1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Về việc đưa giết mổ gia cầm vào qui củ:

Chúng ta đã tự làm mất cơ hội!

(Dân trí) - Gia cầm giết mổ đã lâu ngày vẫn được đưa ra thị trường tiêu thụ, gia cầm sạch và gia cầm “đội lốt” sạch được bày bán lẫn lộn với nhau, đặc biệt là các loại gia cầm sống đang xuất hiện ngày một nhiều ngay giữa Thủ đô… Thị trường gia cầm đang bị buông lỏng khâu quản lí.

Ông Trần Công Xuân, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam rất bức xúc trước những vấn đề trên đây với Dân trí.

Nói về việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm, nhiều người cho rằng chúng ta làm theo kiểu: lúc thắt thì thắt rất chặt, nhưng lúc nới thì chẳng khác gì…buông. Quan điểm của ông như thế nào?

Chúng ta đã tự làm mất cơ hội! - 1
  

Ông Trần Công Xuân,
Chủ tịch Hiệp hội chăn
nuôi gia cầm Việt Nam

Mừng là dịch cúm đã bị đẩy lùi, sản phẩm gia cầm đã được tiêu thụ trở lại, nhưng tôi rất lo ngại tư tưởng chủ quan, lơi lỏng trong bối cảnh mầm bệnh cúm của ta vẫn đang tiềm ẩn.

Đúng như anh nói, “ứng xử” của ta lúc quá tả lúc lại quá hữu. Ở Hà Nội chẳng hạn, giai đoạn trước đây làm quá chặt, trong đó có những cái chặt không đúng như sản phẩm sạch có nguồn gốc, có kiểm soát của thú y cũng bị cấm tiêu thụ. Bây giờ lại quá lỏng, gà lậu ở khắp mọi nơi mọi chốn, không kiểm soát được…

Theo khảo sát của chúng tôi, các sản phẩm mang nhãn mác “sạch” lại không được người tiêu dùng mặn mà, trong khi gà sống dù bán lén lút nhưng lại thu hút được nhiều người mua?

Tôi cho là điều này xuất phát từ khâu giết mổ của ta làm không tốt. Có những nơi treo đầu dê, bán thịt chó: rao là sản phẩm “sạch”, nhưng thực ra lại lẫn cả sản phẩm không sạch. Vì người dân không tin sản phẩm giết mổ là sạch, người ta tìm những sản phẩm có thể “mục sở thị”, dễ nhận biết là ngon hay không.

Tập quán lâu đời của người dân VN đã sử dụng sản phẩm gia cầm sống quen rồi. Bây giờ các sản phẩm ấy trên danh nghĩa không được đưa vào nội thành, nhưng đáng tiếc các sản phẩm mổ sẵn đưa vào lại có sản phẩm không đảm bảo an toàn. Dù đứng về phía người sản xuất, tôi cũng không đồng tình với cách làm gian lận đó. Bởi lẽ, chỉ có tiêu thụ bền vững mới tạo điều kiện cho chăn nuôi bền vững.

Thực tế có những con gia cầm giết mổ đã bảy ngày vẫn bày bán mà không phải người mua nào cũng phân biệt được. Xem ra, cách giết mổ tập trung cũng có… nhược điểm, thưa ông?

Giết mổ tập trung có một qui trình cụ thể. Gà giết mổ phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phải qua kiểm soát thú y. Sau khi giết mổ gà phải được “cấp đông”. Cấp đông làm cho con gà đông lạnh ngay tức thì, nhưng chỉ là bên ngoài còn bên trong nó các tế bào vẫn đảm bảo tốt và chất lượng tốt.

Bây giờ người ta không cấp đông mà đưa vào tủ lạnh khiến chất lượng không đảm bảo nên ăn không ngon - người dân bây giờ tinh lắm.

Tổ chức giết mổ tập trung, cung cấp các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, các nước đã làm từ lâu rồi. Với nguy cơ về dịch ở ta như hiện nay, chủ trương giết mổ tập trung là không còn phải bàn cãi, chỉ tiếc các sản phẩm gia  cầm sạch được tạo ra đã không bảo đảm theo đúng tinh thần của nó.

Chính các cơ sở giết mổ tập trung đã tự làm giảm đi cơ hội của họ?

Nhà nước đã có quyết tâm trong chủ trương bảo đảm an toàn trong giết mổ, tiêu thụ gia cầm và giai đoạn đầu người dân đã bắt đầu đi theo hướng đó. Đáng tiếc, các doanh nghiệp giết mổ không bảo đảm uy tín cộng với khâu kiếm soát chưa tốt đã phá vỡ tính “hệ thống” đang hình thành.

Chúng ta đã tự làm mất cơ hội đưa khâu giết mổ vào qui củ. Theo tôi, bây giờ chúng ta nên kiên quyết không cho tiêu thụ sản phẩm sống, đồng thời các doanh nghiệp giết mổ cần ý thức rõ ràng về vấn đề tiêu thụ bền vững.

Những sai phạm cần phải được xử lí “mạnh tay”, quan điểm của Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam là giết mổ tập trung chứ không phải giết mổ lung tung.

Cấn Cường (thực hiện)