1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông và các điểm nhấn nổi bật

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông 2022 thu hút hơn 10.000 người tham gia đóng góp ý kiến, hàng trăm hiến kế giao thông thông minh, an toàn. Một số sáng kiến được đề xuất áp dụng vào thực tế, góp phần giải quyết các điểm nghẽn ở đô thị.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 đã khởi động vào tháng 4 , ở Hà Nội và TPHCM. Chương trình do Cục Cảnh sát giao thông, Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông và các điểm nhấn nổi bật - 1
Lễ phát động Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông năm 2023 đã diễn ra vào tháng 4 vừa qua (Ảnh BTC).

Chương trình tổ chức lần đầu vào năm 2022, đã tạo nhiều dấu ấn trong cộng đồng, khơi gợi sự sáng tạo, tìm kiếm ý tưởng mới, ứng dụng công nghệ hiệu quả, nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại, bất cập về đường bộ giao thông Việt Nam. Từ đó giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông, chấm dứt tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Dưới đây là các điểm nhấn nổi bật của chương trình trong năm 2022.

10.663 người tham gia đóng góp ý kiến về thực trạng ùn tắc và sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông năm 2022 do Cục CSGT, Báo điện tử Dân trí và Công ty Toyota Việt Nam lần đầu tổ chức đã thu hút 10.663 lượt tham gia thực hiện khảo sát về thực trạng ùn tắc giao thông và vấn đề sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Nhiều độc giả đã bày tỏ nguyện vọng của người tham gia giao thông và đề xuất giải pháp thực tế giúp cải thiện tình hình giao thông mỗi ngày.

Theo đó, đánh giá nguyên nhân gây ùn tắc giao thông hiện nay, 65,15% ý kiến cho rằng do cơ sở hạ tầng còn hạn chế, hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ bố trí chưa hợp lý. Một phần nguyên nhân xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông, chiếm 22,41% ý kiến tham gia khảo sát. Còn lại 12,44% là một số nguyên nhân khác như do lượng phương tiện quá nhiều, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe,….

Để giảm tình trạng ùn tắc giao thông, 75,44% ý kiến cho rằng cần mở rộng quy hoạch đô thị đồng bộ với phát triển cầu đường; 12,07% cho rằng cần chú trọng giáo dục tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông; 5,98% đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng các phương tiện giao thông công cộng và 6,52% là các ý kiến khác.

Đối với vấn đề sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, hầu hết độc giả đều đồng tình ủng hộ việc thực hiện kiên quyết của lực lượng CSGT và ngăn chặn tình trạng này bằng cách thường xuyên vận động người thân không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng đồ uống có cồn, chiếm 77,51% lượng tham gia khảo sát.

Tất cả đã nói lên, an toàn giao thông là vấn đề luôn được người dân đặc biệt quan tâm và sẵn sàng đóng góp ý kiến, tìm kiếm giải pháp khi có cơ hội cùng với cơ quan ban ngành chung tay đảm bảo trật tự an toàn giao thông quốc gia.

165 ý tưởng, 39 sản phẩm công nghệ dự thi chỉ trong thời gian ngắn phát động

Trong khuôn khổ Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022, Cục CSGT, Báo điện tử Dân trí và Công ty Toyota Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông, với quy mô toàn quốc, chủ đề sát thực, là 2 điểm "nóng" giao thông về giải quyết vấn nạn ùn tắc và tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Sau 3 tháng khởi động nhận bài thi, ban tổ chức đã nhận 204 bài dự thi tham gia của các tác giả và nhóm tác giả. Trong đó, hạng mục "Ý tưởng về An toàn giao thông" nhận 165 bài dự thi; hạng mục "Giải pháp Công nghệ An toàn giao thông" nhận 39 bài dự thi với nhiều giải pháp tổng thể, thiết thực, dễ đầu tư với chi phí thấp, có khả năng ứng dụng vào thực tế.

Gần 16.000 lượt tương tác chỉ trong 2 tuần mở cổng bình chọn trực tuyến

Ở vòng chấm sơ khảo, cuộc thi đã thu hút gần 16.000 lượt bình chọn của độc giả chỉ trong 2 tuần công bố 20 bài dự thi nổi bật khi đăng tải trên https://sangkienatgt.dantri.com.vn.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông và các điểm nhấn nổi bật - 2
Lễ trao giải Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 (Ảnh BTC).

Các vấn đề nóng được chuyên gia phân tích, tìm giải pháp

Cũng trong khuôn khổ Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022, ban tổ chức đã tổ chức 4 tọa đàm trực tuyến: Tọa đàm "Ùn tắc giao thông - Nỗi ám ảnh ở các đô thị lớn"; tọa đàm "Những nỗ lực giải cứu giao thông Hà Nội"; tọa đàm "Giao thông ngày cuối năm - Nỗi lo và giải pháp"; tọa đàm "Tiềm năng ý tưởng - công nghệ từ Sáng kiến An toàn giao thông".

Nội dung chương trình thu hút sự quan tâm của độc giả; cùng sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cục Cảnh sát giao thông, Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, VOV Giao thông - Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo BK.AI - Đại học Bách Khoa Hà Nội; các giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Công nghệ Giao thông, Trường Công nghệ thông tin và truyền thông - Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Ứng dụng nhiều bài thi vào đời sống thực tiễn

Ban tổ chức cho biết, một số ý tưởng đã được ứng dụng triển khai trong thực tế đem lại hiệu quả thiết thực ở các địa phương và các tác giả mong muốn nhân rộng mô hình ra các tỉnh thành khác như "Điểm đăng ký xe an toàn"; triển khai "Thiết kế và tổ chức phát tờ rơi an toàn giao thông song ngữ Anh - Việt cho người nước ngoài",…

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 sẽ tiếp tục đề xuất đưa 3 sáng kiến đạt giải trong năm vừa qua, áp dụng vào thực tế tại Hà Nội và Bắc Ninh, hai địa phương đang xây dựng mô hình "Tỉnh an toàn giao thông". Đó là sáng kiến: "Hệ thống hỗ trợ điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu giao thông; "Hệ thống phát hiện và cảnh báo giao thông thông minh"; "Ứng dụng nguyên lý đèn giao thông trong quản trị giao thông hiệu quả tại Việt Nam áp dụng vào xây dựng mô hình tỉnh an toàn giao thông.

Cùng với đó, chương trình năm 2023 sẽ đẩy mạnh xây dựng cộng đồng có tính kết nối rộng lớn trên toàn quốc để khảo sát, lấy ý kiến của người dân; thành lập quỹ xã hội hóa và hiện thực hóa các dự án đạt giải của cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông năm 2022, 2023 và tương lai.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.

Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình cũng như thể lệ tham gia cuộc thi, độc giả có thể truy cập website của chương trình tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn.

Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI.