Sửa đổi luật phòng chống tham nhũng:
Chưa xử lý tài sản tăng thêm bất minh
Sửa luật PCTN tới đây có tạo ra hy vọng mới cho việc thúc đẩy cuộc chiến với giặc nội xâm? Pháp Luật TP.HCM trao đổi với ông Lê Văn Lân - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN (ảnh), thành viên Ban biên tập Luật PCTN sửa đổi.
Ngày 8/8, Chính phủ đã tổ chức họp góp ý cho dự thảo Luật PCTN sửa đổi. Các ý kiến đóng góp cho dự luật này thế nào, thưa ông?
Ông Lê Văn Lân |
Đây có thể coi là điểm mới tiến bộ của dự luật. Quy định kê khai tài sản hiện tại được xây dựng với quan điểm không buộc truy nguyên nguồn gốc thì giờ đây bắt đầu phải làm rõ nguồn gốc phần tăng thêm. Và nếu giải trình không thỏa đáng thì cán bộ đó sẽ bị xem xét kỷ luật. Tuy nhiên, dự thảo chưa đặt ra vấn đề xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được. Bởi tài sản và sở hữu là vấn đề phức tạp, liên quan đến những nguyên tắc của luật dân sự, hình sự.
Nhưng thế nào là tài sản hợp pháp, thế nào giải trình hợp lý hay đạt yêu cầu?
Ngay bây giờ thì ban soạn thảo cũng chưa thể cụ thể hóa được. Nhưng trước yêu cầu đẩy mạnh PCTN, về mặt chính trị vấn đề này đã được đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 4, 5 vừa qua nên vẫn phải đưa vào dự thảo. Tiếp theo Chính phủ sẽ phải thảo luận để có nghị định hướng dẫn chi tiết.
Công khai tài sản: Chưa sẵn sàng tại nơi cư trú
Các nghị quyết gần đây của trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTN còn yêu cầu phải công khai bản kê khai tài sản tại nơi công tác, nơi cư trú. Vậy những quan điểm này được thể chế hóa thế nào trong dự luật?
Việc công khai bản kê khai tài sản thì ngay trong quá trình thực hiện Luật PCTN thời gian qua, Chính phủ cũng đã có những điều chỉnh. Thời gian đầu, bản kê khai tài sản coi như tài liệu mật, quản lý theo hồ sơ cán bộ, gần như không công khai, cho dù Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đã yêu cầu phải công khai trong chi bộ. Đến cuối năm 2011, Chính phủ đã sửa nghị định, dấn một bước là buộc công khai tại nơi công tác, tức vượt ra ngoài phạm vi chi bộ. Vấn đề là tới đây, có công khai hơn nữa, ra cả nơi cư trú của người kê khai tài sản không?
Đây là vấn đề có ý kiến khác nhau, mà có vẻ nghiêng theo hướng làm cho tốt việc công khai tại nơi công tác đã. Còn công khai tại nơi cư trú thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh bị lạm dụng vào mục đích tiêu cực. Với lại công khai bản kê khai tài sản là vấn đề mới, cần làm từng bước, tổng kết rồi mới tính tiếp được.
Nhiều băn khoăn về ban chỉ đạo
Trung ương đã quyết định tổ chức lại Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN để Tổng bí thư làm trưởng ban và tái lập Ban Nội chính trung ương làm cơ quan thường trực. Nhưng có luật hóa vị trí, chức năng, nhiệm vụ của ban chỉ đạo này không đang có ý kiến khác nhau. Vậy đến phiên họp Chính phủ vừa rồi, vấn đề này được thảo luận thế nào?
Chính phủ thảo luận khá sôi nổi nhưng ý kiến lại phân tán, thấy phương án nào cũng có mặt hợp lý và cũng có mặt hạn chế. Chẳng hạn, tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 thì Ban Chỉ đạo tới đây sẽ gần như là cơ quan của Đảng, Tổng bí thư là người đứng đầu, có cơ quan thường trực là Ban Nội chính trung ương. Lập pháp ở ta, chưa có tiền lệ quy định vị trí, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan đảng nào vào luật. Pháp luật chỉ quy định những vấn đề của bộ máy nhà nước và xã hội thôi. Giờ quy định Ban Chỉ đạo PCTN vào luật, quy định cả chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu là Tổng bí thư thì có khập khiễng không? Quốc hội là cơ quan giám sát tối cao thì giám sát thế nào với hoạt động của Ban Chỉ đạo, của người đứng đầu? Người đứng đầu có phải báo cáo trước QH về công tác PCTN?
Lập luận khác thì thấy rằng Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN hiện hành được QH xây dựng với tính chất lưỡng tính, vừa là một tổ chức do Nhà nước thành lập, vừa có đại diện của Đảng (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) trong đó. Mô hình này dù chưa đạt yêu cầu nhưng đã đạt được những kết quả nhất định. Giờ không thể chế hóa trong luật nữa, một mặt dư luận băn khoăn là phải chăng xóa bỏ hẳn Ban Chỉ đạo.
Mặt khác, hoạt động của Ban Chỉ đạo mới có thể khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý điều chỉnh mối quan hệ công tác với các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước và xã hội. Chưa kể, không thể chế hóa được thì sẽ là bước lùi về mặt xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nhất là khi đang có những ý kiến cho rằng cần xây dựng luật về hoạt động của Đảng.
Phiên họp Chính phủ này, hai đồng chí lãnh đạo chủ chốt là trưởng ban và phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN bận họp Bộ Chính trị. Có lẽ phải đợi phiên họp Chính phủ tới, đông đủ hơn, đưa ra xin ý kiến tiếp, bỏ phiếu rồi báo cáo cấp có thẩm quyền thì mới cụ thể hơn được. Nhưng có cố thế nào thì tôi nghĩ lần sửa đổi gấp gáp này chưa thể căn bản, toàn diện được.
Xin cảm ơn ông!