“Chúng tôi chỉ đầu hàng người Việt Nam”

(Dân trí) - Sau 39 năm, nhớ lại những thời khắc lịch sử giải phóng Trường Sa, ông Mai Năng trầm ngâm: “Người Việt Nam dù ở phía bên nào chiến tuyến cũng đầy ắp lòng tự tôn dân tộc”.

Chỉ buông súng khi biết là quân giải phóng Việt Nam

Năm 1975, cùng với việc triển khai chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân ủy Trung ương có một quyết định quan trọng “giải phóng Trường Sa”. Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Hải quân: Tranh thủ thời cơ có lợi đánh chiếm quần đảo Trường Sa, một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng đất nước. Chỉ thị cũng nhấn mạnh: "Kiên quyết không để lực lượng nào khác vào đánh chiếm đảo trước ta".

Thiếu tướng Mai Năng nhớ lại: “Năm 1975, lúc đó tôi đang là Trung đoàn trưởng đặc công hải quân thì nhận lệnh vào Đà Nẵng chỉ huy đơn vị hợp thành gồm lực lượng đặc công hải quân, một bộ phận tiểu đoàn 471 đặc công quân khu 5 và biên đội tàu gồm 3 tàu: 673, 674 và 675 của Đoàn 125 (đoàn tàu không số) ra giải phóng Trường Sa.

4 giờ ngày 11/4/1975, lực lượng giải phóng đảo gồm hơn 200 cán bộ, chiến sĩ được lệnh xuống 3 tàu của Đoàn 125 (đoàn tàu không số). 3 con tàu được cải trang thành tàu đánh cá hướng ra Trường Sa. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đặc công đều nằm ở hầm tàu, phía trên tàu là lưới, ngư cụ dùng để nghi binh. Tuy nhiên, vừa đi được vài chục hải lý, trên bầu trời bỗng xuất hiện máy bay địch, chúng quần thảo ngay phía trên tàu thăm dò. Để đánh lạc hướng đối phương, chỉ huy truởng Mai Năng hạ lệnh: Tiếp tục hành trình, hướng ra vùng biển quốc tế về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) như những tàu đánh cá nước ngoài. Quả thật sau vài lần quần đảo, thăm dò, máy bay địch bỏ đi, đoàn tàu quay lại hướng Trường Sa thẳng tiến.

Giải phóng đảo Song Tử Tây (ảnh tư liệu)
Giải phóng đảo Song Tử Tây (ảnh tư liệu)

Nhớ lại chuyến đi, thuyền trưởng tàu không số Phạm Duy Tam kể: Yêu cầu của cấp trên là tắt hết hệ thống thông tin (tránh để địch phát hiện kế hoạch của ta). Trước đây, nhờ những lần vận chuyển vũ khí vào chiến trường, các thủy thủ đoàn tàu không số thường xuyên qua lại vùng biển này. Chính kinh nghiệm đi biển dày dạn đã giúp cho các thủy thủ đoàn tàu không số đến được các đảo.

Sau nhiều ngày hành quân trên biển, những chiếc tàu chiến cải trang của quân ta đã áp sát đảo Song Tử Tây. Giả dạng là tàu đánh cá, tàu của ta tiến hành trinh sát đảo để rồi 1 giờ 15 phút ngày 14/4/1975, tàu 673 tiến vào vị trí thả xuồng, một bộ phận bơi vào đảo.

Kế hoạch đánh chiếm đảo Song Tử Tây diễn ra theo đúng kế hoạch. Hiệu lệnh từ khẩu súng DKZ phát ra, các mũi tiến công ào lên tấn công dữ dội. Địch bị đánh bất ngờ, chống cự yếu ớt và đầu hàng sau 30 phút, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được treo lên đỉnh cột cờ phía đông đảo.

Thiếu tướng Mai Năng với miên man kí ức về những trận chiến lịch sử.

Thiếu tướng Mai Năng với miên man kí ức về những trận chiến lịch sử.

Tới nay, sau mấy chục năm chỉ huy lực lượng giải phóng đảo Trường Sa, thiếu tướng Mai Năng vẫn cho rằng địch đầu hàng nhanh chóng một phần do hỏa lực mạnh của ta, nhưng còn một lý do khác. “Khi toàn bộ quân đồn trú của địch ở đảo Song Tử Tây đầu hàng quân giải phóng, viên sĩ quan chỉ huy ngụy quân đã nói với tôi: “Chúng tôi đã nhận được lệnh tử thủ bảo vệ đảo và chắc chắn chúng tôi sẽ làm thế nếu là quân nước ngoài chiếm đảo. Tuy vậy, khi nghe thấy tiếng các ông nói, nhìn thấy lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, biết chắc là quân Bắc Việt tôi đã hạ lệnh đầu hàng. Chúng tôi chỉ đầu hàng người ViệtNam, không bao giờ để hòn đảo này rơi vào tay nước ngoài”.
 
Thiếu tướng Mai Năng trầm ngâm: "Về sau chúng tôi tìm hiểu, viên chỉ huy bảo vệ đảo Song Tử Tây lại là cháu của một đồng chí lãnh đạo Quân chủng Hải quân thời đó. Thật trớ trêu, hai chú cháu lại đứng ở hai đầu chiến tuyến. Tuy vậy, câu nói của viên chỉ huy đảo mà chúng tôi bắt làm tù binh vẫn luôn thể hiện khẳng khái tinh thần dân tộc, ý chí quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Họ chỉ buông súng khi biết rằng lực lượng đổ bộ lên đảo là quân giải phóng Việt Nam.
 
Vợ chồng thiếu tướng Mai Năng tại nhà riêng

Vợ chồng thiếu tướng Mai Năng tại nhà riêng

Phát huy thế thắng, sau khi trở về Đà Nẵng rút kinh nghiệm, ông Mai Năng tiếp tục chỉ huy lực lượng đánh chiếm các đảo còn lại gồm Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa. 9 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, cờ giải phóng tung bay trên đảo Trường Sa, hòn đảo cuối cùng do quân Việt Nam cộng hòa chiếm đóng được giải phóng.

Thiếu tướng Mai Năng tự hào: "Giải phóng Trường Sa là một quyết định lịch sử, chúng tôi - những người lính Hải quân tự hào góp phần làm nên chiến thắng lịch sử này".
 
Trở lại thời điểm năm 1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được triển khai và liên tiếp lập nên nhiều chiến công, chính quyền Sài Gòn suy yếu nên không thể tập trung bảo vệ Trường Sa như trước đây. Trước tình hình đó, nước ngoài nhăm nhe tận dụng cơ hội chiếm đảo. Ngày đó Quân ủy Trung ương đã ra một mệnh lệnh: “Có tin đối phương chuẩn bị rút khỏi các đảo ở Trường Sa. Kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân đội nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm”. Thiếu tướng Mai Năng nhớ lại: "Tính thời điểm của việc giải phóng Trường Sa đặc biệt quan trọng, đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này có nói với chúng tôi: khi quân Việt Nam cộng hòa tháo chạy khỏi một số đảo ở Trường Sa, nếu chúng ta chỉ chậm vài tiếng rất có thể mất đảo vì nước ngoài nhăm nhe xâm chiếm”.

Sau giải phóng Trường Sa, thiếu tướng Mai Năng còn một lần nữa quay lại quần đảo này, đó là năm 1988 khi xảy ra sự kiện quân Trung Quốc vô cớ đánh chiếm một số đảo của ta ở Trường Sa. Lúc đó ông Mai Năng đang là Tư lệnh Binh chủng đặc công cùng đoàn công tác của Bộ Quốc Phòng ra Trường Sa nghiên cứu tình hình. Ông Mai Năng tâm sự: "Là những người lính trực tiếp giải phóng quần đảo Trường Sa, lại chứng kiến cảnh quân Trung Quốc chiếm đảo, nghe báo cáo về tình hình thương vong của quân ta tôi không cầm được nước mắt. Sự hy sinh của những người lính không hề vô ích. Sau đó chúng tôi đã nghiên cứu kỹ tình hình, lên phương án phòng thủ để không mất thêm một mảnh đất nào của Tổ quốc".

Thu Hằng