Chuyện bình thường của một người bình thường
Một tài xế taxi hết sức bình thường với một cuộc sống bình thường, làm việc ở một hãng taxi không mấy tên tuổi mà ta có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu trên đường phố Hà Nội, bỗng mấy bữa nay trở thành người nổi tiếng.
Anh là Nguyễn Xuân Việt - sinh năm 1976, tài xế Hãng taxi Tuấn Linh - người đã “rút chốt” vụ án cháu bé 2 ngày tuổi bị bắt cóc ngay trong Bệnh viện Phụ sản T.Ư ngày 3/11.
Anh Nguyễn Xuân Việt với chiếc taxi phá án. Ảnh: C.TÙNG
Vị khách lạ
Có lẽ nếu không có vụ bắt trộm trẻ em nổi đình nổi đám vào ngày 3/11 ngay tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư thì chả ai biết Nguyễn Xuân Việt là ai. Thế rồi khi đã nổi tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tìm được số điện thoại và đặt một cái hẹn với Việt cũng khó. Những tưởng Việt đã thành người nổi tiếng nên “chảnh”. Nhưng không phải, Việt đang còn mải miết “cày mặt đường” để kiếm tiền đóng học cho hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn và trả tiền nhà trọ khi chủ nhà đang đòi nợ gắt gao. Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi đành phải nhờ ông Đặng Tuấn Anh - giám đốc của Việt - “triệu tập” về.
Thật thà, chất phác, Việt kể: Khoảng 11h30 ngày 3/11, khi vừa trả khách tại khu vực Ô Cách - Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội) thì thấy một người phụ nữ bế con nhỏ vẫy xe, bảo chở về nhà ở tỉnh Bắc Giang. Cô ta gầy, cao khoảng 1,55m, tầm 28-30 tuổi, khá xinh, bế theo cháu bé nhưng vẻ mặt lại có cái gì đó hơi hốt hoảng. Đi được một đoạn thì người phụ nữ cứ liên tục giục tôi chạy nhanh hơn với lý do trời trưa rồi, cháu đói, phải về nhanh để cho cháu ăn. “Đường xa, cũng đói rồi, tôi bèn bắt chuyện để cho đỡ buồn, tôi hỏi: “Cháu nhà chị là thứ mấy?”, cô ta bảo: “Đây là con thứ hai, mới sinh được 1 tháng, đứa đầu 5 tuổi”. Tôi bảo: “Đi xa thế mà chị không mang theo đồ cho cháu?”, cô ta trả lời: “Em đi vội, với lại trên ông bà cũng có rồi”.
“Đường về làng nhà cô ấy khá quanh co, loằng ngoằng, về đến nhà thấy bà cụ gọi cô ấy là Lệ thì tôi mới biết tên. Tiền cước taxi hết hơn 400.000 đồng, nhưng thấy cháu nhỏ trông thương quá nên tôi cũng chỉ lấy 400.000, còn số lẻ kia tôi nói với Lệ rằng đó là quà của tôi cho cháu” - Việt nhớ lại.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, công cuộc mưu sinh khiến Việt lại bươn bả trên đường như bao người khác. Hôm sau, khi đang đỗ xe đón khách ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư, có mấy anh công an đến hỏi có chở vị khách có biểu hiện lạ có nghi vấn bắt cóc trẻ em không. Việt cũng không nhớ bởi đã chở không biết bao nhiêu là khách, nên đã trả lời là không biết gì.
Ngày 5/11, khi đang lái xe trên đường - đoạn Minh Khai, đường quá tắc - Việt bật VOV giao thông để nghe bản tin giao thông. Tình cờ bản tin phát đi thông tin về một cháu bé 2 ngày tuổi bị mất tích tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư. “Liệu cháu bé ấy có phải là cháu bé hôm chở đi ở Ô Cách hay không? Gia đình ấy mà mất con thì đau đớn lắm nhỉ?” - Việt tự hỏi lòng mình. Mọi chi tiết về cuốc taxi đi Bắc Giang hôm ấy bỗng trở lại như in trong đầu.
“Tại sao người mẹ đưa con đi xa như thế mà không mang theo đồ đạc cho trẻ, không có lấy một tấm chăn, màn, tã lót? Không có lấy một bịch sữa cho bé? Người mẹ ấy bảo mới sinh con mà sao nhanh nhẹn thế? Có thể đứa trẻ ấy là đứa trẻ bị bắt đi lắm? Đứa con 2 ngày tuổi đã bị rứt ra khỏi mẹ chả biết số phận thế nào? Nếu như rơi vào trường hợp gia đình nhà mình thì đau đớn lắm nhỉ?” - bấy nhiêu câu hỏi cứ trở đi trở lại trong đầu Việt, khiến anh ăn không ngon, ngủ không yên. Nhưng rồi Việt lại băn khoăn: “Nếu nghi ngờ của mình là sai thì có phải là làm hại người ta không? Mình cũng chả làm điều gì sai cả, nên cũng chả có gì ân hận, thôi cứ quên đi mà sống tiếp”.
7h sáng 8/11, trở lại Cty, thấy mọi người trong văn phòng đang bàn tán rôm rả về vụ án lái xe taxi cưỡng đoạt tiền của hai vị khách nước ngoài đến Việt Nam dự Hội nghị Interpol và vụ đứa trẻ mất tích, Việt lẳng lặng vào gặp giám đốc Đặng Tuấn Anh - cũng là cậu em đồng hương cùng quê - nói về nghi vấn của mình. Nghe thấy Việt nói thế, Tuấn Anh quyết luôn: “Phải đến trình báo ngay, anh ạ”.
Tuấn Anh kể lại: “Ngay sau khi anh Việt giãi bày, em bảo anh Việt là anh đừng sợ, cứ đến số 7 Thiền Quang trình báo, nếu ngại thì em lấy xe Cty chở anh đi. Giúp người phúc đẳng hà sa, đến hôm nay là 5 ngày rồi, đọc báo thấy Công an HN vẫn chưa tìm ra được manh mối, nếu tin báo của anh là đúng thì anh đã đem lại hạnh phúc cho gia đình người ta”. “Lúc lấy xe Cty, hai anh em định đi, thế nào em lại nghĩ lại và bảo anh Việt: Anh cứ đi bằng chính cái xe taxi anh đang lái và đã chở đối tượng ấy đến thẳng phòng CSHS cho họ tin và thế là anh Việt đi” - Tuấn Anh nhớ lại.
5 ngày và 5 tiếng
Là người theo dõi khá chặt chẽ diễn biến vụ án, chúng tôi có thể khẳng định trước khi nhận được tin báo của anh Việt, mọi dấu tích về thủ phạm vẫn rất mù mờ, cho dù Công an HN đã đổ quân đi khắp nơi, bủa lưới dọc tuyến biên giới phía bắc để ngăn chặn hành động buôn người. Công an HN đã khoanh vùng hàng loạt đối tượng, thậm chí đã cho nhận diện cả một đứa trẻ có trùng ngày sinh với em bé bị mất tích, nhưng không có kết quả. Áp lực xã hội ngày càng đè nặng lên toàn bộ đội ngũ cán bộ, y - bác sĩ Bệnh viện Phụ sản T.Ư và lực lượng Công an HN. Đau khổ, hoảng hốt, hoang mang ngày càng khắc sâu thêm lên gia đình nạn nhân.
Hơn 8h ngày 8/11, Nguyễn Xuân Việt đến gõ cửa Phòng CSĐTTP về TTXH Công an HN. Lúc này Đội điều tra phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em đang họp, không khí cực kỳ căng thẳng vì sau 5 ngày vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Việt đến và được mời sang phòng bên “xơi nước” để đợi cán bộ công an họp xong. Vài phút sau, Việt được đón tiếp, ghi lời khai.
9h, một quyết định chớp nhoáng và hoàn toàn đúng đắn của lãnh đạo Phòng CSĐTTP về TTXH - Công an HN: đưa Nguyễn Xuân Việt trở lại hiện trường bằng chính chiếc taxi của Hãng taxi Tuấn Linh. “Mặc dù đường đi khá loằng ngoằng, nhưng không hiểu sao tôi nhớ cực kỳ chính xác, chỉ chạy hơn 1 tiếng tôi đã đưa các anh, chị công an đến đúng nhà bố mẹ Lệ”. Chỉ chưa đầy 5 tiếng sau khi Nguyễn Xuân Việt đến gõ cửa Phòng CSĐTTP về TTXH - Công an HN, cháu bé Phạm Xuân Trường đã trở về trong vòng tay của mẹ với niềm vui vỡ oà của cả gia đình và xã hội.
Chuyện thường
Chuyện một người trình báo công an những biểu hiện vi phạm pháp luật có lẽ là chuyện rất bình thường ở một xã hội tốt đẹp. Tuy nhiên, ở một xã hội mà ngày càng có nhiều người thờ ơ với những đau khổ của người khác, thậm chí còn trục lợi và cơ hội khi thấy người khác xảy ra hoạn nạn thì hành vi của Nguyễn Xuân Việt là hết sức đáng khen ngợi và cần nhân rộng.
Hành vi ấy cần phải được tưởng thưởng xứng đáng. Vậy mà trong khi Bộ Công an, Bộ Y tế, UBND TP.Hà Nội và nhiều cơ quan khác gửi thư khen, tặng giấy khen kèm theo phần thưởng có giá trị hàng chục triệu đồng và những lời ngợi ca thành tích của lực lượng Công an HN, thì tại cuộc nhận bằng khen và báo cáo thành tích của Phòng CSĐTTP về TTXH vào chiều 9/11, Nguyễn Xuân Việt không có mặt cho dù Giám đốc Công an HN đã quyết định tặng giấy khen và phần thưởng 250.000 đồng.
Việt bảo: “Chẳng sao anh ạ, làm được việc tốt thì đừng nghĩ đến ghi ơn và cũng đừng nghĩ người đời có nhớ đến mình hay không. Hơn nữa việc của tôi đó là nghĩa vụ của công dân, hết sức bình thường”. Nói rồi Việt lại vội hoà vào dòng người, bươn bả kiếm sống với nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Theo Ngô Châu Anh
Lao động