyển bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo, phải đứng trước Đảng bộ cơ quan xin lỗi, nhận khuyết điểm. Đây cũng là dấu chấm hết cho đội phá lôi Lê Mã Lương (!).

“Sau ngày đó, anh em tứ tán khắp nơi. Bản thân tôi sau này vẫn bị đơn tố cáo, dù đơn vị về xác minh chẳng tìm ra chứng cứ nào” - ông Uyển kể.  

Xứng đáng là một tập thể anh hùng


Nguyên Cục trưởng Cục Vận tải đường biển Lê Văn Kỳ - người cha tinh thần của đội Lê Mã Lương - nói: “Phân đội Lê Mã Lương là một tập thể ưu tú, không sợ hy sinh nguy hiểm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phá lôi chống phong toả. Nhưng lúc xảy ra sự việc, anh em ở dưới Ty BĐHH xử lý, tôi cũng không can thiệp nổi. Chỉ vì mấy bao gạo hẩm mà công lao của anh em đã không được ghi nhận, đã làm tôi rất buồn!”.

Còn ông Vũ Long Vân - nguyên Phó Ty BĐHH - sau này cũng nhận định: “Phân đội không vi phạm về lương thực trong chiến tranh, đó là “sự đố kỵ...” và khẳng định toàn phân đội xứng đáng là một tập thể anh hùng.

Hôm nay - sau 40 năm - những thành viên năm xưa của phân đội phá lôi Lê Mã Lương lại tụ họp tại Hải Phòng. Nhiều người trong số họ đã không còn. Đội trưởng Nguyễn Uyển đang điều trị tại Bệnh viện K.

Mới tuần trước đó, đội phó Phạm Văn Ngọ đã mất. Tất cả đều không được hưởng chế độ gì, không một bằng khen, không tấm huy chương, dù nhiều người trong số họ đã bỏ phần xương máu cho nhiệm vụ chống phong tỏa.

Và quan trọng hơn, điều mà họ mong muốn là được ghi nhận công lao một cách chính đáng những gì họ đã làm cho cuộc chiến chống Mỹ.

Theo Hoàng Hoan
Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm