Chưa thể thống nhất xây dựng hệ thống đường sắt xuyên Á
(Dân trí) - Kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt xuyên Á đã được đưa ra từ lâu, nhưng đến nay các nước ASEAN vẫn chưa thể đi đến thống nhất vì những lí do đặc thù tại mỗi quốc gia.
Đó là vấn đề được đề cập bên lề Hội nghị Tổng Giám đốc đường sắt ASEAN lần thứ 36 vừa khai mạc sáng nay (18/11) tại Hà Nội.
Nói về kết nối hệ thống đường sắt xuyên Á, Ngô Cao Vân - Phó Tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - cho biết: “Ý tưởng về kết nối đường sắt xuyên Á đã đưa ra từ lâu và được bàn thảo ở cấp Bộ Giao thông Vận tải các nước, nhưng hiện vẫn có nhiều ý kiến vẫn chưa thể thống nhất về hướng chạy, thời gian… Vì thế sẽ khó để nói về tham vọng kết nối đường sắt xuyên Á và cũng chưa thể nói khi nào thì hệ thống này được hoàn thành”.
Dẫu vậy, Phó Tổng Giám đốc ĐSVN cho rằng, trong tương lai nếu hệ thống kết nối đường sắt xuyên Á được triển khai thành công thì đó sẽ là một lợi thế để khai thác tiềm năng vận tải của mỗi nước, giảm tải cho giao thông vận tải đường bộ và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong khi đó, việc xếp hạng đường sắt trong khu vực ASEAN, theo ông Ngô Cao Vân, hiện chưa có tiêu chí cụ thể để xếp hạng đường sắt trong khu vực, bởi mỗi nước có một kết cấu đường sắt khác nhau nên không cùng một mặt bằng để đánh giá.
“Cũng tùy cách tiếp cận về đường sắt của mỗi nước, như có nước nhấn mạnh đến chiều dài hệ thống đường sắt quốc gia (Thái Lan 4.400km); có nước thì chú trọng đến vận hành, chú trọng đến sự tác động công nghiệp hay có cách tiếp cận chỉ là đếm số lượng đầu máy toa xe. Hay như ở Lào chỉ có tuyến đường sắt ngắn kết nối với Thái Lan và được vận hành bởi phía Thái Lan nên xét về mặt bằng thì rất khó để đánh giá...” - ông Ngô Cao Vân lý giải.
Ông Vân cũng khẳng định, xếp hạng, đánh giá chưa có nhưng các nước trong khối ASEAN đều có mong muốn trao đổi, hợp tác với nhau để phát triển.
Hội nghị Tổng Giám đốc đường sắt ASEAN lần thứ 36 với chủ đề “Hướng tới kết nối chặt chẽ hơn trong ASEAN” sẽ diễn ra trong 3 ngày 18-20/11. Hội nghị có sự tham gia của 206 đại biểu và quan sát viên đến từ 7 đường sắt ASEAN là: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Mianmar, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc, Hiệp hội đường sắt quốc tế, Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản, Công ty Đường sắt Trung Nhật Bản cũng tham dự Hội nghị này.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Tổng Giám đốc, các nhà quản lý, điều hành đường sắt ASEAN sẽ thảo luận, trao đổi kinh nghiệm phát triển và khai thác hiệu quả đường sắt trong khu vực.
Châu Như Quỳnh