Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời chất vấn:
Chúng tôi tiếp thu việc "cán bộ thanh tra dễ dãi, giao lưu ăn uống"
(Dân trí) - "Vừa qua, ý kiến của Chủ tịch nước đã nói rằng "cán bộ thanh tra hiện nay rất dễ dãi, giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra". Chúng tôi tiếp thu việc này và sẽ sửa đổi quy định để chặt chẽ hơn" - Ông Đoàn Hồng Phong nói.
Sáng nay 5/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội thuộc 4 nhóm vấn đề:
Thứ nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Thứ hai, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.
Thứ ba, giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong Nhân dân.
Thứ tư, công tác phối hợp và giải pháp khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an, Tư pháp; Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội về 4 nội dung chất vấn, ông Đoàn Hồng Phong khẳng định, Thanh tra Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao, triển khai đồng bộ và quyết liệt công tác xây dựng thể chế về thanh tra, tập trung tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật về thanh tra, làm cơ sở cho việc xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Hàng năm, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành thanh tra. Trong đó, đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị thanh tra phải tập trung nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra, nhất là phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng.
Về triển khai thực hiện nhiệm vụ, trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương, bám sát vào các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ xây dựng định hướng chương trình công tác thanh tra cho toàn ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kế hoạch thanh tra hàng năm xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung thanh tra, có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước; tập trung vào các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra luôn quan tâm triển khai các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.
9 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã triển khai 6.301 cuộc thanh tra hành chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế trên 52.466 tỷ đồng, 8.240 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi gần 16.000 tỷ đồng và 147 ha đất, kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.554 tập thể và 5.109 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 317 vụ, 199 đối tượng.
Về công tác xử lý sau thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định đã chỉ đạo toàn ngành thanh tra thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra, đảm bảo kết luận thanh tra phải được các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện nghiêm túc, nhất là các kiến nghị xử lý thu hồi tiền, tài sản về cho nhà nước. Kiến nghị xử lý trách nhiệm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành thanh tra tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 5.586 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 3.440 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện. Kết quả, các cơ quan chức năng đã thu hồi 1.089 tỷ đồng, 10,2 ha đất; xử lý hành chính 1.714 tổ chức, 4.841 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng; khởi tố 5 vụ, 3 đối tượng.
Thanh tra Chính phủ tiến hành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra theo quy định; triển khai 4 đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện kết luận thanh tra và tham mưu, giúp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Khánh Hòa.
Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng Chính phủ trình xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
"Ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những giải pháp quan trọng trong hoạt động thanh tra, đã được Thanh tra Chính phủ quan tâm thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ"- ông Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.
Cụ thể, về công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, năm 2022 tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng trên 89.609 tỷ đồng; đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng số tiền gần 16.000 tỷ đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021).