Chuyện buồn ở ngôi làng không có đàn ông
(Dân trí) - Có 30 phụ nữ bước ra khỏi chiến tranh khi tuổi đã xế, họ quyết định sinh con mà không chồng, quần tụ nhau lại thành làng Lòi. Có nhiều đoàn hảo tâm đã tới thăm làng Lòi và ủng hộ tiền. Nhưng những nỗi buồn cũng từ món tiền đó mà ra...
Không lâu sau đó, làng Lòi trở thành nơi sinh sống của những người phụ nữ có hoàn cảnh giống bà Nhan, như chị Truyền, chị Khuyên, chị Tư... Đến giờ làng đã có 30 mái nhà. 30 số phận, 30 nỗi đau nương tựa vào nhau, co cụm lại giữa khoảng đồng không mông quạnh cằn trơ đá sỏi của xã Viên Thành, huyện Yên Thành - Nghệ An. Những đứa trẻ không cha ở làng Lòi, giống như mẹ chúng, cũng có một cuộc đời nhiều trắc trở, nghèo túng, thiệt thòi và mặc cảm…
Mãi về sau, cái tin có một ngôi làng cô quạnh toàn phụ nữ không chồng mà có con được xã hội biết tới. Đã có nhiều đoàn lãnh đạo Nhà nước về thăm và giúp đỡ chị em làng Lòi. Đã có những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ tiền, vật chất… Năm 2007, các doanh nhân đi theo đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Nghệ An đến thăm và giúp đỡ làng Lòi 100 triệu đồng.
Rắc rối bắt đầu nảy sinh từ đây. Chị em làng Lòi cho rằng số tiền 100 triệu ấy là để giúp đỡ họ. Chính quyền địa phương lại mang tiền sử dụng vào mục đích khác. Người làng Lòi đâm đơn kiện. Ông Hoàng Minh Ngói, Chủ tịch MTTQ huyện Yên Thành cho biết, ngày 16/11/2007, Huyện uỷ Yên Thành ra quyết định thu hồi lại số tiền ấy nộp vào Kho bạc huyện. Sau đó lập hồ sơ phân bổ cho phụ nữ nghèo trong toàn xã vay vốn.
Nhưng oái oăm là trong số mấy chục hộ phụ nữ được vay tiền từ nguồn hỗ trợ này lại không có ai trong số 30 chị em ở làng Lòi. Chị em lại đâm đơn kiện.
Trên thực tế, để xác định được số tiền 100 triệu đồng nói trên các nhà hảo tâm dành giúp đỡ ai rất khó vì theo ông Ngói, khi các nhà hảo tâm bàn giao tiền cũng chỉ nói bằng miệng với nhau, không có văn bản gì. Tuy nhiên, người làng Lòi bức xúc vì tại sao khi phân bổ số tiền đó cho chị em đơn thân xã Viên Thành, chính quyền địa phương lại quên phần chị em làng Lòi? Phải chăng những người phụ nữ một mình nuôi con trong ngôi làng cô quạnh ấy không nghèo, không khổ?
Nguyễn Duy - Hữu Đức