1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

Chuẩn bị xây mới khu chung cư B6 Giảng Võ

Sau khi phá dỡ nhà chung cư cũ B6 Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội), hơn 100 hộ dân sẽ được tái định cư tại chỗ trong toà nhà chung cư mới cao 15-17 tầng. Diện tích căn hộ sẽ tăng 1,7-1,8 lần so với trước đây.

Tiền các hộ dân trả cho phần diện tích gia tăng này sẽ tính theo giá do thành phố phê duyệt. Và người dân sẽ không phải đóng bất cứ khoản tiền nào cho đến khi xây dựng xong.

 

Theo phương án tái định cư tại toà nhà mới, tầng 2 sẽ không bố trí người dân sinh sống mà tổ chức các dịch vụ cho dân cư trong khu vực. Các hộ tầng 1 chung cư cũ sẽ chuyển lên tầng 2, các hộ tầng tiếp theo sẽ tái định cư ở tầng cao dần. Các hộ dân ở tầng 1 có thể được thuê một gian hàng để kinh doanh có thời hạn từ 15 đến 20 năm.

 

Trong thời gian chung cư mới xây dựng, người dân sẽ tạm cư tại khu chung cư ở Thanh Lương, Đại Kim, hoặc Phúc Xá. Nếu các hộ dân tự lo nơi tạm cư, sẽ được hỗ trợ mỗi tháng 250.000 đồng một người. Ngoài ra, chủ đầu tư còn hỗ trợ chi phí di chuyển 2 lần khi đi hoặc về nơi mới. Mỗi tầng hiện có 20 căn hộ, khi tái định cư cũng bố trí đủ 20 căn hộ mỗi tầng, hộ ở đầu hồi về lại đầu hồi, hộ ở giữa về lại căn hộ ở giữa.

 

Chủ trương xây dựng mới khu chung cư này nhận được sự đồng tình của đông đảo hộ dân trong khu nhà. Theo ông Lương Văn An, phòng 508, nhiều người mong mỏi thành phố xây mới nhà chung cư vì nó ngày càng bị xuống cấp. Mặc dù đã được đóng cọc và gia cố chống lún song hằng năm nhà vẫn bị lún, tường thì nứt toác. "Với căn hộ tăng thêm diện tích sau khi xây mới, chúng tôi muốn thành phố cho phép trả góp, trả dần", ông An nói.

 

Tuy nhiên, việc triển khai dự án vấp phải sự phản đối của nhiều hộ dân tầng 1, bởi họ đang hưởng nguồn lợi từ kinh doanh mặt bằng. Khi xây dựng toà nhà mới, họ sẽ phải chuyển lên tầng 2 và có thể phải thuê lại kiốt tầng 1 để kinh doanh. Những cuộc họp bàn phương án di chuyển do chủ đầu tư tổ chức đều không có sự tham gia của các hộ dân này.

 

Bà Nguyễn Thị Toán, chủ nhân phòng 110, cho biết, cả gia đình bà đang sống dựa vào kinh doanh cửa hàng với lợi nhuận 6 triệu/tháng. Do vậy, gia đình bà nhất quyết không chịu lên tầng 2. "Chúng tôi muốn nhận kiốt tầng 1 theo nguyên trạng căn hộ, không phải thuê lại của nhà nước", bà Toán quả quyết.

 

Ngoài ra, một số hộ vốn "nhảy dù" sống ở chân cầu thang cũng không đồng tình việc xây dựng mới. Theo anh Nguyễn Đình Hoàng, gia đình anh đã ở chân cầu thang gần 30 năm. Nếu thành phố cho mua căn hộ mới với giá gốc và được trả góp thì gia đình này mới di chuyển.

 

Ông Đinh Phú Lân, Phó giám đốc Công ty cổ phần Hà Nội ICT - chủ đầu tư, cho biết, theo quy định nếu 2/3 dân cư trong khu nhà đồng ý xây mới nhà chung cư thì chủ đầu tư vẫn tiến hành phá dỡ. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn cố thuyết phục người dân đồng tình, chấp thuận phương án tái định cư được đưa ra. "Những hộ dân ở tầng 1 đã được hưởng lợi nhuận cao qua nhiều năm, nên giờ họ cần phải hy sinh vì lợi ích chung", ông Lân nói.

 

Ông Lân cho biết, lợi nhuận từ kinh doanh tầng 1 của toà chung cư mới sẽ là kinh phí vận hành và quản lý nhà, chủ đầu tư không tham gia kinh doanh tại đây. Do vậy, giá và thời hạn cho thuê kiốt tầng 1 sẽ do Sở Tài chính Vật giá quyết định.

 

Toà nhà B6 Giảng Võ sẽ được xây dựng thành 3 khối nhà cao 13-15-17 tầng, có 200 căn hộ với tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng. Dự kiến sẽ tiến hành di dời dân vào đầu năm 2006, việc phá dỡ và xây dựng kéo dài trong 24 tháng.

 

Theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội, đến năm 2015, Hà Nội sẽ "xoá" toàn bộ nhà chung cư cũ, thành phố đưa ra giải pháp là xã hội hoá công tác cải tạo các khu chung cư này. Việc thực hiện phải đảm bảo được lợi ích 3 bên là thành phố, chủ đầu tư và người dân.

Người dân có trách nhiệm ủng hộ chủ trương của thành phố, tham gia cùng chủ đầu tư và địa phương trong quá trình thực hiện dự án. Khi có hơn 2/3 số dân sống trong khu vực dự án đồng ý thì chủ đầu tư được phép triển khai. Các căn hộ được thiết kế với diện tích tối thiểu 50 m2. Các diện tích tầng 1 của khu nhà ở mới sẽ không bố trí để ở, ưu tiên phục vụ các mục đích công cộng của cộng đồng và kinh doanh dịch vụ.

 

 Theo Đoàn Loan
VnExpress