1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

“Chúng ta chưa mạnh mẽ với những vấn đề cấp thiết”

(Dân trí) - Người dân đã làm trọn trách nhiệm đội MBH còn trách nhiệm quản lí với chất lượng mũ thì sao? Số lượng xử lí CSGT làm “luật” là bao nhiêu? 5,6 người chết/10.000 phương tiện có là biện minh?... Những vấn đề này đã được các đại biểu QH đặt ra với Chính phủ.

Sáng nay (24/4), Thường vụ Quốc hội cùng một số đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến với bản báo cáo về việc thi hành pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Chính phủ và báo cáo giám sát của Quốc hội.

Chưa có số liệu CSGT làm “luật”!

Chủ nhiệm UB Pháp luật, Nguyễn Văn Thuận cho rằng, những nguyên nhân, giải pháp trong các báo cáo về giao thông là không thể tốt hơn và gồm những vấn đề đã được đề cập từ chục năm nay. Ông Thuận cũng nhìn nhận, nếu ông làm Bộ trưởng Bộ Giao thông thì báo cáo cũng không thể tốt hơn.

Tuy nhiên, theo ông Thuận, nếu vẫn đặt vấn đề về nguyên nhân như ý thức giao thông kém, hạ tầng không đảm bảo, phương tiện tăng nhanh… thì “bản thân chúng ta không bằng lòng và cử tri cũng không bằng lòng”. Chính phủ nên đi vào một việc cụ thể, chẳng hạn chỉ đạo các ngành cùng hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM làm rõ thực trạng và giải pháp chống ùn tắc, coi đó như một công trình quốc gia, trình ra Quốc hội.

Từ đó mới có cơ sở để tập trung vào đâu, huy động tiền từ đâu và trách nhiệm của các ngành, của Chính phủ và Quốc hội ra sao.

Vấn đề lập tức được đại biểu Trần Du Lịch chia sẻ với nhìn nhận “chưa thấy ánh sáng nào cuối đường hầm về chống ùn tắc trong thời gian ngắn”. Dẫn chứng là TPHCM với 7-8 triệu dân nhưng đến nay vẫn chưa có đường vành đai, chỉ toàn đường hướng tâm.

Về vấn đề tai nạn giao thông, ông Lịch phân tích, mỗi năm số người chết của ta gấp 4 lần sự kiện 11/9 của nước Mỹ và đó là vấn đề rất lớn. Con số 5,6 người chết/10.000 phương tiện cơ giới đường bộ, nếu nhìn nhận không lớn sẽ thành… biện minh. Bởi lẽ, các nước rất nhiều ô tô, trong khi chúng ta sử dụng chủ yếu là xe máy, nếu “chuẩn hoá” 5-6 xe máy thành một ô tô, tỉ lệ người chết sẽ rất khác.

Ông Trần Du Lịch cũng cho rằng, với qui định đội mũ bảo hiểm đã có 99% người dân chấp hành, nhưng MBH lại có tới 70-80% không đạt chất lượng, gây ra sự nguy hiểm lớn. Từ đó, ông Lịch phản biện: “người dân đã làm trọn trách nhiệm, nhà nước cũng phải làm trọn trách nhiệm trong vấn đề chất lượng MBH chứ?”.

Vến đề tiêu cực của CSGT, Thanh tra GT trong thực thi nhiệm vụ lại khiến đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) bức xúc. Bên cạnh các số liệu về TNGT, các báo cáo chưa có được số liệu về việc xử lí cảnh sát, thanh tra làm “luật” người đi đường. “Trong các dịp tiếp xúc cử tri, nhiều người dân hỏi rất nhiều, vậy chúng ta đã làm được cụ thể bao nhiêu vụ để họ có niềm tin”, bà Mai nhấn mạnh.

Tăng thuế là tạo điều kiện cho ô tô trong nước lên giá?

Phải có qui định “mạnh mẽ” đối với những vấn đề cấp thiết là góp ý của đại biểu Trần Du Lịch. Chẳng hạn, đất giao thông hiện nay chỉ đạt 3-5%, có thể qui định, nếu chưa đạt được 10% đất dành cho giao thông, nhất quyết không được dùng đất làm việc khác. 70% tai nạn giao thông liên quan đến xe máy, Bộ GTVT cũng phải có chiến lược giải quyết vấn đề nhất quán, không thể để mỗi nơi một cách.

Chủ nhiệm UB Tư pháp, bà Thu Ba cho rằng, hạn chế nhập khẩu ô tô là cần thiết, nhưng dùng thuế là phải xem xét. “Dùng biện pháp thuế mà không giảm giá xe trong nước có phải là tạo điều kiện cho ô tô trong nước lên giá?”, bà Thu Ba bức xúc. Bà cũng không hài lòng với việc mua ô tô trong nước phải đặt hàng trước, thậm chí phải “đút” tiền mới có thể nhận xe sớm.

“Các giải pháp đề ra chưa tương xứng với với tình hình, nguyên nhân và đều là những giải pháp đã, đang làm”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét. Ông Lưu nhìn nhận, việc đầu tư dàn trải đã nói từ lâu, nhưng chưa khắc phục được. Cầu Thanh Trì bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng, nhưng 3-4 năm đường dẫn hai phía Bắc-Nam vẫn chưa hoàn thành, xe cộ vẫn cứ “lao” vào thành phố. Ông Lưu nhấn mạnh, vướng mắc gì phải giải quyết ngay để có thể đưa nhanh cây cầu này vào khai thác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá, các báo cáo chưa thể hiện được khâu đột phá. Tình hình thực thi pháp luật giao thông chưa chuyển biến mạnh mẽ, tai nạn giao thông lúc giảm lúc tăng, nhưng về cơ bản tiếp tục tăng, trong khi ùn tắc vẫn nhức nhối. Hạ tầng giao thông yếu, công trình giao thông “nhôi nhai”, dang dở.

Cấn Cường