Chưa xử lý thỏa đáng trường hợp "học giả, bằng thật" của ông Vương Tấn Việt

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu, năm 2024 dư luận xã hội dậy sóng với trường hợp "học giả, bằng thật" ở cấp đào tạo trình độ cao nhất nhưng chưa được xử lý thỏa đáng, minh bạch.

"Học giả, bằng thật"

Ngày 9/10, tiếp tục phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển năm 2025.

Một trong những nội dung đáng chú ý được Ủy ban Kinh tế chỉ ra trong báo cáo thẩm tra là năm 2024, dư luận xã hội dậy sóng với trường hợp "học giả, bằng thật" ở cấp đào tạo trình độ cao nhất.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng, công khai, minh bạch với công luận.

Báo cáo thẩm tra dẫn chứng trường hợp ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) bảo vệ luận án và được cấp bằng Tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội sau khoảng hơn 2 năm từ khi tốt nghiệp cử nhân luật hệ vừa học, vừa làm.

Sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã có văn bản xác nhận ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa ngày 6/6/1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá tình hình chung của giáo dục tốt nhưng quản lý chất lượng giáo dục cần tiếp tục chú ý khi đã có những sự việc, trường hợp cụ thể nổi cộm và khi nhìn nhận, đánh giá lại cũng cần phải xem xét.

"Chúng tôi thấy khi một chuyện xảy ra thì chúng ta chú ý nhiều hơn đến việc phân tích, đánh giá xem việc quản lý có thực hiện đúng quy trình không. Nhưng có một việc rất quan trọng là khi chất lượng không đảm bảo tại sao chúng ta không đi thẳng vào vấn đề là chất lượng của luận án đó, của công trình đó có thực sự tốt hay không", ông Vinh nêu.

Chưa xử lý thỏa đáng trường hợp học giả, bằng thật của ông Vương Tấn Việt - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh (Ảnh: Media Quốc hội).

Sửa đổi Luật Đầu tư công

Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Trong khi đó, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế "xin - cho"…

Dự thảo cũng đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên.

Một điểm đáng chú ý trong sửa đổi Luật Đầu tư công lần này là việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ từ Hội đồng nhân dân (HĐND) sang cho Ủy ban nhân dân (UBND).

Chưa xử lý thỏa đáng trường hợp học giả, bằng thật của ông Vương Tấn Việt - 2

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo dự kiến sửa đổi, Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng, nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đối với vốn ngân sách địa phương giữa các cơ quan, đơn vị và đối với vốn ngân sách địa phương giữa các nhiệm vụ, dự án trong nội bộ cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn do cấp mình quản lý.

Về thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn, Chủ tịch UBND các cấp quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý, báo cáo HĐND cùng cấp tại Kỳ họp gần nhất.

Dự thảo luật cũng phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương từ HĐND cấp tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp.

Về nâng quy mô vốn đầu tư công, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị rà soát, thống kê, đánh giá về số lượng dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng và trên 30.000 tỷ đồng trong thời gian qua.

Đồng thời, đánh giá tác động khi tăng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng; thuyết minh đầy đủ căn cứ xác định và đánh giá tác động của chính sách; đánh giá tác động kỹ về năng lực thực hiện của các địa phương; tránh việc phân cấp vượt quá khả năng thực hiện, gây thất thoát, không hiệu quả.