1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Chúng ta chắc chắn có biện pháp bảo vệ chủ quyền Việt Nam!"

(Dân trí) - Đánh giá vụ Trung Quốc đưa giàn khoan vào lãnh thổ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, đây là việc chung của cả đất nước; phải bảo vệ chủ quyền và quyền lợi kinh doanh chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.

Hãy yên tâm, Đảng, Nhà nước chắc chắn có biện pháp bảo vệ chủ quyền!
Giàn khoan HD 981 định vị khoan tại vị trí có tọa độ 15o29’ vĩ độ bắc, 111o12’ độ kinh đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (ảnh: EVN).

Trả lời câu hỏi báo chí liên quan đến vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào lãnh thổ Việt Nam, tại phiên họp báo thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều 5/5, Thứ trưởng - người phát ngôn của Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải, cho biết, Bộ đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có ý kiến chính thức gửi sang Dầu khí Hải Dương Trung Quốc về vấn đề này; yêu cầu Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc đưa giàn khoan ra khỏi vùng lãnh thổ của Việt Nam.

Đánh giá vấn đề không chỉ "mỗi vụ việc ngày hôm nay, những việc này đã từng xảy ra và sắp tới vẫn có thể xảy ra", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, đây không phải là việc riêng của Bộ Công thương hay PVN mà là việc chung của cả đất nước, với sự vào cuộc của rất nhiều các lực lượng chức năng, các Bộ, ngành. 

"Báo chí hãy yên tâm, từ những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, chắc chắn sẽ có biện pháp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam cũng như quyền tài phán của Việt Nam, đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trên lãnh thổ đất nước mình" - người phát ngôn Bộ Công thương nhấn mạnh.

Ngày 2/5 vừa rồi, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoản Hải Dương 981 (HD-981) vào định vị khoan tại tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc-111o12’06” kinh Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam từ ngày 2/5 đến 15/8/2014, vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Ngày 3/5, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối".

Ngày 4/5/2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc dừng ngay các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm