Chuyện chưa kể về cô gái 9X làm "mẹ đỡ đầu" của 1.500 chó, mèo hoang
(Dân trí) - Trong 7 năm qua, Uyên Như đã cứu hộ và cưu mang 1.500 chó, mèo hoang. Trong thời điểm dịch Covid-19 vừa qua, vợ chồng cô đón về nuôi hơn 100 chó, mèo.
Trên gương mặt rạng rỡ, luôn nở nụ cười của Trần Uyên Như (sinh năm 1991, quận 6, TPHCM) có một vết sẹo kéo dài từ khóe miệng xuống cằm. Vết sẹo dù đã mờ dần theo thời gian nhưng không khó để nhận ra.
Cuối năm 2020, trong lúc chăm sóc và làm quen với một chú chó hoang mới nhận về, Uyên Như bất ngờ bị cắn. Tai nạn này khiến cô gái gặp chấn thương cơ hàm, rách miếng da lớn trên mặt và thậm chí suýt chút nữa bị hoại tử.
"Khi ấy, bác sĩ có hỏi mình sẽ làm gì với Chang (tên chú chó). Mình nói mình vẫn sẽ nuôi bé khiến cho bác sĩ rất ngạc nhiên. Nhưng mình nghĩ, bé cắn mình là lỗi do mình không cẩn thận, vội vàng tiếp cận khiến bé hoảng hốt", Như chia sẻ.
Khi tai nạn xảy ra, Như và bạn trai (giờ là ông xã) lén giấu gia đình, tự đi viện điều trị. Cô phải khâu 38 mũi và mất thời gian dài để hồi phục. Nhưng ngay khi từ viện trở về, Như lại đến thăm Chang, an ủi, dỗ dành chú chó nhỏ.
"Bất cứ bạn tình nguyện viên nào làm công tác cứu trợ chó mèo hoang đều bị chó cắn, mèo cào đôi ba lần, thậm chí nhiều lần. Nhưng không vì thế mà mình hay các bạn muốn dừng việc chăm sóc tụi nhỏ", Như nói.
Một ngày bận rộn
Khi bắt đầu ngày mới, thay vì sửa soạn cá nhân, ăn bữa sáng, Như xắn tay áo dọn dẹp trạm cứu hộ chó mèo tại quận 6 - cũng là ngôi nhà vợ chồng cô đang sinh sống. Cô gái 30 tuổi cẩn thận cho "tụi nhỏ" ăn sáng.
Chăm sóc cho 50 - 60 chú chó, mèo xong, Như mới an tâm làm việc. Vợ chồng Như hiện đang phụ gia đình 2 bên kinh doanh quán ăn, cà phê, mở studio chụp ảnh cưới, và bán đồ cho thú cưng. Công việc bận rộn nhưng vừa tới giờ trưa, Như lại bàn giao công việc, lên xe máy, tới trạm cứu hộ ở huyện Bình Chánh - nơi có khoảng 350 chú chó, mèo hoang cùng một số động vật khác như chim, rùa, thỏ… đang sinh sống.
Cách đây 7 năm, trong một lần cùng bạn trai đi cứu hộ chú chó bị bỏ rơi ở đại lộ Đông Tây, Uyên Như đã bật khóc khi nhìn thấy chú chó này bị rút toàn bộ răng, cắt hàm, còn tai và đuôi thì bị cắt cụt. Sau đó, Uyên Như đã tham gia vào một đội cứu hộ chó mèo ở TPHCM, giúp đỡ những động vật bị bỏ rơi, buôn bán tại các lò mổ. Lâu dần, khi các thành viên vì nhiều lí do khác nhau mà tạm dừng công việc, Uyên Như vẫn kiên trì ở lại, tự tay chăm sóc, dọn dẹp, nuôi "tụi nhỏ".
Suốt 3 năm đầu, Uyên Như âm thầm làm, giấu kín vì sợ cha mẹ lo. Nhiều lần, cô lén cùng nhóm đi tận Cà Mau, Bình Thuận cứu hộ chó, mèo hoặc trốn nhà đi đón chó, mèo giữa đêm. Đến khi vô tình nhìn thấy con gái trên tivi, cha mẹ cô sốc lắm. Nhìn cô con gái mới ngoài 20 tuổi ngày đêm bận bịu chăm sóc hàng trăm chú chó, mèo hoang, có khi , trở về nhà với những vết thương do chó cắn, cha mẹ Như phản đối gay gắt.
Nhưng sau đó, mình mời cha mẹ đến trạm. Tận mắt chứng kiến nhiều bé bệnh tật, gãy chân tay, cơ thể thoi thóp, ba mẹ mình thương lắm, không nỡ ép mình bỏ rơi tụi nhỏ. Ba mẹ lặng lẽ theo dõi hành trình của mình. Nhìn tụi nhỏ khỏe mạnh dần, ba mẹ rất vui rồi từ khi nào không hay, cha mẹ ủng hộ mình", Như chia sẻ.
Đến nay, Uyên Như đã cứu hộ cho khoảng 1.500 chó, mèo. Hiện tại, trạm Cứu hộ Sài Gòn Time của cô đang cưu mang 350 "bé" chó, mèo và một số loại động vật khác. Khi đón các bé về, nếu bé nào bị thương, bệnh nặng, Như gửi tới bác sĩ để điều trị. Các bệnh ngoài da đơn giản, vợ chồng Như và các tình nguyện viên tại trạm sẽ trực tiếp chữa trị. Mỗi chó, mèo tại trạm đều có tên riêng - cái tên gắn liền với đặc điểm hay quê quán của chúng, ví dụ: chú chó tật nguyền không di chuyển được có tên là Đá; một chú chó được cứu hộ ở Nhà Bè, cầu Tắc Bến Rô nên có tên là Rô,...
Những chú chó, mèo khỏe mạnh có thể được những gia đình yêu động vật nhận về nuôi, chăm sóc. Những bé bị thương tật, ốm yếu, Uyên Như và tình nguyện viên tại trạm trực tiếp chăm sóc, cưu mang.
Hoãn đám cưới, bán nhẫn cưới… để chăm "tụi nhỏ"
Hiện, để chăm sóc cho "đàn con", ngoài nuôi tại nhà riêng, vợ chồng Như còn thuê một căn nhà rộng 550m2 tại Bình Chánh với mức giá 18 triệu đồng/tháng để xây dựng khu điều trị, khu vui chơi, tắm nắng… cho các bé.
Như cho biết, đây là địa điểm thứ 10 cô thuê trong mấy năm qua. Có những nơi, hàng xóm không yêu thích động vật nên kêu ca, phàn nàn, thậm chí còn chỉ trích vợ chồng Như là "điên", "thừa tiền", "lo thân không lo còn đi lo cho chó"... "Nhưng vợ chồng mình cũng lẳng lặng làm việc, không thể nói lại được với họ. Khu đất lần này mình chuyển tới khá rộng rãi. Hàng xóm xung quanh lại rất yêu động vật. Cô chú thường xuyên mang rau, củ quả sang cho tụi nhỏ", Như chia sẻ.
Như tính toán, mỗi tháng, chi phí để chăm sóc 350 bé vào khoảng 80 triệu đến 100 triệu đồng, chưa kể chi phí thú ý nếu không may chúng bị bệnh.
"Để duy trì nguồn lực tài chính chăm sóc tụi nhỏ, vợ chồng mình làm nhiều công việc một lúc, vừa mở studio, kinh doanh đồ thú cưng, vừa phụ cha mẹ, cô chú kinh doanh quán ăn…", Như tâm sự. Cô cũng thừa nhận, có thời điểm cô phải đi vay mượn bạn bè tiền để duy trì hoạt động trạm cứu hộ.
Thậm chí đầu năm 2017, khi vợ chồng Như đang chuẩn bị cho đám cưới thì những chú chó ở trạm đồng loạt bị tiêu chảy ra máu. Kinh phí chữa trị cho 40 chú chó lên tới 100 triệu đồng. Lúc đó, chính anh Khánh - chồng Như đề nghị dùng số tiền chuẩn bị đám cưới để cứu chữa cho 40 chú chó, còn đám cưới thì hoãn lại sau.
Lần khác, do gặp khó khăn, hai vợ chồng cùng bán nhẫn cưới để lấy tiền chữa bệnh, chăm sóc cho chó, mèo trong trạm.
"Mình từng rơi vào stress vì quá áp lực. Từ ngày yêu nhau, vợ chồng mình đã hiếm khi đi chơi, càng không thể đi du lịch đó đây vì không an tâm gửi gắm tụi nhỏ cho ai. Hai vợ chồng cứ làm việc rồi chăm chút, lo toan cho trạm cứu hộ", Uyên Như chia sẻ. Thật may, bên cạnh Như có sự động viên của hai bên gia đình, có sự đồng hành của các bạn tình nguyện viên của trạm và sự động viên từ xa về cả tinh thần và nguồn lực của rất nhiều người yêu động vật.
"Khi mình chia sẻ trước truyền thông về việc hai vợ chồng mình sẵn sàng không sinh con để chăm tụi nhỏ, nhiều người xúc động nhưng cũng không ít người chỉ trích, dèm pha, nói mình bất hiếu. Nhưng đó là quan điểm của vợ chồng mình và cha mẹ hai bên cũng không ép uổng. Cả gia đình đều mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho tụi nhỏ. Khi nào có thể lo ổn định cho tụi nhỏ, và áng chừng có thể chăm sóc tốt cho cả con và tụi nhỏ thì mình sẽ sinh con", Như tâm sự.
Khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, TPHCM thực hiện chỉ thị 16 nghiêm ngặt là thời điểm rất khó khăn với Như. Việc kinh doanh quán ăn, studio của gia đình đình trệ, việc buôn bán đồ dùng cho thú cưng cũng hạn chế do chỉ có thể bán online trong địa bàn quận. Thêm nữa, vợ chồng Như không thể đi đi lại lại giữa hai trạm cứu hộ. Như lo lắng đến stress. Cuối cùng, cả 2 vợ chồng quyết định chia nhau: một người ở nhà - tức trạm quận 6 để chăm nom, một người sẽ túc trực 24/24 tại Bình Chánh.
"Thời điểm Covid-19 diễn ra là một quãng thời gian khá khó khăn với mình. Trong thời gian ấy, nếu không có sự hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân, những người yêu thương chó, mèo từ khắp nơi thì mình không thể chăm sóc tốt cho tụi nhỏ", Như tâm sự. Cô cho biết, có những bạn học sinh, sinh viên, đều đặn mỗi tháng gửi tới cô 10 ngàn, 20 ngàn, 50 ngàn để lo cho tụi nhỏ; cũng có những cô bác dành tiền lương hưu để gửi tới.
Riêng thời điểm dịch Covid-19, Như đã tiếp nhận cứu trợ và chăm sóc cho hơn 100 chú chó mèo. Nhiều chủ nhân do nhiễm Covid-19 phải đi cách ly, không thể chăm sóc thú cưng, Như và tình nguyện viên cũng lên đường cứu trợ ngay.
"Có những gia đình ngay sau khi trở về nhà đã liên lạc đón thú cưng nhưng cũng có người sợ bé mang mầm bệnh nên vứt bỏ. Dù mình cố gắng thuyết phục, sẵn sàng test, khử khuẩn cho các bé nhưng họ không nhận. Các bé đó thật sự đáng thương", Như tâm sự.
Hiện tại, Như cho biết, cô rất hạnh phúc khi hàng ngày được chăm sóc, yêu thương những bé chó, mèo, thú cưng tại trạm. Gia đình cô sẽ tiếp tục công việc này đến khi… "không còn sức nữa mới thôi".