Chuyến bay định mệnh về với trời xanh
Kịp đặt tên cho cậu con trai trong bụng khi chưa nhìn thấy mặt con, viên phi công trẻ hy sinh trong khi tập luyện trên vùng trời Thanh Hoá, để lại người vợ trẻ bụng mang dạ chửa và đứa con gái nhỏ mới hơn 3 tuổi.
Tốt nghiệp Học viện Phòng không - Không quân năm 2002, đại uý Trần Thanh Nghị (SN 1976) hy sinh trong một chuyến huấn luyện bay ở khu vực huấn luyện bình thường trên vùng trời huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá. Vụ tai nạn xảy ra lúc 7 giờ 30 ngày 9/6.
Đại uý Nghị là Biên đội trưởng, phi công cấp 3 và có nhiều kinh nghiệm với trên 500 giờ bay. Trong khi làm nhiệm vụ, chiếc máy bay do viên phi công trẻ điều khiển bất ngờ lao xuống đồi và bốc cháy dữ dội, cướp đi sinh mạng của anh.
Chưa kịp nói lời chia tay
Không giống như mọi ngày thường đánh thức vợ dậy bằng tiếng chuông điện thoại để nói với vợ con vài lời âu yếm rồi mới lên máy bay, “hôm đó, chắc vì phải đi sớm, anh ấy không muốn đánh thức em nên đã không gọi điện cho em... Ai ngờ...chúng em đã không kịp nói với nhau câu nào...”. Những lời nói nghẹn ngào trong tiếng nấc của người vợ trẻ làm cắt lòng người nghe.
Với cái thai trong bụng sắp đến ngày sinh, cô sinh viên khoa Báo năm nào ngồi dựa lưng vào ghế thổn thức kể về người chồng đã khuất của mình, thỉnh thoảng chị lại đưa mắt về phía bàn thờ, nơi có di ảnh viên phi công trẻ trong quân phục với nụ cười hiền hậu.
Hơn một tuần lễ trôi qua sau ngày mất của anh Nghị, trong ngôi nhà ở số 55 phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội người ta vẫn nghe thấy tiếng tụng kinh gõ mõ để linh hồn anh được siêu thoát.
“Một tuần liền em không thắp hương cho anh ấy vì vẫn không thể tin rằng anh ấy đã bỏ mẹ con em mà đi. Đặt tên con là Trần Thanh Tuấn, thương cho anh chưa kịp nhìn thấy mặt con...”, vừa nói, những giọt nước mắt lại lã chã rơi trên khuôn mặt người vợ.
Tốt nghiệp khoa Báo, trường ĐH KHXH&NV, Trang từng công tác trong ngành báo, nhưng vì chồng đã đi suốt, mỗi tháng ở nhà được vài ngày nên Trang bỏ hẳn công việc làm báo từ lúc mang thai đứa con thứ hai để ở nhà chăm sóc con cái.
Lấy nhau được 5 năm, nhưng thời gian anh Nghị ở đơn vị còn nhiều hơn ở với vợ con. “Tính ra có khi chúng nó chỉ được ở cạnh nhau khoảng 6 tháng”, mẹ Trang đau xót nói.
Ngày vui của cô sinh viên khoa Báo và anh phi công trẻ. Ảnh do gia đình cung cấp.
Dù xa nhau nhưng tình cảm của vợ chồng Trang dành cho nhau khiến nhiều người phải ao ước.
“Mỗi lần vượt quãng đường xa từ đơn vị trở về nhà, anh ấy luôn dậy sớm, giúp em làm mọi việc, rồi cho con bé con lên vai đi khắp xóm. Đàn ông như anh ấy thật hiếm khi mà không hề nề hà giúp vợ những việc mà nhiều người đàn ông khác không dám mó tay”, Trang vừa giở cuốn album ảnh cưới của hai vợ chồng vừa nức nở.
“Con tôi có thể tự hào về bố”
Ngày 17/6, Trang đưa cô con gái hơn 3 tuổi trở lại trường mầm non sau chuỗi ngày nghỉ học vì việc tang, cô con gái nhất định không chịu đi học, nó đòi ở nhà và luôn mồm hỏi mẹ: “Mẹ ơi bố đâu ?”. Nước mắt vòng quanh, Trang nức nở mắng con: “Con có thương mẹ không”. Thấy mẹ khóc, cô bé lại ngoan ngoãn khoác ba lô đến lớp.
Bà ngoại cô bé kể: “Mỗi khi thấy máy bay bay qua nhà là nó lại hét rất to “con chào bố Nghị ạ”. Có lúc nó lại khóc toáng lên và nói: “Bố Nghị hư, bố Nghị không về với con”. Những lúc như thế, cả nhà cứ nhìn con bé mà trào nước mắt.
Do hoàn cảnh nên sau nhiều lần đi thuê nhà sống, chị Trang về nhà bố mẹ đẻ để được ông bà ngoại giúp đỡ. Mẹ Trang tỏ ra tiếc thương cậu con rể ngoan hiền mà bà quý như con đẻ: “Nó là người biết sống, đối xử trên dưới đều quý mến. Tôi luôn coi Nghị như con đẻ của mình".
Mỗi lần về phép, anh Nghị chỉ quanh quẩn ở nhà bên vợ con, làm máy bay, ngựa cho con gái cưỡi.
Khi cô con gái đầu lòng chào đời, vì công việc nên anh Nghị không thể ở bên vợ con. Dạo này, đơn vị bận rộn nên anh cũng không thể ở nhà chào đón cậu con trai chỉ một tháng nữa là chào đời. Biết vậy nên anh đã định xin nghỉ phép một tuần để bù đắp, tranh thủ chăm sóc cho vợ con.
Kế hoạch ấp ủ là vậy, nhưng chưa kịp làm được gì cho vợ và các con thì anh đã mãi mãi về với trời xanh.
Quãng đời còn lại của người vợ trẻ chưa đầy 30 tuổi và 2 đứa con thơ sẽ chống chếnh vì thiếu bờ vai, hơi ấm của anh. “Mỗi buổi sáng em lại nhớ anh ấy không chịu nổi. Sáng nào anh ấy cũng gọi điện cho vợ, rủ rỉ những lời ngọt ngào âu yếm. Giờ thì...”, Trang gạt nước mắt nói.
Kể về chuyến bay định mệnh của chồng, Trang cho biết: 5 phút trước khi máy bay cháy, anh Nghị đã nhận được lệnh nhảy dù nhưng không hiểu sao anh không bấm nút bật dù chỉ mất có mấy giây thôi. “Có lẽ anh ấy đã cố lái cho máy bay ra xa nơi đông dân để giữ an toàn cho dân và chọn cái chết cho riêng mình”, lời của Trang.
Không nghề nghiệp, mẹ con Trang trước mắt sẽ phải nhờ cậy vào gia đình hai bên, cuộc sống sẽ vất vả, khó khăn bộn phần. Tuy nhiên, khi nói về chồng mình, Trang vẫn tỏ ra cứng cỏi: “Các con em cũng hoàn toàn có thể tự hào về bố”...
Theo Tuyết Nhung
Vietnamnet