Chuẩn bị khai thác 2 đoạn, tuyến đường sắt đô thị mới ở Hà Nội và TPHCM
(Dân trí) - Dự kiến cuối tháng 7, đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội sẽ được đưa vào sử dụng. Trong khi đó, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên ở TPHCM dự kiến khai thác trong tháng 12.
Sáng 17/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thứ hai của Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội và TPHCM.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hoàn thành tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội; vận hành thử đoạn trên cao; hoàn thành thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy, đào tạo nhân sự.
2 đoạn, tuyến đường sắt mới sắp được đưa vào sử dụng
Đối với tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, Bộ GTVT, Xây dựng và Tài chính đã chỉ đạo triển khai đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; tổ chức kiểm tra hiện trường, rà soát các điều kiện nghiệm thu; hoàn thiện thủ tục và ký kết phân bổ vốn vay cho đoạn đi ngầm; thành lập hội đồng thẩm định cấp giấy phép môi trường.
Dự kiến cuối tháng 7 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn.
Trong khi đó, ở TPHCM, tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư. TPHCM đang đẩy nhanh hoàn thành thi công các hạng mục còn lại.
Tuyến metro này sẽ thực hiện chạy thử, vận hành hệ thống, báo cáo an toàn hệ thống, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, chấp thuận về môi trường… để đưa vào sử dụng trong tháng 12.
Góp ý nội dung 2 đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM đến năm 2035, lãnh đạo các Bộ: GTVT, Tư pháp, Xây dựng cho rằng đây là những đề án lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều chuyên ngành, trong điều kiện pháp luật còn nhiều vướng mắc. Vì thế, cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tế triển khai đầu tư trong thời gian qua để đề xuất mục tiêu, giải pháp xây dựng tuyến đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ.
Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị với tầm nhìn trăm năm
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Hà Nội, TPHCM phấn đấu đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên sớm hơn tiến độ đề ra.
Về 2 đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM, Phó Thủ tướng yêu cầu có sự thống nhất về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách chung, đồng thời tính đến đặc thù của địa phương (quy hoạch xây dựng, không gian phát triển, dự báo tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số…). Bộ GTVT chịu trách nhiệm tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.
Mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội, TPHCM phải kết nối đồng bộ với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, bao gồm: Nhà ga, quy chuẩn thiết kế kỹ thuật đường ray, đầu máy, toa xe, hệ thống điều hành…, theo định hướng của Phó Thủ tướng.
"Hai thành phố cần lựa chọn được những đơn vị tư vấn thiết kế hàng đầu để hoàn thiện, thẩm định quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị với tầm nhìn trăm năm", Phó Thủ tướng nói và yêu cầu tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia có mạng lưới tàu điện ngầm phát triển, hiện đại.
Đây là cơ sở để 2 đề án đưa ra phương án toàn diện, khả thi về tiếp nhận, chuyển giao công nghệ xây dựng công trình ngầm, đầu máy, toa xe, quản lý, vận hành, đào tạo nhân lực… nhằm xây dựng ngành công nghiệp đường sắt đồng bộ, hiện đại.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động tổng thể đối với nền kinh tế của các đề án phát triển đường sắt đô thị ở Hà Nội, TPHCM, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công.
Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội, UBND TPHCM tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng gói chính sách, phương án huy động nguồn lực xã hội hóa ở mức cao nhất thông qua các hình thức TOD (phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ dọc tuyến giao thông), PPP (đối tác công - tư), BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao)…
"Các cơ chế, chính sách phát triển mạng lưới đường sắt đô thị ở TP Hà Nội, TPHCM phải đồng bộ, khả thi, cụ thể, chỉ rõ cách làm, ai làm, vướng mắc ở đâu và đề xuất cấp thẩm quyền tháo gỡ", Phó Thủ tướng nêu rõ.