1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Chúng tôi không vẽ ra quy định muốn ghi âm, ghi hình phải xin phép"

Thế Kha

(Dân trí) - "Ghi âm, ghi hình cũng phải tôn trọng quyền của người khác, họ có đồng ý không? Cái này luật quy định rồi, không phải chúng tôi vẽ ra cái này để gây khó khăn cho báo chí"- Phó Chánh án Tối cao nói.

Sáng 29/8, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào ngày 18/8 vừa qua.

Pháp lệnh có 4 chương, 48 điều, trong đó điều 6 quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80 triệu đồng.

Mức phạt tiền từ 7- 15 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự.

Chúng tôi không vẽ ra quy định muốn ghi âm, ghi hình phải xin phép - 1

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ (Ảnh: T.Trần).

Phóng viên nhiều cơ quan báo chí đặt ra thắc mắc liên quan đến hoạt động tác nghiệp ghi âm, ghi hình tại phiên tòa sẽ phải xin phép như thế nào? Ghi âm, ghi hình bị xử phạt thì livestream sẽ bị xử lý ra sao? Tại sao trong nhiều hành vi vi phạm, luật sư lại bị xử phạt nặng hơn những người khác?

Ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, trong ba luật về tố tụng dân sự, hành chính và hình sự đều đã quy định nhưng chỉ nêu nguyên tắc cơ bản, quy định chung, không quy định hành vi nào thì bị xử phạt, mức xử phạt thế nào, ai là người xử phạt cụ thể nên phải ban hành pháp lệnh này.

Ông Tuệ nhấn mạnh, việc ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý để bảo đảm quyền con người. Báo chí có quyền của báo chí, nhưng người khác cũng có quyền của công dân.

"Luật báo chí quy định báo chí được phép ghi âm, ghi hình nhưng ghi âm, ghi hình cũng phải tôn trọng quyền của người khác, họ có đồng ý không? Cái này luật quy định rồi, không phải chúng tôi vẽ ra để gây khó khăn cho báo chí. Chúng tôi rất muốn tạo mọi điều kiện cho báo chí hoạt động nhưng luật quy định muốn vào tác nghiệp tại phiên tòa thì phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa"- ông Tuệ cho hay.

Về lý do luật sư bị xử phạt nặng hơn trong cùng hành vi vi phạm, Phó Chánh án TAND Tối cao lý giải, luật sư là người am hiểu luật nên phải làm gương. "Khi tham gia tố tụng, họ phải thể hiện sự tôn trọng pháp luật, thậm chí làm gương cho những người khác tuân thủ theo. Vì vậy khi họ vi phạm thì mức xử phạt nặng hơn"- ông Tuệ nói.

Chúng tôi không vẽ ra quy định muốn ghi âm, ghi hình phải xin phép - 2

Phiên tòa xét xử nhiều lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong đại án bán rẻ hai lô đất vàng với giá bèo (Ảnh: TTXVN).

Tới đây, TAND Tối cao sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về việc xin phép ghi âm, ghi hình của phóng viên trong quá trình tác nghiệp.

"Chúng tôi sang Hàn Quốc, phòng xét xử không có người, chúng tôi chụp ảnh chỉ để làm mẫu thôi mà họ còn nói không được và yêu cầu xóa đi"- ông Nguyễn Trí Tuệ nói và dẫn ra ví dụ khi tòa xử vụ ly hôn, nếu bị quay rồi đưa lên mạng mà người ta chưa xin phép thì sẽ bị xử phạt.

Đối với hành vi ghi rồi phát trực tiếp trên không gian mạng (livestream), dù pháp lệnh chưa quy định điều này, nhưng ông Nguyễn Trí Tuệ khẳng định đây là hình thức nặng hơn cả ghi âm, ghi hình, nên mức xử phạt sẽ nặng hơn. Livestream tại phiên tòa là hành vi bị nghiêm cấm.