Chúng tôi đang quan tâm tới tiêu cực trong các công trình sai phép
(Dân trí) - “Chúng tôi chưa xác định được vấn đề có tiêu cực hay không, chủ đầu tư đưa cho từng cán bộ bao nhiêu tiền, tuy nhiên có dư luận, nếu không có tiêu cực làm sao chủ đầu tư có thể thoát được như vậy, chúng tôi đang quan tâm…”, Ông Trần Trọng Dực, Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội trả lời báo chí.
Ngoài vấn đề trật tự xây dựng, các vụ việc “nổi cộm” của thành phố cũng được các phóng viên đặt ra với vị Chánh Thanh tra thành phố tại buổi giao ban Thành ủy chiều qua (9/3).
Sẽ không né tránh
Hiện có dư luận cho rằng, công trình ở số 9 Đào Duy Anh có sự bán đất của chủ đầu tư ban đầu là UBND TP Đà Nẵng cho công ty quốc tế ASEAN. Ông có ý kiến gì về điều này?
Công trình số 9 Đào Duy Anh, chúng tôi chỉ được giao nhiệm vụ thanh tra công vụ, chưa đi sâu thanh tra toàn diện công trình này. Vì vậy đến nay chúng tôi chưa có số liệu để xác định có sự chuyển nhượng đất hay không nhưng trên tài liệu chúng tôi nghiên cứu thì thấy rằng, trước đây UBND thành phố Hà Nội cấp đất này cho UBND TP Đà Nẵng là đơn vị kết nghĩa để làm văn phòng giao dịch và khách sạn.
Nhưng sau đó UBND TP Đà Nẵng đã giao Công ty kinh doanh nhà của Đà Nẵng chuyển giao cho công ty quốc tế ASEAN. Còn việc bàn giao này như thế nào thì hiện tại cơ quan chức năng đang xác minh. Có tiêu cực hay không thì chúng tôi cũng chưa xác định được.
Trường hợp nhà M5 - 31 tầng tại 91 đường Nguyễn Chí Thanh của Ban Tài chính quản trị thành phố vừa được báo chí phản ánh là xây không phép. Liệu Thanh tra thành phố có “sẵn lòng” vào cuộc và kiến nghị xử lý?
Không phân biệt công trình nào, nếu được UNBD thành phố giao, chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra giống như tất cả các công trình khác và khi đã thanh tra thì sẽ kết luận một cách khách quan, không né tránh.
Sau khi thanh tra các công trình sai phạm do báo chí phanh phui, Báo cáo của Thanh tra thành phố kiến nghị xử lý cán bộ với những từ rất mạnh như xử lý nghiêm, làm nghiêm khắc… nhưng nhiều người lo ngại rằng, cuối cùng cũng chỉ là cảnh cáo, khiển trách, kiểm điểm nghiêm túc?
Trước Tết, thành phố đã tạm đình chỉ công tác của một số cán bộ, thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra công vụ về chức năng quản lí nhà nước. Chúng tôi đã xác định được lỗi của các phường, lỗi của cán bộ quản lý địa bàn về thanh tra trật tự xây dựng, lỗi của cấp quận, lỗi của phòng cấp phép và thanh tra xây dựng Sở xây dựng.
Còn xác định ai là người có khuyết điểm, việc kiểm điểm và xử lý hình thức nào thì phải do thủ trưởng cơ quan đó tiến hành. Thanh tra không thể nói người A, người B nào đó phải kiểm điểm và phải kỷ luật hình thức này, hình thức kia đối với người đó… Chúng tôi chỉ tham mưu cho UBND thành phố yếu tố lỗi để thành phố chỉ đạo kiểm điểm xử lý cá nhân vi phạm.
Nhìn lại các công trình sai phạm có thể thấy, cán bộ quản lí ở cấp cơ sở đã nhiều lần lập biên bản, nhưng các công trình vẫn tiếp tục vươn lên. Nhiều người cho rằng, việc lập biên bản chẳng qua cũng là một hình thức “giữ võ” để đối phó với cấp trên cũng như dư luận còn “phong bì” thì vẫn thu đều? Thanh tra thành phố có quan tâm làm rõ điều này?
Cho đến giờ, qua thanh tra công vụ, chúng tôi mới xác định được sự buông lỏng quản lý nhà nước, chưa làm tròn trách nhiệm của cán bộ công chức. Chúng tôi chưa xác định được vấn đề có tiêu cực hay không, chủ đầu tư đưa cho từng cán bộ bao nhiêu tiền cũng chưa xác định được.
Tuy nhiên, cũng có dư luận, nếu không có tiêu cực làm sao chủ đầu tư có thể thoát được như vậy, chúng tôi đang quan tâm nhưng thanh tra thời gian qua thì chưa có tài liệu để chứng minh.
Thanh tra thành phố không sai!
Thưa ông, dự án Tổng Công ty chè Việt Nam 10 năm qua vẫn chưa giải quyết được. Hiệu lực của thanh tra thế nào khi mà đã có 3 bản kết luận, doanh nghiệp vẫn chưa có đất để triển khai dự án?
Quan điểm của chúng tôi trong các kết luận là có 3 căn hộ lấn chiếm trái phép và chúng tôi đề nghị thành phố cưỡng chế đối với 3 hộ này để lấy đất giao cho công ty chè VN thực hiện dự án. Đến nay, chưa biết lý do gì mà UNBD quận Hai Bà Trưng chưa tổ chức cưỡng chế để bàn giao mặt bằng.
Theo kết luận của thanh tra Chính phủ về Dự án kè Hồ Tây, thanh tra TP Hà Nội làm chưa tới cùng và có những sai sót. Xin ông cho biết quan điểm trong việc này?
Trước đây, thanh tra thành phố đã tiến hành thanh tra và có kết luận dự án kè Hồ Tây. Sau đó công dân tiếp tục có đơn thư kiến nghị, Thanh tra chính phủ đã tiếp tục thành lập đoàn thanh tra liên ngành để làm việc. Kết luận của họ có những nội dung trùng với kết luận của thanh tra Hà Nội nhưng cũng có những nội dung khác.
Sau khi được thanh tra Hà Nội và UBND thành phố giải trình, đến nay, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã chấp nhận theo kiến nghị của Hà Nội. Và như vậy, con đường ở cụm 3 Xuân La nguyên bản là đường bê tông hiện vẫn còn nhưng do một số hộ dân lấn chiếm nên khi làm kè Hồ Tây phải đưa kè ra mép nước.
Phương án được chấp nhận là toàn bộ 23 hộ đó sẽ giải tỏa để làm cây xanh, giữ nguyên đường theo quy hoạch và kè sát mép nước. Như vậy, không có chuyện thanh tra Hà Nội sai.
Có một thực tế là rất nhiều đơn thư khiếu nại của công dân ở Hà Nội được các cơ quan báo chí phản ảnh hoặc gửi tới các cơ quan chức năng nhưng rất nhiều trường hợp “bặt vô âm tín”. Công tác thanh tra tại các cấp cơ sở như vậy còn rất yếu, thưa ông?
Theo số liệu của chúng tôi, năm 2006, đơn thư khiếu nại của công dân tăng 28% so với 2005. Nếu nói về vụ việc thì năm nay thành phố giao cho thanh tra 56 vụ, tăng 40% so với năm trước. Điều đó chứng tỏ tình hình khiếu nại của công dân ngày càng tiếp tục gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp.
Việc công dân gửi đơn đi đó chúng tôi biết và các cơ quan báo đài cũng đã chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết rất nhiều, chúng tôi có kiểm tra đôn đốc nhưng chính quyền các xã, phường, thị trấn làm vẫn chưa được đầy đủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc để công tác này thực hiện tốt hơn trong năm 2007.
Xin cám ơn ông!
Cấn Cường - Phương Thảo (ghi)