DNews

Chuyện chưa kể về đêm chạy lụt lịch sử của dân bãi giữa sông Hồng

Ngọc Tân

(Dân trí) - Khi lũ trên sông Hồng lại cuồn cuộn đổ về, cả xóm phao í ới gọi nhau chạy lụt. Nước sông dâng nhanh, tràn vào cái vũng tù nơi hơn 20 căn nhà phao đang neo đậu và khoảng chục căn lều dựng sát mép nước.

Chuyện chưa kể về đêm chạy lụt lịch sử của dân bãi giữa sông Hồng

Chắc chắn rằng Mía - cô con gái 5 tháng tuổi - đã được người nhà bế đi trước, Hiền mới lội bì bõm trở lại căn lều xập xệ của mình dưới chân cầu Long Biên.

Cô đảo mắt một lượt nhìn đồ đạc trong phòng. Giường cũi, ghế ăn dặm, tủ nhựa đựng bỉm sữa... đang ngập trong nước phù sa. Người mẹ trẻ vơ vội tấm giấy khai sinh của con rồi dò dẫm chạy ngược về phía chân cầu.

Khi đó là 23h30 đêm 8/9, vài tiếng đồng hồ trước khi lũ sông Hồng nhấn chìm bãi giữa.

Hai lần tháo chạy

Ngày 7/9, bão Yagi quét qua Hà Nội với sức gió khủng khiếp. Cả xóm bãi giữa với 45 hộ dân dưới chân cầu Long Biên phải đi sơ tán.

"Anh Dũng công an khu vực xuống hỏi thăm và nhắc nhở, trẻ con với các cụ già phải đi hết. Có gia đình ông Thành bà Thủy sức yếu muốn ở lại giữ nhà, phường họ cũng đưa thẳng đi luôn", ông Nguyễn Đăng Được, trưởng xóm, kể lại với phóng viên.

Chuyện chưa kể về đêm chạy lụt lịch sử của dân bãi giữa sông Hồng - 1

Xóm phao tại bãi giữa sông Hồng, gần chân cầu Long Biên (Ảnh: Ngọc Tân).

Hôm đó, Trần Thu Hiền (26 tuổi, cư dân bãi giữa) cùng chồng và con gái trú bão trong căn nhà tôn của một hộ kinh doanh hải sản phía sau chợ Long Biên.

Căn nhà sau chợ kiên cố hơn cái lều của 2 vợ chồng ở bãi giữa, nhưng vẫn nằm ngoài đê, gần một con rạch đen ngòm, vẫn thuộc cái không gian lúp xúp tạm bợ ngoài rìa thành phố. Đêm bão, Hiền ôm con nghe gió quật mái tôn, nghĩ về căn lều tuềnh toàng của mình.

Sáng 8/9, bão tan. 2 vợ chồng cùng hàng xóm chạy về nhà kiểm đếm thiệt hại. Từ trên cầu Long Biên, họ đã thấy cây cối ở bãi giữa bị quật nghiêng ngả, cả vườn chuối đổ rạp về một hướng.

Xuống đến xóm phao, họ gặp vài thanh niên khỏe mạnh được cắt cử ở lại từ trước bão để trông nom tài sản. Vài căn nhà phao bị bung vách, trôi thùng phuy, tấm năng lượng mặt trời trên mái bay tứ tán. Căn lều của vợ chồng Hiền ở trên bờ cũng xiêu vẹo. Cả xóm tự an ủi nhau vì bão to không làm chết người.

Chuyện chưa kể về đêm chạy lụt lịch sử của dân bãi giữa sông Hồng - 2

Hiền và Mía - cô con gái 5 tháng tuổi (Ảnh: Ngọc Tân).

Chiều hôm đó, Tuấn (28 tuổi, chồng Hiền) quay lại chợ Long Biên làm việc. Hiền và Mía ở nhà. Ông ngoại Mía căng thêm tấm bạt trên nóc lều để mưa đỡ hắt.

Sau cơn bão dữ, cư dân trong phố bước ra khỏi những căn nhà kiên cố và thở phào. Có người tươi cười chụp ảnh bên những thân cây đổ ngổn ngang. 

Dân bãi giữa thì không được phút yêu đời như vậy. Họ còn chưa kịp chằng néo lại căn lều cho hẳn hoi thì lũ trên sông Hồng lại cuồn cuộn đổ về.

Tối 8/9, cả xóm phao í ới gọi nhau chạy lụt. Nước sông dâng nhanh, tràn vào cái vũng tù nơi hơn 20 căn nhà phao đang neo đậu và khoảng chục căn lều dựng sát mép nước. Suốt 2-3 ngày, nước chỉ một đà dâng. Tới ngày 12/9 thì chạm tới ngọn cây già trong xóm.

Chuyện chưa kể về đêm chạy lụt lịch sử của dân bãi giữa sông Hồng - 3

Căn nhà của Hiền chỉ hơi xiêu vẹo sau bão, nhưng đã đổ sập sau trận lụt (Ảnh: Ngọc Tân).

Tuấn không thể bỏ dở ca làm để về. Hiền một mình xoay xở chạy lũ. Cô nhờ người chị ôm con gái chạy trước, còn mình chạy vào lều vơ vội vài bộ quần áo và giấy tờ khai sinh của con.  

Lần này, khu nhà tôn phía sau chợ Long Biên cũng không thể tá túc được nữa. Mấy gia đình ở xóm góp tiền thuê nhà nghỉ để ngủ trong đêm đầu tiên chạy lụt. 

Sáng sớm 9/9, Tuấn kết thúc ca làm việc thâu đêm ở chợ Long Biên. Biết vợ con đã chạy lụt đến nơi an toàn, anh phóng xe máy về xóm để mong lấy được chiếc ví còn cất trong tủ.

Nước sông Hồng khi đó đã cao ngập vườn chuối. Tuấn vừa bám dây cáp điện vừa bơi về phía căn lều của mình. Lóp ngóp 2 tiếng mới tới nơi, anh nhận ra cả căn lều đã chìm dưới nước. Xung quanh, chủ các nhà phao đang hối hả nới dây neo để căn nhà kịp nổi theo đà nước lên.

Chuyện chưa kể về đêm chạy lụt lịch sử của dân bãi giữa sông Hồng - 4

Cư dân bãi giữa sông Hồng là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên khi nước lũ uy hiếp thủ đô Hà Nội (Đồ họa: Ngọc Tân).

Chuỗi ngày ăn nhờ ở đậu

Khi nước lụt ập đến xóm bãi giữa, những căn nhà phao đã cho thấy sức chống chịu kiên cường. Tuy vậy, nhiều tài sản quan trọng để duy trì sinh hoạt như thùng lọc nước, máy nổ, bình điện... đã hư hỏng hoặc bị lũ cuốn trôi.

"Nhà cửa hư hỏng, nước sạch không có, điện không có, dân xóm vẫn đang ở nhờ mấy nơi", ông Được nói và cho biết Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children's Foundation) đang chi trả tiền thuê nhà nghỉ cho cư dân xóm phao ở tạm tại Nghi Tàm và Đầm Trấu.

Chuyện chưa kể về đêm chạy lụt lịch sử của dân bãi giữa sông Hồng - 5

Cư dân xóm bãi giữa gồm người già và trẻ nhỏ vẫn đang ở tạm trong nhà nghỉ (Ảnh: Ngọc Tân).

Cuộc di tản lần 2 của người dân bãi giữa tưởng chỉ ít hôm, nhưng đã kéo dài gần 2 tuần.

Mãi đến hôm nước rút, Tuấn mới tiếp cận được căn lều của mình. Nó bị đổ sập, bên trong đầy bùn. Chiếc tủ nhựa đựng ví tiền trôi đi đâu mất. Đến khi bước xuống căn nhà phao của hàng xóm, anh mới thấy xác tủ lập lờ trên mặt nước, có sợi dây neo tạm vào bờ. Đồ đạc trong tủ đã bị cuốn trôi. 

"Có mấy bộ quần áo mới mua cho Mía, chưa kịp mặc, cả cái xoong quấy bột mới, giờ ngập dưới bùn hết rồi", ông bố trẻ than thở. Chiếc ví chứa giấy tờ tùy thân của anh và 3 triệu đồng "dự phòng" của 2 vợ chồng cũng trôi theo nước lũ.

Chuyện chưa kể về đêm chạy lụt lịch sử của dân bãi giữa sông Hồng - 6
Chuyện chưa kể về đêm chạy lụt lịch sử của dân bãi giữa sông Hồng - 7
Chuyện chưa kể về đêm chạy lụt lịch sử của dân bãi giữa sông Hồng - 8
Chuyện chưa kể về đêm chạy lụt lịch sử của dân bãi giữa sông Hồng - 9
Chuyện chưa kể về đêm chạy lụt lịch sử của dân bãi giữa sông Hồng - 10

Trong một nhà nghỉ tại Nghi Tàm, bà Nguyễn Thị Hồng ngồi ủ ê cùng mấy người hàng xóm. Sau bão, căn nhà phao của bà bị gió giật tốc mái, đứt neo, trông xập xệ như ổ chuột.

Đã hơn 10 ngày nay, họ tá túc tạm bợ và ăn cơm hộp do các nhóm thiện nguyện chuyển đến. "Nấu kiểu gì? Bếp ở đâu nữa mà nấu? Bếp dưới đống bùn kia kìa", bà than thở.

Với chiếc xe máy cũ, bà Hồng cứ chạy đi chạy về giữa Nghi Tàm và bãi giữa. Phần để trông nom tài sản còn sót lại, phần để nhận cơm từ thiện và nghe ngóng về các chương trình cứu trợ.

Chuyện chưa kể về đêm chạy lụt lịch sử của dân bãi giữa sông Hồng - 11

Căn nhà phao của bà Hồng bị đứt neo, tốc mái (Ảnh: Ngọc Tân).

Theo ông Được, mỗi căn nhà phao 30m2 xây mới cũng phải tốn cả trăm triệu đồng. "Chúng tôi vẫn đang chạy ăn từng bữa, chứ nghĩ đến chuyện làm lại nhà thì bất lực", vị trưởng xóm nói.

Từ xóm ngụ cư bãi giữa đến trụ sở chính quyền thành phố Hà Nội là 2km đường chim bay. Sự tồn tại của cộng đồng ở đây suốt 3 thập niên qua phản ánh cái nghèo khó và bất bình đẳng vẫn còn đó giữa lòng thành phố.

Trong thiên tai, người nghèo chịu thiệt hại nhiều hơn. Họ có ít nguồn lực hơn để khắc phục hậu quả và tốn nhiều thời gian hơn để quay về cuộc sống bình thường. Như gia đình Hiền, người chồng trẻ phải đánh đổi giữa công việc mưu sinh với trách nhiệm lo cho vợ con khi nước lũ ập đến.

Giấc mơ làm người Hà Nội

Hiền vốn là dân gốc ở phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng). Sau một biến cố, cả nhà cô phải dắt nhau ra bãi giữa khi cô mới 4 tuổi. Lớn lên ngoài bãi, Hiền chỉ học hết lớp 5. Đến 12 tuổi, cô đã đi bán trà chanh, chạy việc trong phố để phụ kinh tế cho bố mẹ.

Gia đình Hiền cũng từng có một căn nhà phao. Năm cô 18 tuổi, bố mẹ bán cái nhà phao được 30 triệu rồi gom góp để lo cho cô đầy đủ giấy tờ hộ tịch, chứng minh thư, giấy khai sinh... Đời cô từ lúc có giấy tờ mới bớt khổ hơn, từ xin việc, ký hợp đồng lao động đến làm đám cưới.

Chuyện chưa kể về đêm chạy lụt lịch sử của dân bãi giữa sông Hồng - 12

Vợ chồng Hiền tá túc trong căn nhà phao của hàng xóm, ăn cơm hộp do nhóm thiện nguyện gửi tặng (Tuấn đội mũ, đeo dây chuyền) (Ảnh: Ngọc Tân).

Trong cơn lũ dữ, nỗi ám ảnh lớn nhất với Hiền không phải là mất tài sản, mà là mất tờ giấy khai sinh của con gái. Từ nỗi khổ đời mình, mong mỏi lớn nhất của cô là thế hệ tương lai có tư cách làm người thủ đô, được chính quyền thừa nhận về mặt hộ tịch.

"Cố gắng dành dụm mới lo được cho Mía tờ giấy khai sinh và hộ khẩu. Ít nhất là sau này con cũng không bị các bạn bảo nhà quê, hay phân biệt thành phố hay nông thôn", Hiền tâm sự.

Ngoài tổ chức Trẻ em Rồng Xanh, một số nhóm thiện nguyện cũng bắt đầu xuống bãi giữa để hỗ trợ các hộ dân chịu thiệt hại. Đôi mắt Hiền ánh lên niềm vui khi nhận một bịch bỉm và thùng cháo tươi từ nhóm cứu trợ.

Chuyện chưa kể về đêm chạy lụt lịch sử của dân bãi giữa sông Hồng - 13

Người dân bãi giữa lập danh sách hộ dân để phân phối hàng cứu trợ (Ảnh: Ngọc Tân).

Ở bãi giữa, nhiều người 70-80 tuổi vẫn sống mà không có giấy tờ tùy thân. Họ là người già nhất của gia đình 3 thế hệ. Không ai muốn cái vòng nghèo đói và vô danh tính tiếp tục lặp lại với những đứa cháu của mình.

"Xóm có 112 nhân khẩu, quá nửa không có giấy tờ hộ tịch gì. Mấy năm gần đây cố gắng lắm mới lo được giấy khai sinh cho lũ trẻ con, để chúng nó đi học thoát mù chữ", ông Được kể về cái xóm nghèo của mình.

Hàng ngày, dân trong xóm đi làm thuê ở chợ đầu mối, đi nhặt đồng nát hoặc làm thuê trong phố. Hết ngày, họ đi xuống chiếc cầu thang sắt nối với cầu Long Biên để trở về nhà.

Đời ai cũng trầm luân ít nhiều, phiêu bạt giang hồ tứ chiếng. Nói như bà Hồng, một người gốc Hà Tây cũ, "Ai cũng có quê để gọi, nhưng không còn quê để về".

Đến khi tụ lại thành chòm xóm, họ biết sống hòa thuận và đùm bọc nhau. "Nếu không tan hoang vì bão thì ở đây vui lắm anh ạ", Hiền nói trong lúc dỗ con ngủ tại căn nhà phao của người hàng xóm.

Trung thu năm ngoái, đoàn múa lân đến xóm góp vui cho trẻ con. Trung thu năm nay thì không. Đường vào xóm cũng vừa phải dọn mất 2 ngày mới hết lầy lội.

Người dân bãi giữa không xây lên những khối bê tông khổng lồ, không ẩn mình trong phòng máy lạnh. Cộng đồng này không phát thải nhiều, nhưng đang phải hứng chịu những sự biến đổi cực đoan của thời tiết thủ đô.

Những ngày hè nắng nóng kỷ lục, những mùa đông lạnh thấu xương, và vừa qua là mùa lụt kinh hoàng phá tan nơi ở của họ.

Khoảng 30 năm qua, xóm bãi giữa sông Hồng là nơi nhiều người lao động vô gia cư tìm đến. Chính quyền không cho xây dựng trên đất bãi, họ dành dụm tiền xây những căn nhà nổi trên mép sông.

Nhà được thiết kế đơn giản, gồm vài chục thùng phi bằng sắt hoặc nhựa kết lại làm sàn nổi, phía trên dựng vách tôn hoặc vá víu bằng ván gỗ, bạt thừa... 

Một số hộ không có điều kiện xây nhà phao thì thuê đất nông nghiệp của dân bản địa rồi dựng tạm căn lều trên bãi. Ở lều nóng hơn, nhiều rắn rết và quan trọng là không thể thích ứng khi nước lũ về.

Nhà nào cũng có bình ắc quy để chạy quạt và bóng đèn, sạc bình bằng tấm năng lượng mặt trời gắn trên nóc. Người dân đào giếng khoan, hút nước từ giếng bằng máy bơm cắm điện máy nổ. Nước từ giếng lên vẫn đục, phải lọc qua mấy lớp cát sỏi mới có thể nấu ăn, tắm giặt.