1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội:

Chung cư xuống cấp, tính mạng 30 vạn dân treo lơ lửng

(Dân trí) - Hiện nay, Hà Nội có khoảng 460 toà nhà chung cư cũ nát, 10 khu tập thể thấp tầng nằm trong diện xuống cấp nguy hiểm. Tuy nhiên, ngay cả những khu tái định cư mới được xây dựng cũng không đảm bảo được cuộc sống an toàn cho người dân.

Tổng số dân cư Hà Nội đang phải cư trú trong những khu nhà chung cư cũ nát lên đến hơn 300.000 người.

 

Đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi có mặt tại chung cư Vĩnh Phúc - Ba Đình. Đây là chung cư được xây dựng cho các hộ dân tái định cư thuộc diện phải di dời giải phóng mặt bằng Quận Ba Đình. Chung cư được đưa vào sử dụng đầu năm 2001, tuy nhiên ở các dãy nhà E1, E2, G2 đã có sự xuống cấp trầm trọng về cơ sở hạ tầng. Nhiều bức tường loang lổ, ẩm mốc nhìn không khác gì các chung cư đã được xây dựng cách đây hàng chục năm.

 

Bà Lại Đức Tân, phòng 102-G2, cho biết gia đình bà trước kia ở ngã ba Voi Phục - Thủ Lệ, nay di dời về đây, bà được phân cho 3 căn hộ tái định cư, tuy nhiên ban đầu đến tiếp quản những căn hộ này bà thực sự ngao ngán trước việc đường xá đi lại khó khăn. Lối đi vào khu chung cư đầy rẫy những "ổ trâu", "ổ gà". Thậm chí ngay sát bờ tường trường THCS Hoàng Hoa Thám, những hố nước sâu lút cổ chân, thường gây nguy hiểm cho các em học sinh mỗi khi tan trường cũng không được các cơ quan chức năng quan tâm tới.

 

Cách xa khu chung cư gần 50m có dòng kênh chưa được nạo vét, hàng ngày dòng kênh này thải ra những dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và sức khoẻ người dân quanh khu dân cư.

 

Chưa dừng lại ở đó, theo phản ánh của bà con, hiện tượng sập vữa tường, trần nhà là chuyện "cơm bữa". Tại các khu nhà E1, E3 đều có hiện tượng bong tróc, nhiều hộ dân sau một hai năm sử dụng phải đập hết lớp trần cũ và trát lại toàn bộ công trình. Chị Thuý Hà - P.409 E1 vẫn chưa hết bàng hoàng vì một mảng trần lớn sụp đổ ngay cạnh giường ngủ của cô con gái.

 

Bên cạnh sự xuống cấp của nhiều chung cư là tình trạng tự ý đục phá, sửa chữa và cơi nới mà không xin phép. Hiện

 

Chung cư xuống cấp, tính mạng 30 vạn dân treo lơ lửng - 1
 

Nhà C2 khu tập thể Trung Tự,
Hà Nội - một chung cư đã
xuống cấp và được cư dân
"cơi nới" tuỳ tiện.

tượng này phổ biến tại các chung cư cũ như : Kim Liên, Trung Tự, Nghĩa Đô. Thành Công... Điều này không chỉ gây mất mĩ quan mà còn đe doạ đến tính mạng của mỗi người dân. Bởi lẽ, các chung cư này được cơi nới bởi các vật liệu sắt hàn tạo thành các "chuồng cọp". Sau nhiều năm sử dụng hầu hết các mối hàn đều hoen rỉ, kết hợp với việc kê, đặt những đồ đạc nặng sẽ dẫn đến khả năng sụp đổ bất cứ lúc nào. Hàng loạt "chuồng cọp" đua nhau ra ngoài "không gian" chính là những hiểm hoạ lơ lửng trên đầu người dân nơi đây.

 

Mặc dù Cục quản lý nhà và Bộ Xây Dựng đã có những chế tài xử lý cho từng trường hợp nhà chung cư tự ý sửa chữa, cải tạo, nhưng do quỹ nhà chung cư được hình thành từ nhiều nguồn gốc khác nhau, nhiều dự án khác nhau nên đã làm cho hoạt động quản lý chỉ mang tính hình thức.

 

Chung cư C1 - Thành Công - Ba Đình, nơi cư trú của gần 500 nhân khẩu đang đứng trước thực trạng "dở khóc, dở cười"...vì toàn bộ khu nhà được xây dựng từ những năm 60, 70 đang lún dần và mức độ lún ngày càng nhiều. Theo ông Nguyễn Đức Ý - Tổ 103 - C1 thì : "Hiện nay tầng 1 chỉ cao 1m (so với 2m70 lúc mới xây). Ngoài ra, tường nứt, thanh giằng long lở đang thực sự đe doạ tính mạng của mỗi người dân".

 

Tuy nhiên, khu nhà C1 cũng chỉ là một trong 30 nhà chung cư của phường Thành Công đang chờ cải tạo và sửa chữa gấp. Kết quả khảo sát của ngành Tài Nguyên - Môi Trường và nhà đất thì hầu hết các khu chung cư này đều nằm trên nền đất yếu, có nhiều lớp bùn, thậm chí có toà nhà còn nằm trên lớp bùn dày 35 hoặc 36m. Các khu nhà này đều được xây dựng hàng chục năm trước nên có nhiều hạn chế về công nghệ, khảo sát thiết kế, trình độ .... kết hợp với vồn đầu tư thấp, vật liệu xây dựng không đảm bảo cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình.

 

Các chung cư Ngọc Khánh, Thành Công, Giảng Võ ... có tới 30% số nhà bị lún, 70 đến 80% chỉ tiêu quy hoạch bị vi phạm, 100% các khu chung cư bị cơi nới, đục phá, thay đổi thiết kế hạ tầng kỹ thuật công trình.

 

Trước thực trạng trên, UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch bảo trì 206 chung cư khu vực nội thành, thí điểm việc thực hiện sửa chữa, cải tạo, chống lún cho 12 công trình bằng vốn Ngân sách. Ước tính số tiền thực hiện công việc này khoảng 1.500 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2006 - 2010, Hà Nội cần thêm 1.000 tỷ đồng để xoá bỏ nhà nguy hiểm. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, nhiều vướng mắc đã nảy sinh như nguồn vốn, ngân sách, chính sách ... Trong khi đó tính mạng hàng nghìn người dân vẫn bị treo lơ lửng trong chính ngôi nhà của mình.

 

Phương Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm