1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Chúng ta có rất nhiều nhà trẻ nhưng lại không có nhà già”

(Dân trí) - Đó là vấn đề trăn trở của Bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – giáo dục, thuộc Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) khi nói về tốc độ già hóa của dân số nước ta và tình trạng nhiều người già của Việt Nam đang phải sống cô đơn.

Sáng nay (18/3), tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội) đã diễn ra cuộc Giao lưu với chủ đề “Báo chí truyền thông với những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội” do Tạp chí Người làm báo – cơ quan ngôn luận nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Nghiệp vụ, báo Nhà báo và Công luận đồng tổ chức.

Tham dự cuộc giao lưu này có đại diện lãnh đạo các bộ ngành như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm xã hội Việt Nam,… cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Quang cảnh cuộc giao lưu...
Quang cảnh cuộc giao lưu...

Tại cuộc giao lưu trên, bác sĩ Mai Xuân Phương Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – giáo dục, thuộc Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) chia sẻ, trong những năm qua đơn vị này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cơ quan thông tấn báo chí. Chính vì vậy, công tác truyền thông thông tin của ngành dân số đến được sâu và rộng hơn tới các tầng lớp nhân dân trên cả nước.

Bác sĩ Mai Xuân Phương cho biết: Chúng ta có nhiều nhà trẻ, nhưng lại không có nhà già.
Bác sĩ Mai Xuân Phương cho biết: "Chúng ta có nhiều nhà trẻ, nhưng lại không có nhà già".

Theo bác sĩ Mai Xuân Phương, dân số, quy mô dân số nước ta đang gặp nhiều vấn đề bất cập về thể lực, chiều cao, vóc dáng, cân nặng. Vấn đề truyền thông, tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân chưa được chú trọng một cách đúng mức, dẫn đến chất lượng dân số của người Việt Nam thua kém nhiều so với các nước trong khu vực và quốc tế về thể lực, vóc dáng, cân nặng...

“Tốc độ già hóa của dân số Việt Nam đang đứng có thứ hạng cao trên thế giới. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,2 tuổi. Tốc độ già hóa của nước ta như vậy nhưng cả nước chỉ có TPHCM và Hà Nội có bệnh viện Lão khoa. Một vấn đề nữa là chúng ta có rất nhiều nhà trẻ, nhưng lại không có nhà già. Người già rất cần được sự quan tâm chăm sóc của toàn xã hội, vì chúng ta vẫn đang rất cần chất xám của những người già này. Có thể nói rất nhiều người già của nước ta đang rơi vào trạng thái cô đơn, cuộc sống khó khăn” – bác sĩ Mai Xuân Phương chia sẻ.

Từ những vấn đề nêu trên, bác sĩ Mai Xuân Phương mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề dân số, kế hoạch hóa gia đình. Báo chí cần có nhiều bài viết về đề tài này, tìm ra những gì chưa hợp lý, những gì còn bất cập, từ đó làm thay đổi được nhận thức cộng đồng, giúp người dân hiểu hơn và thay đổi hành vi để chất lượng dân số Việt Nam được tốt hơn.

“Năm nay chúng tôi có bốn sự kiện lớn rất mong các nhà báo quan tâm, ngày 11/7 là ngày Dân số thế giới; 1/10 là ngày Người cao tuổi; ngày 11/10 là ngày Quốc tế trẻ em gái; Ngày Dân số Việt Nam 26/12. Ngoài ra, chúng tôi đang xin ý kiến để ra mắt Vụ Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đã được Bộ Y tế cho phép và đang xây dựng đề án” – bác sĩ Mai Xuân Phương nói thêm.

“Nếu không có báo chí chúng tôi không hoàn thành tốt được nhiệm vụ”

Tại cuộc giao lưu nói trên, các nhà báo rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. Một số nhà báo đã đặt câu hỏi với đại diện Bộ Giáo dục về vấn đề làm thế nào để chống cận thị cho học sinh, ngành giáo dục đã giáo dục cho trẻ em cách phòng tránh vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em chưa?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: “Nếu không có báo chí chúng tôi không hoàn thành tốt được nhiệm vụ”.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: “Nếu không có báo chí chúng tôi không hoàn thành tốt được nhiệm vụ”.

Trước khi trả lời vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: Trong thời gian qua, báo chí đã đồng hành rất tốt với Bộ Giáo dục, nếu không có báo chí thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình.

“Báo chí là kênh thông tin rất tốt để chúng tôi tương tác với xã hội, từ đó điều chỉnh những gì chưa làm tốt hoặc làm chưa đúng. Có thể nói, nếu không có báo chí thì chúng tôi không hoàn thành tốt được nhiệm vụ. Về vấn đề làm thế nào để chống cận thị cho học sinh, thì việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có trách nhiệm của gia đình. Với môi trường giáo dục, chúng tôi đã có các bàn ghế theo tiêu chuẩn, phòng học theo tiêu chuẩn, có hướng dẫn cho học sinh tư thế ngồi học như nào là đúng” – bà Phụng nói.

Về câu chuyện giáo dục cho học sinh cách phòng tránh bị xâm hại tình dục, bà Phụng cho biết, hiện nay một số nhà trường đã áp dụng để lồng ghép vào các chương trình đào tạo, tuy nhiên cũng chưa được áp dụng nhiều trong môi trường giáo dục ở Việt Nam.


Nhà báo Nguyễn Lương Phán - Phó Tổng biên tập báo Dân trí - phát biểu tại cuộc giao lưu.

Nhà báo Nguyễn Lương Phán - Phó Tổng biên tập báo Dân trí - phát biểu tại cuộc giao lưu.

Phát biểu tại cuộc giao lưu, nhà báo Nguyễn Lương Phán, Phó Tổng Biên tập Báo Dân trí, hoan nghênh Ban tổ chức đã tổ chức cuộc giao lưu ý nghĩa này, đây là cơ hội để các nhà báo được đối thoại cùng nhau về nghiệp vụ và đối thoại cơ quan chức năng về các vấn đề đang được xã hội quan tâm.

Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Lương Phán cũng góp ý với Ban tổ chức, với “sức nóng” nội dung của cuộc giao lưu như này cần mời các đại biểu từ Thứ trưởng các Bộ trở lên mới trả lời được sâu sắc những vấn đề mà các nhà báo quan tâm.

Nguyễn Dương

Dòng sự kiện: Hội báo toàn quốc 2017