1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyển 2 sân bay quân sự sang khai thác lưỡng dụng

Thế Hưng

(Dân trí) - Cục Hàng không Việt Nam thống nhất kiến nghị chuyển 2 sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận), Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không dân dụng.

Báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc rà soát nội dung đề xuất khai thác hàng không dân dụng tại một số sân bay quân sự, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã phối với cơ quan tư vấn lập quy hoạch - Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) nghiên cứu tiếp thu, giải trình và rà soát, hoàn thiện lại hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khai thác lưỡng dụng 2 sân bay quân sự

Căn cứ kết quả rà soát, nghiên cứu bổ sung của tư vấn, Cục HKVN thống nhất kiến nghị bổ sung quy hoạch 2 cảng hàng không quốc nội Thành Sơn (thời kỳ 2021- 2030: công suất 1,5 triệu HK/năm; tầm nhìn đến năm 2050: công suất 3,0 triệu khách/năm) và Biên Hòa (thời kỳ 2021-2030: công suất 5,0 triệu khác/năm; tầm nhìn đến năm 2050: công suất 10,0 triệu HK/năm). Điều kiện để chuyển đổi các sân bay quân sự Thành Sơn và Biên Hòa sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không chỉ khi thu hút được nhà đầu tư, thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Tuy nhiên, Cục HKVN nhận định, khi khai thác sân bay Biên Hòa sẽ phải tính toán, phân bố lại sản lượng vận tải hàng không thông qua các Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Long Thành. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã đánh giá, khi khai thác tàu bay hàng không dân dụng tại sân bay Biên Hòa sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động bay trong tương lai của cụm CHK Tân Sơn Nhất, Long Thành, dẫn đến làm giảm năng lực thông quan của các cảng hàng không này.

Chuyển 2 sân bay quân sự sang khai thác lưỡng dụng - 1

Sân bay Biên Hòa được đề xuất chuyển sang khai thác lưỡng dụng (Ảnh chụp Google Maps: Thế Hưng).

Hiện nay theo Cục HKVN, tư vấn kiến nghị công suất của Cảng hàng không Quốc tế (CHKQT) Long Thành đến năm 2030 là 25 triệu khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 là 100 triệu khác/năm; CHKQT Tân Sơn Nhất công suất tối đa 50 triệu khách/năm.

Đối với Cảng hàng không Biên Hòa, tư vấn căn cứ điều kiện về vị trí, khả năng bố trí hạ tầng, năng lực vùng trời, có thể xem xét phân bổ khai thác dân dụng tại đây ở mức 5 triệu khách/năm giai đoạn đến năm 2030 và tối đa 10 triệu khách/năm tầm nhìn đến năm 2050.

Với sân bay Thành Sơn, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, trong những năm vừa qua, tỉnh Ninh Thuận đã có những bước phát triển mạnh mẽ ở tất cả các mặt kinh tế - xã hội nhưng quy mô nền kinh tế của tỉnh vẫn còn nhỏ, mức phát triển của hầu hết các ngành vẫn còn thấp. GRDP của tỉnh năm 2020 đạt 35,1 nghìn tỷ (giá hiện hành), xếp thứ 57/63 tỉnh thành của cả nước.

Tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng và dư địa lớn trong các lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, công nghiệp năng lượng, chế biến thủy hải sản… Về du lịch, năm 2019, sản lượng khách du lịch tới Ninh Thuận là 2,35 triệu người.

Hiện tại UBND tỉnh Ninh Thuận đang triển khai quy hoạch tỉnh. Theo đó, tỉnh đã quy hoạch và tập trung phát triển thành trung tâm du lịch của khu vực miền Trung. Định hướng đến năm 2030, sản lượng khách du lịch đạt 6 triệu khách (tương đương Khánh Hòa hiện nay khoảng 7 triệu khách); đến năm 2050, sản lượng khách du lịch có thể đạt từ 10-15 triệu khách (cao hơn Đà Nẵng hiện nay khoảng 8,6 triệu khách).

Định hướng quy hoạch phát triển vượt bậc về du lịch như trên cho thấy tiềm năng về nhu cầu vận tải khách cho hàng không có thể đạt tới 1,5 triệu khách tới năm 2030 và 3,0-5,0 triệu khách tới năm 2050.

Ngoài ra, Ninh Thuận hiện tại có sân bay quân sự Thành Sơn. Đây là sân bay có quỹ đất rất lớn, hiện khu vực phía Đông Nam quân sự chưa sử dụng, đủ để xây dựng hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay và khu hàng không phục vụ khai thác dân dụng. Bộ Quốc phòng đã có ý kiến đồng ý bàn giao khu đất phía Đông Nam sân bay để phát triển hàng không dân dụng khi có nhu cầu.

Do đó, sân bay Ninh Thuận đủ điều kiện về nhu cầu vận tải, tận dụng quỹ đất và mặt bằng sạch có sẵn để phát triển hàng không dân dụng, từ đó tiết kiệm chi phí đầu tư so với việc xây dựng mới một cảng hàng không. Vì vậy, việc bổ sung sân bay Thành Sơn khai thác lưỡng dụng vào quy hoạch là có cơ sở. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Thành Sơn yêu cầu phải có nhà đầu tư và sử dụng nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Đánh giá chung về 2 sân bay Thành Sơn, Biên Hòa, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng nêu, Bộ Quốc phòng đã có các văn bản đồng thuận. Ngoài ra, đối với sân bay Biên Hòa, việc nghiên cứu quy hoạch bổ sung cảng hàng không là phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Cả 2 cảng hàng không này đều có nhu cầu vận tải hàng không tiềm năng, có quỹ đất sạch và tận dụng được mặt bằng của sân bay quân sự hiện hữu nhằm rút ngắn thời gian xây dựng, tiết kiệm chi phí đầu tư.

Tư vấn lập quy hoạch đã nghiên cứu và có báo cáo về các nội dung bao gồm: Các thông tin chung (vị trí, điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế xã hội, sơ bộ nhu cầu vận tải); vai trò, hiện trạng hạ tầng; đánh giá khả năng khai thác hàng không dân dụng (khả năng thiết kế phương thức bay, tổ chức vùng trời); đánh giá về kết cấu hạ tầng; đánh giá về quỹ đất và khả năng quy hoạch; đánh giá sơ bộ về ảnh hưởng của sân bay tới môi trường xung quanh; dự kiến quy mô, các công trình cần thiết đầu tư.

Ông Thắng khẳng định, với chủ trương của Chính phủ về việc nghiên cứu chuyển đổi các sân bay thành khai thác lưỡng dụng và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị, kết hợp với nội dung nghiên cứu nêu trên là đủ cơ sở để đề xuất bổ sung 2 cảng hàng không trong đồ án quy hoạch.

Đồ án quy hoạch nêu rõ việc đầu tư 2 Cảng hàng không Thành Sơn và Biên Hòa sẽ phải huy động nguồn vốn ngoài ngân sách. Do vậy, Cục yêu cầu đánh giá hiệu quả đầu tư khai thác dân dụng khi đưa hai sân bay Thành Sơn, Biên Hòa vào khai thác lưỡng dụng.

Khả năng khai thác lưỡng dụng sân bay Gia Lâm

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng cho đánh giá về quy hoạch của sân bay Gia Lâm. Cục cho rằng, sân bay Gia Lâm nằm gần khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội, có tiềm năng về nhu cầu vận tải hàng không chung và hàng không dân dụng với các loại máy bay cỡ nhỏ.

Giai đoạn 1 có thể áp dụng mô hình sân bay chuyên dùng để có thể đưa sân bay Gia Lâm vào khai thác sớm. Giai đoạn 2, khi thị trường vận tải hàng không dân dụng tăng cao có thể nghiên cứu đưa sân bay Gia Lâm thành cảng hàng không dùng chung dân dụng và quân sự, khai thác các tàu bay code C loại nhỏ như Embraer E190/195 với chặng bay phù hợp.

Việc chuyển đổi sân bay quân sự Gia Lâm để khai thác lưỡng dụng sẽ tiếp tục được nghiên cứu thống nhất giữa các bên liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận đưa vào khai thác lưỡng dụng và bổ sung quy hoạch cảng hàng không, sân bay khi có đủ các điều kiện cần thiết. Điều kiện tiên quyết là phải thu hút được các nhà đầu tư cho giai đoạn thực hiện đầu tư.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm