Những điệp báo viên khi nhận nhiệm vụ này có nghĩa là chấp nhận việc phải chiến đấu với địch không dùng đến vũ khí. Khi bị bại lộ thì khả năng bị bắt là điều khó tránh khỏi. Có những người như Đại tá NguyễnThị Thảo đã phải cắn răng chịu đựng những trận tra tấn dã man của địch, kiên quyết không khai, giữ vững cơ sở bí mật. Điệp báo viên Nguyễn Văn Hàm trong tháng 11/1974 đã suýt chết khi bị ám sát bằng một tai nạn xe hơi... Ngày miền Nam được giải phóng, có những chiến sĩ điệp báo vẫn phải tiếp tục đóng cho tròn vai của mình, kể cả việc phải rời xa Tổ quốc. Có những người lại phải chịu sự nghi ngờ của người dân vì lầm tưởng họ ở phía bên kia chiến tuyến. Đội ngũ làm công tác điệp báo chấp nhận tất cả vì lời kêu gọi của Tổ quốc, xứng đáng là những người hùng trên mặt trận đấu tranh thầm lặng./.
Chuyện bây giờ mới kể về những điệp báo Sài Gòn
Trong những năm trước 1975, nhiều điệp báo đã được cài cắm vào những vị trí rất cao trong chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Trong ngày 30/4/1975, có những người ở phía bên kia chiến tuyến mãn nguyện khi cuối cùng miền Nam đã được giải phóng, đất nước được thống nhất. Trong đó, có những người thuộc mạng lưới Điệp báo do Ban An ninh Khu Sài Gòn – Gia Định (còn gọi là Ban An ninh T4) – tiền thân của Công an Thành phố Hồ Chí Minh cài cắm vào.
Ông Nguyễn Văn Hàm
Phong trào học sinh, sinh viên biểu tình chống Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975 gắn liền với tên tuổi của một dân biểu trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, đó là Giáo sư Nguyễn Văn Hàm, dạy Triết học tại Đại học Vạn Hạnh. Từ năm 1973, những cuộc biểu tình do ông tổ chức có sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, từ những người lao động cùng khổ đến tầng lớp trí thức, diễn ra liên tục, gần như mỗi ngày. Trong đó, có những cuộc biểu tình gây tiếng vang lớn như cuộc biểu tình “Ký giả ăn mày” vào ngày 10/10/1974 thu hút khoảng 5 vạn người. Ít ai ngờ, vị dân biểu đứng đằng sau các cuộc biểu tình là một thành viên mạng lưới điệp báo của Ban An ninh T4.
Vốn là một giáo sư dạy Triết học nhưng có tài làm thơ, viết văn, dân biểu Nguyễn Văn Hàm được nhiều tướng lĩnh yêu mến và mời về nhà dùng cơm. Tại những bữa cơm thân mật đó, ông đã khéo léo thu thập những thông tin quý giá về tình hình địch. Có thể kể đến những thông tin cực kỳ quan trọng như: phát hiện ra điểm yếu trong hệ thống quân sự của Việt Nam Cộng hòa tại đồi Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum; trả lời cho câu hỏi nếu Quân đội nhân dân Việt Nam đánh chiếm Phan Thiết thì liệu người Mỹ có quay lại hỗ trợ quân đội Việt Nam Cộng hòa hay không? Điệp báo Nguyễn Văn Hàm khẳng định chắc chắn người Mỹ sẽ không quay lại. Và sự thực đúng như thông tin tình báo của ông.
Cuối năm 1974, chính quyền Việt Nam Cộng hòa nghi ngờ nhưng không có căn cứ để bắt giữ giáo sư Nguyễn Văn Hàm nên đã tổ chức ám sát ông bằng một vụ tai nạn xe hơi ở ngã 7 Lý Thái Tổ. Điệp báo viên Nguyễn Văn Hàm kể lại vụ mình bị ám sát hụt: “Khi ngã xuống, cả bộ đồ này ướt đẫm cả máu. Tôi hôn mê 3-4 ngày sau đó. Không ai nghĩ tôi có thể sống. Đồng bào lúc đó rât thương tôi. Có bà mẹ nghèo ở Tây Ninh chưa bao giờ biết Sài Gòn là gì, đã hái đu đủ trong vườn đem ra chợ bán để lấy tiền đi xe xuống Sài Gòn thăm tôi và mang cho tôi bánh ít. Lúc bấy giờ tôi đang hôn mê. Khi tỉnh dậy, tôi rất cảm động, ăn cái bánh ít trong nước mắt mà hứa với mẹ: con sẽ tiếp tục con đường làm cho đất nước hòa bình, thống nhất”.
Giáo sư Nguyễn Văn Hàm là một trong số hàng trăm điệp báo viên được Ban An ninh T4 cài cắm vào nội bộ chế độ Việt Nam Cộng hòa. Những điệp báo viên hoạt động đơn tuyến, nghĩa là chỉ biết người chỉ huy trực tiếp của mình chứ không hề biết đến một người nào khác đang thực hiện nhiệm vụ giống mình. Trong những năm trước 1975, nhiều điệp báo đã được cài cắm vào những vị trí rất cao trong chế độ Việt Nam Cộng hòa như trong Văn phòng Tổng thống, Văn phòng Thủ tướng, Tổng nha Cảnh sát, Phủ Đặc ủy trung ương Tình báo, Bộ Dân vận và chiêu hồi…và cả Đại sứ quán của Mỹ tại Sài Gòn. Chính quyền thời đó không thể ngờ rằng, những nhân viên mà họ tuyển chọn vốn là những du học sinh đi học nước ngoài, trong gia đình có người của chính quyền, lại là những điệp báo của phía bên kia. Về phía ta, đây chính là những đối tượng được ưu tiên hàng đầu trong các cụm điệp báo của Ban An ninh T4.
Đại tá Thái Doãn Mẫn, Ủy viên Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Phó Ban An ninh T4 cho biết về phương châm của điệp báo: “Điệp báo kéo người ra hay đưa người vào là phải làm cho được. Nhưng nghệ thuật là ở chỗ khi nào thì đưa vào hay khi nào thì kéo ra. Kéo họ ra được về phía mình là nhờ thông qua gia đình họ, khi phong trào cách mạng lên, địch sẽ rất hoang mang. Còn khi địch mở rộng tổ chức thì đưa vào. Ví dụ như khi địch mở rộng Hạ viện thì điệp báo nhân cơ hội đưa người vào”.
Điệp báo viên Nguyễn Thị Thảo
Tiểu ban Điệp báo thuộc Ban An ninh T4 ra đời từ năm 1963, có nhiệm vụ điều tra nắm tình hình địch và xây dựng mạng lưới bí mật trong lòng địch. Một trong những cán bộ điệp báo thu thập được khá nhiều tin tức có giá trị là Cụm điệp báo số 6 của nữ Đại tá Nguyễn Thị Thảo. Những điệp báo trong mạng lưới của đại tá Nguyễn Thị Thảo có thể tiếp cận được với nhiều thông tin quý giá như: tình hình tài chính, thuốc men, đạn dược của Ngụy, sự chi viện của Mỹ, những người phía cách mạng làm việc cho địch, kế hoạch tình báo, kế hoạch tác chiến của ngụy. Thậm chí, nhiều tài liệu được tuồn ra ngoài là những bản chính còn nguyên con dấu đỏ. Nhớ về những ngày tháng hoạt động ngay trong lòng địch, Đại tá Nguyễn Thị Thảo cho biết về tố chất phải có của điệp báo viên:“Trước tiên là phải có tinh thần yêu nước, thứ hai là phải có tính tổ chức, thứ ba là phải nắm được cốt lõi của vấn đề. Có tinh thần yêu nước thì mình mới xả thân vào nguy hiểm. Từ đó biết chỗ nào là điểm dừng, nên làm cái nào và không nên làm cái nào. Một thành viên điệp báo phải linh hoạt mà ứng phó”.