Chuẩn bị để trình Bộ Chính trị đề án đặc biệt về nhà nước pháp quyền

Thái Anh

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đề án chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền là đề án đặc biệt quan trọng, sẽ là căn cứ trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét.

Chuẩn bị để trình Bộ Chính trị đề án đặc biệt về nhà nước pháp quyền - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ nhất của Đảng đoàn Quốc hội chuẩn bị đề án chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền.

Chiều 26/8, tại Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội về xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Trong đó có các yêu cầu nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dựa trên cơ sở nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực.

Theo Chủ tịch Quốc hội, để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên có 3 cấu phần quan trọng. Một là, xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và đáp ứng yêu cầu hội nhập. Hai là, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Ba là, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân.

Dự kiến tháng 10/2022, Bộ Chính trị sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Chuẩn bị để trình Bộ Chính trị đề án đặc biệt về nhà nước pháp quyền - 2

Chủ tịch Quốc hội: "Chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền là đề án đặc biệt quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ là căn cứ trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết".

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ này, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã được thành lập. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là Đề án đặc biệt quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ là căn cứ trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết".

Trong đó, Đảng đoàn Quốc hội được Ban Chỉ đạo Trung ương giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, xây dựng 4 chuyên đề gồm:

Chuyên đề số 9 về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. 

Chuyên đề số 10 về Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Chuyên đề số 11 về Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Chuyên đề số 12 về Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Ngay sau khi nhận được yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành kế hoạch triển khai xây dựng các chuyên đề được phân công. Ngày 20/8 vừa qua, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 141 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công gồm 27 thành viên do Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm trưởng Ban.

Chủ tịch Quốc hội trực tiếp chỉ đạo xây dựng chuyên đề số 9; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trực tiếp chỉ đạo xây dựng chuyên đề số 11; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trực tiếp chỉ đạo xây dựng chuyên đề số 10 và chuyên đề số 12.

Lưu ý cả 4 chuyên đề đều rất khó, có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách của nhiều cơ quan, tổ chức, trong khi thời gian triển khai thực hiện, hoàn thành các chuyên đề không có nhiều, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được phân công.

Các Trưởng tiểu ban chịu trách nhiệm trước Đảng đoàn Quốc hội về tiến độ và chất lượng của từng chuyên đề. Trong quá trình thực hiện cần đa dạng hóa các hình thức huy động sự tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, bảo đảm đi vào thực chất, hiệu quả.

Hiện nay, Đảng đoàn Quốc hội cũng đang triển khai thực hiện rất nhiều Đề án về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, định hướng chiến lược xây dựng pháp luật của Quốc hội Khóa XV… Theo Chủ tịch Quốc hội, các đề án này sẽ có nhiều nội dung đóng góp trực tiếp cho việc nghiên cứu, xây dựng 4 chuyên đề Đảng đoàn Quốc hội được phân công.