1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện cảm động về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu qua ký ức người lính

Bình Minh

(Dân trí) - “Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn trăn trở việc phải chăm sóc tốt chính sách cho người có công; có bao nhiêu người lính hy sinh chưa có tin tức, bao nhiêu thương binh không tìm được giấy tờ…”

Trăn trở chính sách cho người có công!

Trong căn nhà nhỏ ở phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), Thượng tá Phạm Quang Thư, nguyên Trưởng Ban chính sách (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa) lật giở từng tấm ảnh chụp cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với một cảm xúc bùi ngùi.

Những tấm ảnh là những lần được tháp tùng nguyên Tổng Bí thư đi tiếp xúc cử tri, gặp gỡ người có công, ra đảo Mê và đến thăm Công ty Mía Đường Lam Sơn. Với Thượng tá Thư, mỗi lần được gặp gỡ và làm việc với nguyên Tổng Bí thư là vinh dự lớn trong cuộc đời ông.

Chuyện cảm động về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu qua ký ức người lính - 1

Thượng tá Nguyễn Quang Thư nhớ như in những câu chuyện mỗi khi được gặp và làm việc cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Ông kể: “Tôi may mắn khi được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban chính sách nên được 3 lần đi phục vụ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi ông về Thanh Hóa.

Lần đầu tiên là vào năm 1992, chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm của Quốc hội khóa X, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, là đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đi tiếp xúc cử tri tại các huyện Cẩm Thủy, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Yên Định.

Do trong khi tiếp xúc cử tri, sẽ có nhiều ý kiến về chính sách hậu phương Quân đội nên tôi được cử đi cùng đoàn để trả lời cho cử tri. Ngày đầu tiên tiếp xúc ở Cẩm Thủy, trước lúc rời đi, thư ký của nguyên Tổng Bí thư gọi tôi lên bảo chuẩn bị cho Thủ trưởng Phiêu đi thăm một thương binh nặng. Tôi báo cáo, sẽ đưa thủ trưởng Phiêu và đoàn đến thăm thương binh Bùi Văn Khoa (dân tộc Mường, quê xã Cẩm Ngọc), bị thương cụt 2 chân.

Chuyện cảm động về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu qua ký ức người lính - 2

Rất nhiều những bức ảnh ông Thư được vinh dự chụp cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Tôi chọn anh Khoa vì anh Khoa bị thương ở Campuchia mà thời gian anh bị thương, Thủ trưởng Phiêu đang là Phó Tư lệnh về Chính trị Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia”.

“Khi nhìn thấy hình ảnh anh thương binh Bùi Văn Khoa ra đón, đi bằng 2 bàn tay lồng vào 2 chiếc dép (Vì 2 chân đều cụt), nguyên Tổng Bí thư đã xúc động ứa nước mắt.

Sau đó, nghe tôi kể về chị Minh- vợ anh Khoa quê ở huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai, tình yêu của một người con gái ở miền Đông Nam Bộ với chàng trai thương binh người dân tộc là một câu chuyện tình xúc động. Nguyên tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã ân cần động viên chị Minh: “Cháu dũng cảm và can trường lắm mới về làm vợ thương binh cụt cả 2 chân đúng không?”.

Ngoài việc tặng quà cho 2 vợ chồng thương binh Khoa, nguyên Tổng Bí thư còn căn dặn cấp ủy, chính quyền địa phương phải quan tâm đến gia đình thương binh liệt sĩ. Sau đó, địa phương nhớ lời ông dặn đã làm nhà tình nghĩa cho gia đình và mở quán bán hàng cho vợ anh Khoa".

Ngày hôm sau, đoàn đến huyện Yên Định. Sau bữa cơm tối, nguyên Tổng Bí thư muốn đi thăm một gia đình anh hùng.Thượng tá Thư báo cáo sẽ chọn anh hùng Trần Đức Thái, người vừa lập công đánh cướp, bảo vệ tài sản XHCN. 

"Hôm ấy trời vừa tối lại vừa mưa rất to, tôi ngỏ ý để hôm khác nhưng ông nhất quyết đi bằng được. Lúc gặp anh Thái, ông ân cần, vỗ vỗ vào cùi tay bị cụt của anh Thái nói: “anh hùng là chỗ này đây”.  Rồi ông căn dặn: “Bây giờ cháu là anh hùng nhưng lúc nào cũng phải khiêm tốn, không tự kiêu, tự mãn, phải luôn là tấm gương cho nhân dân noi theo anh hùng!”

Chuyện cảm động về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu qua ký ức người lính - 3

Thượng tá Thư (đầu tiên bìa phải) đi cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm nhà máy đường Lam Sơn năm 1993.

Các ngày tiếp sau đó, khi đi đến các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, ở đâu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đều đến thăm các gia đình thương binh liệt sĩ”.

Khi đến Thạch Thành, ông nhìn thấy di chuyển mộ liệt sĩ từ chỗ trũng lên chỗ cao hơn. Ông liền dặn dò: “Trong chiến tranh có thể sơ suất mà mất tên còn bây giờ các đồng chí di chuyển thì phải chú ý đánh dấu tên cẩn thận, tránh làm thất lạc mà các liệt sĩ đang có tên thành không có tên là không được; phải giao trách nhiệm cho từng người một…”.

“Năm 1994 tôi đi cùng nguyên Tổng Bí thư ra thăm Đảo Mê, ông hỏi tôi ở đây có bao nhiêu liệt sĩ? đã đưa được bao nhiêu liệt sĩ vào đất liền rồi? Rồi lần ở đơn vị, ông hỏi có bao nhiêu con liệt sĩ đang công tác ở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh? Có ai vợ liệt sĩ đang công tác ở đây không?. Khi tôi báo cáo ông về việc có một vợ liệt sĩ và ý nguyện của chị này là mang được hài cốt của chồng về Bắc. Ông đã chỉ đạo tôi liên hệ để thực hiện ước nguyện này cho chị này” – Thượng tá Nguyễn Quang Thư nhớ lại.

Đi đến đâu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng quan tâm việc hài cốt liệt sĩ không được tìm thấy, quân nhân mất tích, thương binh không còn giấy tờ…

 “Bộ đội Cụ Hồ” từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”.

“Nguyên Tổng Bí thư vẫn thường nói với anh em chúng tôi: Ông cũng từng là người lính “Bộ đội Cụ Hồ” từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Có lẽ bởi thế mà dù ở cương vị nào, ông cũng luôn gần gũi nhân dân. Tôi không bao giờ quên hình ảnh một Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị xắn quần đi xuống thăm công nhân trong lần về Nhà máy đường Lam Sơn năm 1993.

Nguyên Tổng Bí thư luôn căn dặn phải gần gũi với dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của dân. Mặc dù rất bận nhưng ông vẫn luôn dành thời gian lắng nghe ý kiến từ nhiều phía.

Chuyện cảm động về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu qua ký ức người lính - 4

Ông Thư chia sẻ những bức ảnh chụp cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với PV.

Năm 1994, nguyên Tổng Bí thư đến thăm đảo Mê. Ông nói, phải luôn coi đảo là nhà, biển cả là quê hương. Lãnh đạo ở đây phải quan tâm chăm lo đời sống cho anh em chiến sĩ, phải gần gũi với anh em.

“Nhân dân ở Tĩnh gia hay nhân dân ở tỉnh khác đi đánh cá, nếu bão mà chạy vào đây trú ẩn thì phải đưa họ lên đây chăm lo đời sống cho họ. Hết bão, bộ đội phải đưa họ về, đó là tình quân dân, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình.

Nguyên Tổng Bí thư còn căn dặn, ngoài việc phải gần gũi, chăm lo kinh tế, người lãnh đạo còn phải chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận tại địa phương, đặc biệt Đảng viên là người dân tộc”- Thượng tá Thư tâm sự.