1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuẩn bị bữa ăn cho các nguyên thủ tại APEC

(Dân trí) - Nói về chuyện ăn uống của đoàn khách Mỹ có lẽ chỉ gói gọn trong hai chữ đơn giản nhưng cực kỳ bí mật. Cho tới giờ này, khách sạn Sheraton vẫn chưa biết ông Bush sẽ mang theo đầu bếp riêng hay dùng thức ăn của khách sạn.

Sự “đơn giản” của người Mỹ

 

Tổng bếp trưởng của khách sạn Sheraton đã điện thoại tới một số khách sạn nước ngoài từng phục vụ ông Bush để tham khảo kinh nghiệm. Tuy vậy, vị Tổng thống này không hé lộ chút sở thích hay “sở ghét” nào về ẩm thực vì ông Bush thường mang theo đầu bếp riêng với nguyên liệu thực phẩm mang từ Mỹ và không ai biết chuyện “xào nấu” diễn ra như thế nào.

 

Lần này tại Việt Nam, ông Bush cũng sẽ ở trong khu nghỉ VIP với hệ thống phòng ngủ, phòng làm việc, phòng nhân viên an ninh, phòng ăn và bếp riêng. Cho tới giờ này, khách sạn Sheraton vẫn chưa biết Tổng thống George W.Bush sẽ mang theo đầu bếp riêng hay dùng thức ăn của khách sạn. Thậm chí vì lý do an ninh, chưa ai biết liệu ông Bush có nghỉ ở Sheraton hay không?

 

Phải phục vụ toàn bộ đoàn công tác khoảng hơn 450 người Mỹ tham dự APEC 14, nhưng cho tới giờ này khách sạn Sheraton vẫn chưa nhận được thông báo về lịch ăn uống của đoàn công tác, đồng thời chưa biết khi nào sẽ có thông báo. Nhưng bù lại, những vị khách “tính cách Mỹ” này lại ăn uống rất đơn giản vì… sợ béo.

 

Anh Nguyễn Hữu Phước, Phó Tổng bếp trưởng khách sạn Sheraton cho biết, bữa sáng họ thường ăn thịt nướng miếng to, hải sản kèm khoai tây chiên, rau, salat, hot dog, trưa ăn nhẹ với thịt bò, bánh sandwich… Họ luôn tránh đồ ăn gây béo, như trứng thì chỉ ăn lòng trắng. Trong các buổi tiệc, người Mỹ cũng chỉ ăn một số món khá “truyền thống” như thịt nướng, quay, hải sản sốt kem, thịt bò bít tết… và yêu cầu các món ăn Việt Nam đặc trưng.

 

Khách sạn Sheraton cũng đã chuẩn bị các loại đồ uống Việt Nam được khách nước ngoài ưa chuộng như bia Hà Nội, vodka Hà Nội, vang Đà Lạt....


Sự “kỹ tính” của đạo Hồi

 

Trái ngược với sự đơn giản của người Mỹ, những đoàn khách đạo Hồi của Brunei, Indonesia… nghỉ tại khách sạn Meliá lại khá kỹ tính trong chuyện ăn uống.

 

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng bếp trưởng khách sạn Meliá cho biết, công việc chuẩn bị thực phẩm cho người theo đạo Hồi phải tuân theo những nguyên tắc “bất di bất dịch”. Nguyên liệu thực phẩm bắt buộc phải có chứng nhận Halal - công nhận thực phẩm đã đạt tiêu chuẩn cho người Hồi giáo trên toàn thế giới. Chứng nhận này cũng chứng tỏ gia súc, gia cầm khi giết mổ đã được cầu nguyện theo đúng phong tục.

 

Tại Hà Nội, thịt gà chế biến dành riêng cho người theo đạo Hồi chỉ có ở một địa chỉ duy nhất trên phố Hàng Cót. Theo nguyên tắc của thực khách theo đạo Hồi, khách sạn phải có bộ đồ nấu nướng, ăn uống dành riêng, người chế biến món ăn cũng phải là người theo đạo Hồi. Thậm chí, trong khi nấu nướng cho người theo đạo Hồi, khu bếp không được có người lạ vào. Rất may là trong đội ngũ phục vụ của khách sạn Meliá đã có một đầu bếp theo tôn giáo này. Có vị nguyên thủ theo đạo Hồi còn yêu cầu đầu bếp phải chế biến thức ăn ngay trước mặt.

 

Chủ tịch Cuba Fidel Castro và các nguyên thủ thích ăn món gì?

 

Nhớ lại cách đây ít lâu, trong cảm nhận của đầu bếp Nguyễn Mạnh Thắng, thì Chủ tịch Cuba Fidel Castro là vị nguyên thủ rất hồn hậu và thân thiện. Dù với lịch làm việc bận rộn và căng thẳng, Chủ tịch Fidel Castro luôn duy trì đều đặn bữa ăn với 5, 6 món. Trước khi về nước, Chủ tịch Fidel Castro không quên gửi quà cho các đầu bếp của khách sạn hộp xì gà - đặc sản của Cuba và cảm ơn vì thái độ phục vụ tận tình của các nhân viên.

 

Còn Tổng thống Đông Timor Xanana Gusmao là vị nguyên thủ rất mê phở Việt Nam. Là vị thực khách theo đạo Hồi kỹ tính và đã thưởng thức nhiều món súp, mì khắp thế giới, nhưng ông vẫn yêu cầu món phở tới ba lần trong thời gian nghỉ tại khách sạn Sheraton. Trước khi về nước, ông đã tới ôm hôn, chụp ảnh lưu niệm với các đầu bếp và ngỏ lời khen ngợi món phở Việt Nam rất ngon và có hương vị đặc biệt.

 

Nghề đầu bếp như làm dâu trăm họ

 

Để có được một bữa tiệc thịnh soạn cho các nguyên thủ quốc gia hoàn toàn không phải là một việc dễ dàng. Danh sách thực đơn phải được lên trước hàng tháng và được duyệt kỹ càng thông qua các Đại sứ quán. Điều khó khăn nhất với các đầu bếp là phải làm nhiều món ăn cao cấp cho một lượng khách lớn với khẩu vị rất khác nhau. Các đầu bếp thường xuyên phải đổi món, thời gian chế biến eo hẹp trong khi phải luôn tuân thủ nguyên tắc: “Không được phép chậm, không được phép không có”. Ngay cả khâu trang trí các món ăn, các đầu bếp cũng phải kỳ công “nghiên cứu”.

 

Đã từng có vị nguyên thủ kị màu đỏ trên bàn ăn, vì thế đầu bếp không được dùng ớt màu đỏ, hoa hồng đỏ. Có vị nguyên thủ lại dị ứng với mùi hoa hay gia vị mù tạt, hạt tiêu… thì tuyệt đối không được để những thứ đó trên bàn ăn. Vấn đề an ninh thực phẩm luôn được các khách sạn đặt lên hàng đầu. Ngoài các chuyên gia luôn giám sát chặt chẽ trong khi chế biến, trước khi các nguyên thủ dùng thức ăn khoảng 30 phút, luôn có bộ phận làm nhiệm vụ nếm thử, đồng thời tất cả các mẫu thức ăn đều được nhân viên an ninh lưu lại.

 

Hội nghị APEC sẽ là cơ hội tuyệt vời để quảng bá ẩm thực Việt Nam. Hầu hết nguyên liệu chế biến thức ăn cao cấp này đều là nguồn trong nước như  hải sản Nha Trang, Hạ Long, Cát Bà, rau tươi Đà Lạt... Các món ăn đều được chế biến theo nguyên tắc trung thành với hương vị truyền thống, chỉ học hỏi thêm cách xếp đặt, trang trí.

 

Đặc biệt trong bữa tiệc lớn GALA DINNER tại Trung tâm Hội nghị quốc gia cho 800-850 khách, hầu hết các món ăn của thế giới sẽ được đầu bếp hai khách sạn Sofitel Metropole và Sofitel Plaza chế biến từ nguyên liệu Việt Nam như atisô Đà Lạt, mật ong Ba Vì... Để góp phần việc không thể thiếu trong công tác phục vụ APEC, hàng trăm đầu bếp vẫn đang nỗ lực làm việc ngày đêm với mong muốn món ăn Việt sẽ để lại ấn tượng khó quên trong lòng quan khách quốc tế. 

Thảo Duyên - Thanh Loan

Dòng sự kiện: APEC 14 - Vietnam 2006