Chưa từng đề nghị Thủ tướng khen thưởng đại biểu Quốc hội
(Dân trí) - ĐBQH chuyên trách ở TƯ gần như không được xem xét thi đua trong quá trình công tác. Vì quan điểm để Thủ tướng khen thưởng “người của cơ quan lập pháp” không thuận nên Quốc hội chưa bao giờ đề nghị. Vì vậy, ĐBQH chỉ về hưu mới được khen thưởng…
Đó là những băn khoăn nêu ra tại phiên thảo luận chiều 19/8 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng của UB Thường vụ QH.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, trong suốt quá trình công tác, những đại biểu này hầu như không được xem xét thi đua mà chỉ được đề nghị xét khen thưởng khi chuẩn bị về hưu hoặc sau khi đã nghỉ hưu.
Bà Mai phân tích, theo quy định hiện hành, các hình thức khen thưởng cấp nhà, thủ tục phải qua Hội đồng thi đua khen thưởng nhà nước do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Vì không thống nhất được quan điểm để Thủ tướng khen thưởng đại biểu Quốc hội, để “hành pháp khen thưởng lập pháp” không... xuôi nên thời gian qua, chưa có lần nào Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị, “xin” danh hiệu, khen thưởng cho các đại biểu.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cũng mở rộng vấn đề với câu hỏi: “Có nên để Thủ tướng tặng thưởng cho những người có thành tích trong lĩnh vực tư pháp, lập pháp không. Có nhiều cán bộ là trưởng đoàn, phó đoàn ĐBQH, làm công tác kiêm nhiệm ở địa phương mà nhận bằng khen, huân chương do Thủ tướng trao tặng có hợp lý , có nên không?”.
Cho rằng khen thưởng khi đại biểu đã nghỉ hưu làm giảm tính khuyến khích trong quá trình công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị cần kịp thời thưởng khi đang công tác cá nhân đủ điều kiện, thành tích.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà cho biết, Luật hiện hành có quy định về bình bầu khen thưởng thi đua như đề nghị tặng Bằng khen Chính phủ, nhưng những năm qua không có đề nghị nên các đại biểu chuyên trách ở Trung ương mới chỉ được khen cống hiến trước khi nghỉ hưu.
Các ý kiến cho rằng việc khen thưởng đại biểu Quốc hội nên quy định theo hướng không cộng dồn thành tích mà nên khen thưởng theo thành tích, công trạng và cống hiến thông qua các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước. Đối với thành tích trong hoạt động khác không phải là hoạt động Quốc hội thì được khen thưởng dựa trên kết quả của thành tích đó theo quy định của Luật thi đua, khen thưởng.
Vì vậy, các ý kiến thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 83 là UB thường vụ Quốc hội xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ để đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương, Huy chương, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Danh hiệu vinh dự nhà nước cho đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị quy định rõ quy trình thủ tục xét đề nghị khen thưởng.
Ngoài nội dung này, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cũng nêu vấn đề, có nhiềud ý kiến cho rằng thời hạn xét tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng lao động” được thực hiện 5 năm một lần thay cho hằng năm như quy định hiện hành, danh hiệu vinh dự nhà nước dành cho nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ, nghệ nhân từ 2 năm lên 3 năm, giải thưởng nhà nước từ 2 năm lên 5 năm là cần thiết.
Đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” và “Cờ thi đua của Chính phủ” giữ quy định như Luật hiện hành để đảm bảo mục tiêu khen thưởng kịp thời, phù hợp với thực tiễn tổng kết các phong trào thi đua hiện nay. Đối với trường hợp có thành tích xuất sắc đột xuất, Chính phủ phải có giải pháp để việc khen thưởng kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Về băn khoăn liệu 5 năm mới xét tặng Anh hùng LLVTND có muộn hay không khi có những người làm nên những chiến công, thành tích đặc biệt trong một thời điểm nhất định, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết dự thảo luật đã thiết kế quy định khen thưởng trong trường hợp đột xuất tại Điều 61 của dự thảo.
P.Thảo